WB: Việt Nam có thành tích chống Covid-19 độc nhất vô nhị

Google News

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Việt Nam đạt thành tích chống Covid-19 vào loại hàng đầu thế giới, nhưng triển vọng kinh tế còn phụ thuộc vào diễn biến dịch ở các nước.

Trong Báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn phẩm tháng 12/2020, WB nhận định Việt Nam "có thành tích gần như độc nhất vô nhị trong việc chống lại cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19". Theo đó, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 2,8% trong năm 2020.
Tuy thấp hơn khoảng 4,2 phần trăm điểm so với thành tích những năm gần đây, Việt Nam vẫn nằm trong vùng tăng trưởng dương khi nền kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%. Tại khu vực Đông Á, chỉ có hai quốc gia khác là Trung Quốc và Myanmar dự kiến tăng trưởng GDP dương trong năm nay.
WB: Viet Nam co thanh tich chong Covid-19 doc nhat vo nhi
 Việt Nam đứng đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.
"Nhiều biến động"
WB cho biết trong năm 2020, nhiều ngành ở Việt Nam ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 3,08% trong ba quý đầu năm 2020, tiếp đến là ngành nông nghiệp (1,84%) và ngành dịch vụ (1,37%).
Bên cạnh đó là những biến động lớn trong từng ngành và theo thời gian. Chẳng hạn, doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 5,4% ở 10 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Lương thực thực phẩm tăng 9,4%; dụng cụ, đồ dùng và thiết bị gia dụng tăng 6,3%.
Ngược lại, vận tải hành khách nội địa và quốc tế giảm lần lượt 30% và 80% trong 10 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, do những hạn chế đi lại cần thực hiện.
WB: Viet Nam co thanh tich chong Covid-19 doc nhat vo nhi-Hinh-2
 
Phản ứng của khu vực kinh tế trong nước chủ yếu nhờ việc kiểm soát dịch bệnh thành công, qua đó tạo điều kiện cho chính quyền từng bước gỡ bỏ những biện pháp hạn chế đi lại.
Các hoạt động chế biến chế tạo giảm 13,4% (so cùng kỳ năm trước) trong giai đoạn cách ly toàn xã hội vào tháng 4. Sau đó, những biện pháp hạn chế dần được nới lỏng khiến cho các hoạt động kinh tế và đi lại tăng dần theo thời gian.
WB: Viet Nam co thanh tich chong Covid-19 doc nhat vo nhi-Hinh-3
 Mối quan hệ giữa hoạt động kinh tế và các biện pháp hạn chế.
"Nhìn chung, mối quan hệ chặt chẽ, thuận chiều giữa hoạt động kinh tế và đi lại diễn ra ở Việt Nam cũng giống như hầu hết nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam là ngoại lệ không phải trong mối quan hệ trên, mà về khả năng gỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhanh chóng, kể cả với đợt dịch bùng phát lần hai vào tháng 8", báo cáo của WB nêu.
"Thành công đó chắc chắn đã nâng cao lòng tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư, qua đó dần đẩy mạnh nhu cầu trong nước, dẫn đến sản lượng sản xuất và doanh số bán lẻ tăng lên", các chuyên gia của WB viết trong báo cáo.
Vẫn là cú sốc lớn
Dù vậy, WB nhận định khủng hoảng hiện nay vẫn là cú sốc lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng giảm đáng kể đối với một nền kinh tế vốn quen với tăng trưởng cao và hầu như đạt toàn dụng lao động trong 25 năm qua.
Cú sốc này ảnh hưởng đến thị trường lao động trong nước, và một bộ phận người lao động, chủ yếu là nữ giới, cũng như các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Mặc dù tương đối ít doanh nghiệp phải sa thải lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp đã giảm lương và giờ làm. Các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình cũng cắt giảm hoạt động. Những diễn biến đó dẫn đến thất nghiệp tăng lên, khiến một số người lao động phải rời bỏ lực lượng lao động.
WB: Viet Nam co thanh tich chong Covid-19 doc nhat vo nhi-Hinh-4
 Tác động của dịch Covid-19 với thị trường lao động khác nhau theo giới tính và ngành nghề.
Tổng tỷ lệ thất nghiệp nói chung đã quay lại mức gần như trước khủng hoảng sau khi tăng tạm thời trong quý II. Nhưng điều này chủ yếu thể hiện nam giới có cơ hội quay lại làm việc. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới tiếp tục tăng đến 3,9% vào cuối quý III, dẫn đến chênh lệch ở mức 1,4 điểm phần trăm giữa tỷ lệ thất nghiệp của nam và nữ.
WB: Viet Nam co thanh tich chong Covid-19 doc nhat vo nhi-Hinh-5
 Lương tháng bình quân giảm mạnh trong quý I và quý II/2020.
Mức lương thực tế bình quân giảm do khủng hoảng. Lương thực tế bình quân giảm 10,2% trong giai đoạn từ quý I đến quý II/2020 và vẫn đi ngang trong quý III.
Mức lương giảm xuống xóa đi hầu hết thành quả tăng lương từ quý IV/2019. "Điều này phản ánh sự đình trệ về các hoạt động kinh tế, thể hiện tác động liên tiếp của cú sốc hiện nay đến thị trường lao động", các chuyên gia của WB nhận định trong báo cáo.
Triển vọng kinh tế
Theo WB, triển vọng kinh tế Việt Nam ngắn hạn và trung hạn phụ thuộc nhiều vào tốc độ khôi phục của nền kinh tế trong nước, cũng như diễn biến đại dịch trên thế giới. Rốt cuộc, thời điểm phê duyệt vaccine lần cuối và vai trò của vaccine sẽ quyết định tốc độ phục hồi trên toàn cầu.
WB dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,8% năm 2021, sau đó ổn định xoay quanh mức 6,5% vào năm 2022 với điều kiện tình hình trong nước và quốc tế thuận lợi.
Tuy nhiên, những dự báo trên còn phụ thuộc vào nhiều bất định trong bối cảnh toàn cầu, kết quả quản lý một số rủi ro có thể phát sinh ở các mặt tài khóa, tài chính và xã hội.
WB: Viet Nam co thanh tich chong Covid-19 doc nhat vo nhi-Hinh-6
 Các chỉ số kinh tế của Việt Nam từ năm 2017 đến năm 2022.
Theo dự báo của WB, ngành nông nghiệp dự kiến phục hồi sau tác động của dịch cúm heo gây ảnh hưởng vào quý 1/2020 và những thiệt hại trong mùa bão năm 2020. Ngành dịch vụ tiếp tục khôi phục nhờ gỡ bỏ hầu hết biện pháp giãn cách xã hội và sức cầu tăng lên ở tầng lớp trung lưu trong nước.
Những biện pháp cấm du khách nước ngoài sẽ từng bước được gỡ bỏ và ngành du lịch từng bước phục hồi. Các hoạt động chế tạo và chế biến sẽ khởi sắc hơn nữa khi nền kinh tế Mỹ và châu Âu khôi phục, trở thành động lực gia tăng nhu cầu với những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
"Quá trình hồi phục còn được tăng cường nhờ các hiệp định khu vực mới được thông qua và sự cộng hưởng dự kiến được hình thành giữa công ty đa quốc gia và doanh nghiệp trong nước", báo cáo của WB nêu thêm.



Theo Thảo Cao/Zing