Hyun Namhyuk, 34 tuổi, lớn lên ở Triều Tiên và hiện sống tại Hàn Quốc. Anh cho biết: "Nhiều người Triều Tiên vẫn xăm mình nhưng không hoàn toàn giống với Hàn Quốc. Ở quê hương tôi, hình xăm phải mang ý nghĩa về lời dạy của nhà nước hoặc ca ngợi gia đình chủ tịch Kim. Hình xăm cũng thể hiện tư tưởng".
Những nội dung tiêu biểu xăm trổ ở Triều Tiên là các câu khẩu hiệu: "Tận lực bảo vệ lãnh tụ vĩ đại", "Chúng ta là con cháu của Đại tướng" (một cách gọi khác mà người Triều Tiên nhắc đến ông Kim Jong Il), "Bảo vệ tổ quốc", theo trang New Focus International.
|
Một hướng dẫn viên người Triều Tiên khoe hình xăm trên cánh tay với dòng chữ Reunification (thống nhất) và bản đồ bán đảo Triều Tiên. |
Hyun cho biết, những hình xăm này rất phổ biến trong quân đội. Nhiều thanh niên mới nhập ngũ đã chọn xăm khẩu hiệu lên cơ thể. Bên cạnh đó, hình xăm cũng tiết lộ về căn cứ của một người lính và binh chủng của họ.
"Những người thuộc đội đặc nhiệm thường chọn dòng chữ 'một người chống lại cả trăm người' hoặc 'quyết tâm hy sinh thân mình'. Họ cho rằng đây là những lời nói khuyến khích tinh thần, giúp họ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ dù nguy hiểm đến tính mạng", Hyun nói.
Đối với những người lính, xăm mình không phải là để tỏ ra mạnh mẽ hay cứng rắn, mà là cách họ bày tỏ tinh thần. Ngay cả những người dân không đủ điều kiện gia nhập (vì thể chất không đáp ứng hoặc các nguyên nhân khác), cũng đi xăm để hưởng ứng sự nhiệt huyết với đất nước.
Tuy nhiên, trong khi các binh sĩ xem hình xăm như một huy chương tinh thần, phụ nữ sẽ bị xem thường nếu xăm trổ. Mọi người sẽ cho rằng cô xuất thân từ một gia đình không tử tế.
Một số hình xăm không hoàn toàn mang ý nghĩa chính trị. Nhiều người thích hình gấu hoặc rồng trên cánh tay hoặc sau lưng. Các con giáp theo lịch Trung Quốc cũng trở thành mẫu xăm phổ biến, theo Guardian.
Nhiều thanh niên Triều Tiên đang chuộng xăm các từ thể hiện cảm xúc mạnh mẽ như "Tình yêu" hoặc "Trả thù". Đôi khi, chúng mang đến phiền toái cho các cá nhân.
"Tôi có một người bạn xăm chữ 'Trả thù' trên cánh tay. Cơ quan an ninh khi phát hiện đã giữ anh ấy để thẩm vấn. Bạn tôi trả lời rằng, anh ấy xăm dòng chữ này nhằm thể hiện lòng căm thù sâu sắc với kẻ thù truyền thống của đất nước, chính là nước Mỹ. Sau đó, họ đã trả tự do cho bạn tôi", Lee Jin Young, một người dân từng sống ở Triều Tiên, kể.
Những năm gần đây, hoạt động xăm mình ở Triều Tiên chịu ảnh hưởng đáng kể do các cấm vận quốc tế. "Trước đây, mực và dụng cụ xăm do những người Triều Tiên tại Nhật Bản gửi về. Tuy nhiên, khi quốc tế áp đặt trừng phạt, các thợ xăm phải nhập thiết bị theo đường biên giới với Trung Quốc", Sun Dong Hyun, một người Triều Tiên đã chuyển đến Hàn Quốc vào những năm 2000, nói.
Một nguồn tin khác cũng cho biết, số lượng thợ xăm ngày càng giảm so với trước đây, vì nghề này không mang lại thu nhập cao, trong khi dụng cụ xăm ngày càng khó kiếm.
Theo Zing