Đi làm ăn ở phương Nam nhiều năm, bà Hà ít có dịp về thăm bố mẹ ở quê nhà. Chính vì thế, nhân dịp hè bà quyết định tổ chức một chuyển về thăm quê cùng gia đình.
Vùng quê của bà Hà có một ngôi chùa cổ kính, bà vẫn thường theo mẹ lễ Phật tại đây khi còn nhỏ. Vì thế dù đi bất cứ đâu hay làm gì, bà cũng thường mang theo bộ áo tràng lam để thuận tiện lễ lạy khi gặp một ngôi chùa nào. Lần này về quê bà cũng không quên mang theo bộ đồ chuyên đi lễ Phật này.
Cùng về quê với bà có thêm hai người con, chúng háo hức vì thường ngày vẫn nghe kể về miền quê ngọt ngào với bao kỷ niệm đắng, cay, ngọt, bùi của mẹ.
Về quê được 2 ngày, bà Hà chuẩn bị đủ lễ vật và cùng các con chuẩn bị lên chùa, nhìn thấy thằng Sơn diện quần soọc, áo thun trông như cầu thủ bóng đá, bé Na diện váy voan trắng, áo dây chẳng khác gì ca sĩ.
Thấy vậy bà Hà thoáng buồn nói với Sơn và Na: “Ơ, các con ăn mặc vậy sao, lên chùa là nơi linh thiêng phải mang trang phục đàng hoàng chứ không xô bồ như ở ngoài đường, ngoài chợ được đâu. Nếu không nghe mẹ thì tý nữa vào đến chùa tự khắc các con cảm thấy mình sẽ lạc lõng mất thôi.”
Lời bà Hà nói không sai, chỉ mới bước qua cổng chùa, Sơn và Na cảm thấy mọi người nhìn mình như từ hành tinh khác đến. Hầu hết người đi chùa nếu không mang áo dài màu lam thì họ cũng mang trang phục quần âu, áo dài tay, kín cổ.
|
Dù có thế nào cũng không nên ăn mặc hở hang khi đến các nơi thờ tự |
Nhìn thấy làn hương thơm tỏa trước những bức tượng uy nghi, nghiêm trang, Sơn và Na không dám bước thêm một bước nào nữa, chỉ có một mình bà Hà từ từ đi dâng hương hết các gian thờ và vái lạy một cách thành kính.
Không để các con phải buồn lâu, bà Hà kéo Sơn và Na ngồi xuống dưới gốc bồ đề trước sân chùa rồi nói: “Các con thấy chưa, mẹ đã căn dặn rồi nhưng các con không nghe, lần sau về quê đi chùa các con nhớ phải mang theo trang phục phù hợp để được tự nhiên tại chốn linh thiêng như nơi này nhé.”
Nên ăn mặc sao cho phù hợp
Nói về cách ăn mặc khi đi lễ chùa, Thượng tọa Thích Hiển Đức, Phó văn phòng tổ chức pháp chế của Thành hội Phật giáo TPHCM cho rằng: "Hiện nay các chùa đều có quy định đối với Phật tử khi đi lễ hoặc tụng niệm phải mặc áo tràng màu xám. Nếu có điều kiện có thể may cùng một màu vải và kiểu áo theo quy định của đạo tràng…
Còn đối với những người không quy y đạo Phật mà khi đến chùa từ xưa đến nay cũng đều ăn mặc một cách trang nghiêm, không hở hang.
Xét về quan niệm tín ngưỡng của người Tây phương, ăn mặc hình thức không quan trọng mà quan trọng người đó có tâm thương người hay không, có tâm đạo đức, tấm lòng với xã hội, có làm gì cho xã hội hay không. Điều này đối với họ mới quan trọng.
Người tây phương có thể ăn mặc quần đùi, áo thun ngắn… đến tòng tâm, tự viện lễ bái mà cảm thấy hết sức bình thường. Thầy đã từng đi 13 nước trên thế giới, thầy thấy đa số là như thế.
|
Ăn mặc đúng cách khi đi chùa khiến người tới lễ Phật cảm thấy được an lạc nơi cửa thiền (ảnh internet) |
Tuy nhiên ở Việt Nam hay các nước Á Đông, không chỉ với Phật giáo mà cả đối với Thiên chúa giáo người đi lễ cũng mang tư tưởng cần phải ăn mặc đoan trang, nghiêm chỉnh.
Chính vì thế người Việt Nam không nên tập theo phong cách Tây phương. Vì dù mình có làm theo cách của người Tây Phương nhưng không thể có chung tư tưởng cũng như không thể đạt như cái nghĩ của họ. Vì thế tốt nhất không nên ăn mặc như vậy.
Lấy ví dụ người đông phương cho phụ nữ xăm mình là ăn chơi, không tốt nhưng người Tây phương cho rằng xăm mình là thể hiện cái đẹp, tôn lên nét đẹp của bản thân họ. Hai suy nghĩ khác nhau hoàn toàn vì thế chúng ta là người Á Đông không nên đi trái lại truyền thống của dân tộc.
Hiện nay đối với tín đồ Phật giáo, quý thầy/cô thường thông qua các bài giảng hay một số hoạt động để hướng dẫn trong cách ăn mặc sao cho đúng. Còn đối với tín đồ tín ngưỡng thập phương (những người không quy y đạo Phật mà vẫn tới chùa lễ Phật) thì cũng nên tùy duyên.
“Thực tế xã hội bây giờ khác hồi xưa rồi. Lấy ví dụ nếu cứ cấm con cái đi đâu đó mà đứa con thích thì chúng cũng sẽ tìm cách đi, phải biết cách điều tiết để mà hướng dẫn dần dần”, Thượng tọa Thích Hiển Đức cười nói
Hoài Lương