Biết uống đúng cách cũng là tu

Google News

Thầy Nhất Hạnh khuyên phải biết dừng lại thưởng thức mầu nhiệm mà cuộc sống ban tặng. Sống với bây giờ và tại đây thì hạnh phúc có ngay...

Thường lệ đầu năm gia đình tôi đi chùa lễ Phật. Năm nay, chúng tôi đi xa đến một ngôi chùa vùng núi, nhiều người con cháu tham gia và đặc biệt người bạn Việt kiều về quê ăn Tết. Để tạo chút thú vị bất ngờ tôi không báo trước địa điểm. Anh bạn thắc mắc muốn biết đi đâu, tôi phải bật mí “Đi hái lộc đầu năm!”. Anh tỏ vẻ băn khoăn nhưng vui vẻ hưởng ứng.

 Ảnh minh họa

Hôm ấy trời nắng dịu khí trời ấm áp. Xuất phát lúc mặt trời vừa lên, vượt qua chặng đường khá dài, chúng tôi đã đứng trước tam quan ngôi chùa tọa lạc trên triền núi. Vào chùa, chúng tôi xin phép thầy trụ trì lên chánh điện lễ Phật. Một cảm giác thanh thoát phủ trùm lên tất cả... Thời gian tưởng chừng như dừng lại, không gian trở nên rộng mênh mông. Hồi chuông nhẹ vang lên đánh thức mọi người quay về, gác bỏ mọi suy tư lo lắng để lại ngoài kia. Không ai bảo ai chúng tôi cúi rạp trước Phật đài thành kính đảnh lễ đấng Từ phụ. Mỗi người thầm thì cầu nguyện.

Lễ Phật xong, một chú lên mời chúng tôi xuống dùng cơm. Mâm cơm dọn sẵn trên bàn, mộc mạc. Bánh tráng gạo mùa cuốn rau sống chuối chát. Rau sạch mới hái trong vườn còn tươi rói chấm tương chùa tự làm. Mấy lát bánh tét điểm hạt đậu đen ăn nghe bùi bùi. Ngon ơi là ngon! Anh bạn tôi không ngớt tấm tắc:

- Từ cao lương mỹ vị đến món dân dã từng nhắm qua khắp nhà hàng khách sạn Đông - Tây, chưa bữa nào ngon hơn bữa cơm hôm nay!

Ấn tượng hơn là bữa trà thấm đẫm đạo tình thầy trụ trì ân đãi. Chiếc bàn kê ngoài hiên, sau lưng là chậu mai vàng chen đọt lá xanh non mượt mà tỏa hương thơm dịu nhẹ. Trước mặt là mấy giò phong lan đỏng đảnh phô sắc thắm. Thầy trụ trì ngồi sẵn đó, tay nâng bình từ từ rót trà nóng vào từng chén nhỏ, sóng sánh làn nước xanh bốc khói. Hương hoa hương trà hòa quyện tạo cảm giác lâng lâng. Thầy nâng chén mời mọi người cùng uống trà và ôn tồn nói:

- Uống trà, biết uống đúng cách cũng là tu đấy! Rồi thầy tiếp: Chúng ta không ai chịu để đầu óc nghỉ ngơi mà cứ nghĩ ngợi vu vơ, nhớ về quá khứ, mơ về tương lai; thành thói quen suốt ngày ai nấy tất bật đủ thứ và suốt đời lăng xăng bận rộn lo lắng. Khổ ơi là khổ! Vì vậy thầy Nhất Hạnh khuyên phải biết dừng lại thưởng thức mầu nhiệm mà cuộc sống ban tặng. Sống với bây giờ và tại đây thì hạnh phúc có ngay chứ chẳng phải nhọc công tìm kiếm đâu xa.

- Thưa thầy, bậc tu hành, người già cả hay kẻ vô công rỗi nghề thì có thể, người bình thường như chúng tôi nếu cứ dừng lại thì ai làm việc, lấy gì nuôi bản thân, gia đình và xã hội làm sao phát triển? Người bạn tôi mạnh dạn đứng lên thưa hỏi.

Thầy không trả lời ngay, thong thả đặt cốc xuống nhìn một lượt mọi người rồi đáp:

- Nói thế không có nghĩa là không làm gì cả, trái lại mỗi người phải hoàn thành nhiệm vụ của mình, nghĩa là phải làm việc. Các thầy, sư cô cũng học tập nghiên cứu, lao động, xây dựng chùa viện để Phật tử có nơi tu học, khách thập phương hành hương tham bái. Điều quan trọng là làm gì thì ta phải biết rõ đang làm gì. Ăn biết đang ăn và chỉ ăn, không vừa ăn vừa đọc sách báo hay lo lắng suy nghĩ!

- Thời gian qua được viếng thăm một số ngôi chùa, thiền viện tôi lấy làm thắc mắc trước hình ảnh trái ngược. Trong khi có nhiều ngôi chùa không khí yên tĩnh, tràn đầy thanh tịnh thì một số ngôi chùa lại bận rộn tổ chức đủ thứ lễ... cầu an, hái lộc đầu năm, dương sao giải hạn. Thưa thầy, cũng chùa cả sao việc làm khác nhau? Xin thầy từ bi khai thị!

Thầy trụ trì nâng chén trà nhấp một ngụm, nhìn người bạn rồi mới ôn tồn đáp.

- Khai thị thì có vẻ to tát quá, còn giải thích thì nên chăng? Giải thích dù có đúng, có hay đến mấy thì nhận định vẫn mang tính chủ quan mỗi người, khác nào thầy bói sờ voi. Nhưng anh đã hỏi thầy không thể không tỏ bày, nhưng chỉ nên xem như một gợi ý mà theo lời Phật dạy mỗi người phải tự tư duy tìm hiểu và liên hệ kiểm chứng qua thực tiễn để tự nhận biết đúng sai ra sao. Phật pháp cần hành trì, tự chứng nghiệm như uống nước tự mình biết nóng lạnh, ngon dở ra sao! Ai cũng cho rằng đạo Phật là tôn giáo từ bi trí tuệ. Là tôn giáo nên cầu nguyện là chuyện tự nhiên, chư Phật và chư Bồ-tát vô lượng từ bi sẵn sàng ra tay cứu độ chúng sinh, nhưng cầu nguyện có thành tựu hay không còn tùy thuộc nhân duyên. Đó chính là trí tuệ đạo Phật. Do đó những việc xảy ra ở một số ngôi chùa nên hiểu thế nào cho đúng? Tất nhiên các ngôi chùa giữ được sự trang nghiêm thanh tịnh là phù hợp với tinh thần vô vi, vô trụ đạo Phật. Tuy thế ở một vài nơi sau thời gian dài vắng bóng sinh hoạt tâm linh, đạo Phật mới được phục hồi, chùa mới xây dựng, mọi người chưa có thói quen đến chùa tu học. Tất nhiên Phật pháp chưa được thấm nhuần nên hái lộc, cúng sao... là phương tiện quý thầy, sư cô dẫn dắt người đến với chùa, tạo điều kiện cho họ gieo duyên với Tam bảo. Tất cả chỉ phương tiện cần được vận dụng một cách khéo léo, tùy cơ duyên hoàn cảnh mà áp dụng!

- Điều đáng băn khoăn là những ngôi chùa ở ngay thành phố, nhiều người đi chùa hẳn có truyền thống tâm linh. Ở đó nhiều Phật tử hăm hở đến chùa Hái lộc đầu năm thì được thầy, sư cô trụ trì cho nhặt “lộc” từ chiếc hộp vàng hay hái “lộc” (chiếc phong bì) treo trên cành mai, mở ra là những câu ca ngợi phước lộc. Ai nấy tỏ ra sung sướng hồ hởi với câu lộc tốt đẹp hái được. Thú thật tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe một chị Phật tử trầm trồ nhắc đi nhắc lại câu lộc phước đức mình vừa hái, mặc dù đêm trước vừa đưa đứa con say sưa đánh lộn bị trọng thương đi nhập viện. Như thế có phù hợp tinh thần từ bi trí tuệ đạo Phật?    

Thầy nhìn một lượt như thể để nhắc nhở mọi người bình tĩnh rồi mới từ tốn trả lời:

- Câu hỏi rất hay vì tự nó đã hàm chứa câu trả lời. Ai cũng biết đạo Phật là tôn giáo nhưng đồng thời là khoa học, triết học mang tính nhân văn sâu sắc. Do đó đến với đạo Phật cần nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo lời Phật dạy, vận dụng đúng Chánh pháp và tinh tấn hành trì mới lợi lạc. Đạo Phật là đạo giải thoát. Giải thoát gì nếu không phải thoát khỏi những vướng mắc, chi phối bởi cái ngã và ngã sở. Do đó chùa to Phật lớn... cũng chỉ là phương tiện độ chúng sinh, chấp chặt cũng đưa đến khổ đau! Phật dạy “vạn pháp duy tâm tạo”, hạnh phúc hay khổ đau đều do tâm tức hành vi có chủ ý từ ý, khẩu, thân tạo ra nghiệp. Khổ đau bắt nguồn từ tham sân si gọi là tam độc, nói theo dân gian là hạn. Vậy cầu an hay giải hạn có được đáp ứng hay không còn tùy thuộc nhân và duyên tạo ra bởi tu tập Tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả, Thập thiện để chuyển nghiệp. Phật, Bồ-tát vô lượng từ bi cũng chỉ trợ duyên chỉ đường mà mỗi người phải tự đi (tạo nhân duyên) để giải thoát khổ đau. Ai gieo nhân gì gặt quả nấy và gieo gió ắt gặt bão. Làm việc thiện lành thì an vui hạnh phúc tất sẽ đến. Trái lại gieo nhân xấu ác thì quả khổ đau ắt sớm muộn khó tránh khỏi! Tự tác tự thọ như cổ đức đã từng nói. Nhân quả ngày nay không còn là chuyện mới mẻ. Nên những biểu hiện trên chỉ mang tính nhất thời, khi mọi người hiểu sâu, hành đúng giáo pháp thì những gì không phù hợp giáo lý nhân quả tự dưng bị loại bỏ. Có gì phải bận tâm!

Người bạn tôi lộ vẻ hân hoan và cảm kích trước những lời gợi mở thấu tình đạt lý của thầy trụ trì. Và chúng tôi ai cũng thấy lòng nhẹ nhõm. Những băn khoăn lâu nay được tháo gỡ! Sau mùa đông giá lạnh cây cỏ xác xơ, mùa xuân trở về muôn loài theo đất trời đổi mới. Được sống giữa thiên nhiên, trong bầu không khí thanh tịnh chốn thiền môn, mọi âu lo suy tư được trút bỏ, ai nấy cảm nhận niềm an lạc. Cám ơn thiên nhiên đất trời, cám ơn thầy trụ trì với tấm lòng từ bi và phong cách an nhiên tự tại, nhất là bài pháp sống động thầy để lại trong lòng mỗi chúng tôi. Một chuyến “Hái lộc đầu năm” đầy phước lạc mà không tổn hại đến cành cây ngọn lá hay mất công trăn trở với những câu phúc lộc.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Theo Giác Ngộ