Lúc còn mạnh khỏe xuân xanh, ý niệm về sự chết đôi lúc cũng thoáng qua nhưng đa phần đều cố lờ đi hay cho rằng nó còn xa lắm. Khi trải qua một cơn bạo bệnh hay tuổi đã xế chiều thì ý niệm về lão-bệnh-tử, tức phải đối mặt với sự chết hiện ra ngày một rõ ràng hơn.
|
Ảnh minh họa.
|
Trước hiện thực phũ phàng của thân phận, người ta có nhiều thái độ khác nhau. Có người vô cùng sợ hãi với cái chết. Có người thì thản nhiên vì sanh tử là lẽ thường nhiên. Những người có điều kiện hơn thì đi tìm những phương cách trường sinh, thậm chí dựa vào các năng lực siêu nhiên để mong thoát khỏi tử thần. Nhưng cuối cùng, cái gì đến cũng sẽ đến.
Người học Phật không trốn tránh sự chết mà chấp nhận nó như là một sự thật khách quan. Chết chỉ là sự khép lại tạm thời của một tiến trình để mở ra một tiến trình sống mới. Đệ tử Phật chủ trương tu học để vượt thoát sanh tử không có nghĩa là tìm mọi cách để bảo dưỡng tấm thân tứ đại mà chính là thành tựu về tâm giải thoát và tuệ giải thoát.
Đức Phật đã chỉ ra phương cách tu tập để “thoát sanh, già, bịnh, chết, sầu, lo khổ não” như sau:
“Một thời Phật ở thành La-duyệt, vườn trúc Ca-lan-đà cùng với năm trăm đại chúng Tỳ-kheo.
Bấy giờ bốn Phạm chí cùng đắc ngũ thông, tu hành pháp lành, ở chung một chỗ, bàn luận với nhau rằng: “Lúc thần chết đến, chẳng tránh người mạnh khỏe, mọi người hãy cùng ẩn nấp khiến thần chết không biết chỗ đến”.
Lúc ấy, một Phạm chí bay lên không trung, muốn được khỏi chết nhưng tránh chẳng khỏi mà chết ở không trung. Vị Phạm chí thứ hai lặn xuống đáy biển lớn muốn được khỏi chết, liền chết ở đó. Phạm chí thứ ba muốn khỏi chết, chui vào lòng núi Tu-di và chết trong đó. Phạm chí thứ tư chui xuống đất, đến mé kim cương, muốn được thoát chết, lại chết ở đó.
Bấy giờ Thế Tôn dùng thiên nhãn xem thấy bốn Phạm chí, mỗi người đều tránh chết mà đều cùng chết. Thế Tôn liền nói kệ:
Không phải hư không, biển,
Không vào trong núi đá,
Không có địa phương nào,
Thoát khỏi, không bị chết.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ở đây, này Tỳ-kheo! Có bốn vị Phạm chí tụ tập một nơi, muốn được khỏi chết. Mỗi người quay tìm chỗ chạy mà không khỏi chết. Một người ở hư không, một người vào biển lớn, một người vào lòng núi, một người xuống đất, đồng chết hết. Thế nên, các Tỳ-kheo! Muốn được khỏi chết, nên tư duy bốn pháp bổn. Thế nào là bốn?
Tất cả hành vô thường, đó là pháp bổn đầu tiên nên nhớ tu hành; tất cả hành khổ, đó là pháp bổn thứ hai nên cùng tư duy; tất cả pháp vô ngã, đây là pháp bổn thứ ba nên cùng tư duy; diệt tận là Niết-bàn, đây là pháp bổn thứ tư nên cùng tư duy. Như thế, các Tỳ-kheo! Nên cùng tư duy bốn pháp này. Vì sao thế? Vì sẽ thoát sanh, già, bịnh, chết, sầu, lo khổ não. Ðây là nguồn của khổ. Như thế các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Tăng thượng,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.163)
Pháp thoại này cho thấy, các vị Phạm chí kia chạy trốn đâu cũng chết. Dù cho bay lên trời, chui xuống đất, trốn trong hang núi hay nấp dưới biển sâu thì cuối cùng vẫn không thoát khỏi bàn tay tử thần. Vì sao? Thân này hữu hình thì hữu hoại. Đã có sanh ra và lớn lên thì chắc chắn sẽ già chết. Cho nên, với tấm thân tứ đại thì hãy cứ tùy duyên. Duyên hợp thì còn, duyên tan thì mất.
Quan trọng là ngoài tấm thân thịt xương này ra còn có tâm thức. Thân chắc chắn bị tử sanh chi phối nhưng tâm thức có thể vượt ra ngoài kiềm tỏa của phiền não khổ ưu. Đức Phật khẳng định, chính sự tu tập bằng cách tư duy đúng đắn về Vô thường, Khổ, Vô ngã và Niết-bàn chính là chìa khóa mở toang cánh cửa giải thoát.
Vậy nên, người con Phật vượt thoát sanh tử bằng cách thiền quán, chánh tư duy, thấy rõ như thật về thân, tâm và thế giới là Vô thường, Khổ, Vô ngã. Chính tuệ giác này đã tháo bung hết thảy mọi chấp thủ, quét sạch phiền não, thành tựu Niết-bàn. Mới hay, trong vòng sanh-già-bệnh-chết mà nếu biết tu tập thì vẫn có thể thoát khỏi tử sanh, thành tựu giải thoát tối hậu.
Theo Giác Ngộ