Cúng trai Tăng là đúng pháp hay phi pháp?

Google News

Trong khi chờ đợi sự minh định của GHPGVN, hiện chúng ta có thể xem quan điểm của tác giả chỉ là ý kiến cá nhân.

HỎI: Ba tôi mất đã lâu và tôi đã làm được bốn lần cúng dường trai tăng để hồi hướng phước đức cho ba. Gần đây, tôi có lên mạng để tìm hiểu về pháp cúng dường này. Tôi thấy có tài liệu của cố HT.Thích Thông Lạc nói rằng: Trai tăng ngày xưa khi Phật Thích Ca còn tại thế khác xa với bây giờ nhiều. “Bây giờ trai tăng cúng dường thì không đúng lời Phật dạy: 1/Trai tăng cúng dường cầu siêu cho người chết để được vãng sanh Cực lạc. 2/Trai tăng cúng dường để được phước báo, làm ăn khá giả, giàu có. 3/Trai tăng cúng dường bỏ tiền vào phong bì để biến tu sĩ phạm giới. 4/Trai tăng cúng dường để nghe thuyết pháp lừa đảo”. Thưa quý Báo, hiện tôi sắp cúng trai tăng cho ba nên cũng rất hoang mang về vấn đề này. Mong quý Báo giải thích cho tôi được rõ.
(NGUYỄN ÁNH, nguyenanh3000@yahoo.com)
ĐÁP:
Bạn Nguyễn Ánh thân mến!
Vấn đề bạn hỏi là quan điểm của cố Trưởng lão Thích Thông Lạc, in trong sách Đường về xứ Phật (tập VII, Nxb.Tôn Giáo ấn hành, 2011- ảnh). Trước vấn đề này, phải nói rằng, chúng tôi không có ý đối thoại hay phê bình. Vì thẳng thắn mà nói, công trình của tác giả khá đồ sộ với vô vàn phát biểu “đụng chạm” đến nhiều vấn đề Phật học nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam mới có thẩm quyền đối thoại hoặc phê bình thông qua các hội thảo khoa học. Nơi đây, chúng tôi chỉ chia sẻ đôi điều nhỏ nhặt với riêng quan điểm cúng “trai tăng” của tác giả, nhằm giải nghi cho độc giả mà thôi.
 Ảnh minh họa.
Trước tiên, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả rằng cúng trai tăng bây giờ khác hơn so với thời Phật Thích Ca còn tại thế. Ai cũng biết, các Phật tử thời Phật cúng trai tăng chủ yếu là dâng cúng thực phẩm (bao gồm tứ sự và một số vật dụng thiết yếu cho người xuất gia nói chung) mà không hề cúng tiền mặt. Ngày nay, một lễ cúng trai tăng thông thường ngoài thực phẩm ra thì tiền mặt là một trong những lễ phẩm căn bản. Tuy nhiên, sự khác biệt này cũng có lý do của nó. Trải qua hơn 25 thế kỷ, xã hội có vô vàn thay đổi, sinh hoạt của chư Tăng cũng có vô vàn thay đổi nên cách thức cúng trai tăng có khác xưa cũng là điều tất nhiên. Dù cách thức có khác nhau nhưng tựu trung vẫn không ngoài mục đích hộ trì cho chư Tăng có đủ phương tiện tu hành giải thoát và làm Phật sự lợi đạo, ích đời.
Theo tác giả, trai tăng cúng dường hiện nay không đúng lời Phật dạy vì:
Luận điểm (1) Trai tăng cúng dường cầu siêu cho người chết để được vãng sanh Cực lạc. Thiết nghĩ, không một vị Tăng Ni nào hiểu biết giáo pháp mà hướng dẫn Phật tử cúng trai tăng để cho người chết được vãng sanh Cực lạc cả. Nếu vậy thì người giàu vãng sanh hết rồi! Tam bảo là ruộng phước, nên cúng trai tăng trong lễ cầu siêu là chỉ để tạo phước, rồi đem phước lành đó hồi hướng cho hương linh cùng gia đình. Chắc chắn hương linh sẽ được phước báo, nương nhờ phước báo ấy cùng với sự khai thị của chư Tăng khiến tâm họ thức tỉnh, xả ly tham ái và chấp thủ nên được siêu sanh. Như vậy, tâm hương linh thức tỉnh mới là động lực chính yếu để siêu sanh, còn cúng dường cốt để trợ duyên tăng thêm phước đức. Không chỉ lễ cầu siêu mà cầu an cũng vậy, muốn cho các thiện sự của mình thành tựu thì phải có phước, và cúng trai tăng được xem là việc làm có phước báo thù thắng nhất.
Luận điểm (2) Trai tăng cúng dường để được phước báo, làm ăn khá giả, giàu có. Tất nhiên, cúng dường trai tăng thì có phước báo, quả lành không trổ ở hiện đời thì đời sau. Dù người cúng có cầu hay không cũng đều được phước, mà đã có phước thì “làm ăn khá giả, giàu có” cũng là chuyện bình thường.
Luận điểm (3) Trai tăng cúng dường bỏ tiền vào phong bì để biến tu sĩ phạm giới. Thiết nghĩ, về phương diện giá trị thì tiền cũng chính là dạng khác của tứ sự (thực phẩm, thuốc men, quần áo, sàng tọa). Ngày nay chư Tăng Ni không đi khất thực như thời Phật mà tự tổ chức nấu ăn tại chùa, tự mua sắm những vật dụng cần thiết thì thay vì cúng hiện vật, hàng Phật tử cúng tiền để chư Tăng tự mua sắm cho phù hợp, phương tiện này có lợi ích thiết thực hơn. Cho nên, tiền do mồ hôi và công sức của Phật tử làm ra đem cúng dường chắc chắn được phước, chư Tăng sử dụng tiền làm phương tiện sống để tu hành cũng không có gì phạm giới. Chỉ riêng cá nhân ai sử dụng tiền sai mục đích, phí phạm của đàn na tín thí thì người ấy mắc tội mà thôi.
Luận điểm (4) Trai tăng cúng dường để nghe thuyết pháp lừa đảo. Riêng điều này thì chúng tôi thấy rằng chư vị Tăng Ni dự lễ trai tăng thuyết pháp, tán thán hạnh cúng dường, chúc phúc cho gia chủ và cầu nguyện âm siêu dương thái là hoàn toàn đúng Chánh pháp, không hề có dấu hiệu lừa đảo nào cả.
Như vậy, trong khi chờ đợi sự minh định của GHPGVN, hiện chúng ta có thể xem quan điểm của tác giả về cúng dường trai tăng như đã nêu chỉ là ý kiến cá nhân. Do đó, bạn cứ tổ chức cúng trai tăng để hồi hướng phước đức nhằm cầu nguyện âm siêu dương thái một cách bình thường.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)
Theo Giác Ngộ