1. Nội tôi kể, xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, ngày xưa chiến tranh khốc liệt lắm, người dân sống vậy chứ không biết chết lúc nào. Mỗi lần nghe súng nổ thì người dân phải chạy ù xuống hầm trốn; già trẻ lớn bé dưới hầm ôm nhau, tai thì lắng nghe xem ngoài kia thế nào, trong lòng thì liên tục niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Cứ niệm: Nam-mô Đại từ, Đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-tát tới khi nào đạn ngừng bắn thì mới thôi. Nhờ niệm danh hiệu Ngài mà biết bao kiếp nạn được thoát.
“Cả chục lần giặc bỏ bom làm cháy nhà, có lần nắp hầm lật bay tung tóe, mảnh vỡ của vỏ bom bay thẳng xuống đáy hầm. Thấy đạn bay xẹt xuống đầu mấy đứa con, nội vội lấy tay choàng qua đỡ, miệng thì la lớn Phật ơi, cứu con. May mắn là những mảnh vỡ chỉ cắm vào thịt, chảy máu rồi một thời gian lành”, hồi tưởng lại, nội vẫn còn rùng mình, ám ảnh.
|
Bồ-tát Quán Thế Âm - Ảnh: Kiếng Cận.
|
Trong làng, ai cũng sợ lúc giặc đi càn đến gõ cửa, gặng hỏi rất dữ dằn. Thấy giặc vào nhà ai, hàng xóm nhà bên cạnh đều run, nói trong bụng, “kiểu này là chết rồi”; rồi ai cũng cầu trời, khấn Phật cho tai qua nạn khỏi. Vì tin có Phật độ, Phật luôn ở bên cạnh mà nhiều người đã bình tĩnh đối phó với giặc giã và rất nhiều người đã thoát cửa tử. Đó là lý do vì sao, thời chiến, trong những gia đình dù không thờ tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, thờ Phật nhưng câu thần chú và danh hiệu của Ngài, hầu như gia đình nào cũng thuộc nằm lòng là vậy.
2. Không chỉ trong thời chiến, mà thời bình, hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm luôn ở trong tâm thức của người dân và Ngài đã dìu dắt, làm điểm tựa cho biết bao số phận bất hạnh, khốn khổ.
Ba năm về trước, vì muốn có tiền lo cho gia đình, ba của cô bé 13 tuổi thường gọi là Ốc Tiêu theo bạn bè lên Sài Gòn làm ăn, ngày đi ba em nói: “Ba đi làm đem tiền về nuôi mẹ, nuôi con ăn học, nuôi em. Con của ba ở nhà nhớ đừng khóc. Ba đi cuối tuần rồi ba về thăm con”. Kể từ ngày đó, mỗi tuần em chỉ gặp được ba một lần rồi sự có mặt của ba ở nhà ít dần và biền biệt ba em đi không về nữa. Nhớ ba, hai mẹ con gửi em út cho bà giữ dùm, sau đó bắt xe buýt lên thành phố tìm ba; nhưng rồi lại lặng lẽ đón xe ra về trong đêm mưa, bụng đói meo vì ba đã mải mê bên người phụ nữ khác.
Nhìn thấy mẹ cực khổ, làm thuê cả ngày ngoài đồng nắng gió mà tối vẫn thức nấu sữa đậu nành bán về đêm để kiếm thêm tiền độ nhật. Bữa cơm của ba mẹ con luôn là nước tương, rau luộc, mắm nêm, ít khi có thêm thịt cá vì út cứ nay ốm mai đau, lo thuốc thang cho út mẹ không có tiền đi chợ. Trong cảnh màn trời, chiếu đất, nước mắt chan cơm hàng ngày, Ốc Tiêu chỉ biết khóc chứ không dám hận ba mình. Vì lý do: “Thầy trên chùa dạy em không được hỗn”. Từ đó, ngày nào em cũng lên chùa dâng hương, khấn Bồ-tát Quán Thế Âm; ở nhà em cũng niệm danh hiệu Ngài, cầu mong một ngày nào đó ba sẽ tỉnh thức, trở về với ba mẹ con.
Với sự non nớt, ngây thơ và cái tâm mộc mạc của đứa trẻ 13 tuổi, em đã làm lay động rất nhiều cô bác Phật tử đến chùa lễ Phật và có lẽ vì vậy mà em đã cảm hóa được ba. Ba em sau ba năm xa nhà, giờ đã trở về nói câu xin lỗi đong đầy yêu thương với mẹ, gia đình em trở lại hạnh phúc như ngày xưa.
3. Chính vì tấm lòng từ bi, luôn lắng nghe, cứu độ chúng sanh của Ngài giống như mẹ hiền, thế nên hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm rất gần gũi với bà con làng quê và giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh từ cụ già đến trẻ nhỏ. Gặp khó khăn, oan ức, khổ đau hầu như ai cũng nhớ đến Ngài, niệm danh hiệu Ngài. Đó cũng là lý do vì sao ai đến chùa lễ Phật cũng thành kính thắp hương trước tôn tượng Ngài; khóa tu Một ngày an lạc ở các ngôi chùa quê luôn niệm danh hiệu của Ngài; thời kinh, công phu nào cũng xưng tán danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm.
Có người niệm để cầu Ngài cứu khổ, có người niệm để được bình an, cũng có người niệm để học theo hạnh từ bi của Ngài, đem yêu thương đến với mọi người, thân bằng quyến thuộc, bà con hàng xóm. Dù sở nguyện mỗi người mỗi khác nhau nhưng mọi người hằng tin rằng, Bồ-tát Quán Thế Âm luôn bên cạnh, chở che, nâng đỡ cho những ý niệm thiện lành và Ngài mãi mãi là điểm tựa tinh thần xuyên suốt, không thể tách rời trong nếp sống tâm linh.
Theo Giác Ngộ