Những tư tưởng cuối cùng của người chết sẽ tạo nên một cận tử nghiệp (thiện hoặc bất thiện).
Nghiệp của người sắp mất được gọi là cận tử nghiệp, là nghiệp lực quan trọng quyết định cảnh giới mà người sắp mất sẽ thọ báo. Trong một lần thuyết giảng tại trường Trung Học McGarvin Westminster, CA 92683, Tỳ kheo Thích Tâm Thiện khái niệm như sau:
Cận tử nghiệp là nghiệp lúc sắp chết hay những sức mạnh tâm lý của con người trước lúc tắt thở. Nghiệp này cực kỳ hệ trọng trong việc hướng dẫn nghiệp thức đi tái sinh. Những tư tưởng cuối cùng của người chết sẽ tạo nên một cận tử nghiệp (thiện hoặc bất thiện).
Một người có thể suốt đời làm ác, nhưng trước lúc tắt thở, nỗ lực sinh khởi về thiện pháp, về những điều thiện trong đời, và nhờ ý lực đó có thể tái sinh vào cõi tốt đẹp (tương tự như vậy đối với các trường hợp ngược lại). Từ hiểu biết về kinh nghiệm cận tử, chúng ta cần huân tập các thiện nghiệp trong đời sống của mình để tạo thành một sức mạnh (ý lực) đoạn trừ các ác nghiệp ngay trong đời sống hàng ngày và cả đến giờ phút lâm chung.
Một số bằng chứng thuyết phục về việc chuyển nghiệp thức ác (đọa địa ngục) thành nghiệp thiện (sinh thiên) được tìm thấy trong Kinh tạng Pali như hai trong nhiều trường hợp sau đây được trích từ Tiểu Bộ- Tập 2: Thiên Cung Sự
Trong lúc đức Thế Tôn đang trú ngụ tại Ràjagaha (Vương xá), Ngài nhập định Đại bi mà chư Phật thường trú, sau đó xuất định và quán sát thế gian. Ngài thấy ngay trong thành phố ấy tại khu vực của dân chúng Candàla (Chiên-đà-la, hạng người vô loại khốn cùng không ai tiếp xúc) có một bà lão sắp mạng chung và một ác nghiệp đưa đến địa ngục đã xuất hiện cho bà.
Với tâm Đại bi, muốn làm cho bà tạo một nghiệp lành đưa đến cõi trời, Ngài suy nghĩ: 'Ta sẽ an trú kẻ ấy vào thiên giới', Ngài liền cùng đại chúng Tỷ kheo vào Ràjagaha khất thực.
Vào lúc ấy, bà lão Chiên-đà-la chống gậy ra khỏi thành, thấy đức Thế Tôn đến gần, và khi bà đối diện Ngài, bà dừng lại. Đức Thế Tôn cũng dừng lại và đứng ngay trước mặt bà như thể cản bà tiến lên.
Sau đó, Tôn giả Mahà-Moggallàna (Mục Kiền Liên), biết tâm bậc Đạo sư và cũng biết thọ mạng bà lão sắp hết, bèn thúc giục bà đảnh lễ đức Thế Tôn:
Lễ chân đức Phật Go-ta-ma,
Vì xót thương cho số phận bà,
Giác giả tối cao, danh tiếng rộng,
Đứng ngay trước mặt, hỡi Chiên-đà.
Hãy hướng tâm đầy đủ thiện duyên
Về Ngài La-hán, bậc an nhiên,
Mau mau đảnh lễ, hai tay chắp,
Vì mạng sống kia chẳng được bền!
Khi bà lắng nghe lời tôn giả, lòng đầy xúc động, bà phát khởi tâm tín hướng về bậc Đạo sư, liền đảnh lễ Ngài với năm phần thân thể sát đất, và do hân hoan trước đức Phật, bà nhất tâm đứng yên lặng, đầu cúi xuống. Đức Thế Tôn bảo:
- Thế này là đủ để bà ấy lên thiên giới.
Xong Ngài vào thành với đại chúng Tỷ kheo. Ngay lập tức sau đó, một con bò cái chạy trốn cùng với bê con, lao về phía bà già, lấy cặp sừng húc bà chết tại chỗ.
2. Lâu đài của người cho cơm cháy
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại thành Ràjagaha (Vương Xá), ở chỗ nuôi sóc trong Trúc Lâm. Cũng vào thời ấy, những người trong một gia đình kia tại Vương Xá bị bệnh dịch tả. Mọi người trong nhà ấy đều chết trừ một nữ nhân. Kinh hoàng vì nỗi sợ chết, nàng bỏ nhà cùng tất cả tiền bạc thóc lúa bên trong ấy chạy trốn qua một chỗ nứt của vách tường.
Vì không ai giúp đỡ, nàng đến nhà một gia đình khác, xin ở nhờ phía sau. Người trong nhà ấy thương hại nàng đem cho nàng cháo gạo, cơm chín và cơm cháy cùng các thứ còn sót lại trong nồi niêu. Nhờ lòng rộng lượng của họ, nàng có thể sống tại đó.
Vào thời ấy Tôn giả Mahà-Kassapa (Đại Ca-diếp) đã nhập Diệt Định suốt bảy ngày và đã xuất định, trong lúc Tôn giả suy nghĩ: 'Hôm nay ta sẽ làm ơn cho ai bằng cách nhận thức ăn? Ta sẽ giải thoát sầu bi cho ai?', Tôn giả thấy nữ nhân kia gần mạng chung và một ác nghiệp đưa đến địa ngục đã xuất hiện cho nàng.
Tôn giả suy nghĩ: 'Khi ta đến gần, nữ nhân này sẽ cho ta cơm cháy mà nàng nhận được cho phần mình, và do chính hành động ấy nàng sẽ được tái sinh vào Hóa Lạc thiên giới. Khi ta đã giải thoát cho nàng khỏi tái sinh vào địa ngục như vậy, chắc chắn ta sẽ tạo hạnh phúc thiên giới cho nàng'.
Sau khi đã đắp y vào buổi sáng sớm, Tôn giả cầm y bát và đi về phía nơi nàng cư trú.
Bấy giờ, Sakka Thiên chủ (Đế Thích) giả dạng cúng dường Tôn giả thực phẩm thiên giới đầy đủ mọi hương vị thơm ngon cùng nhiều loại cháo, canh và cà-ri. Vị Trưởng lão nhận ra ngài, bèn chối từ và bảo:
- Này Kosiya, tại sao ngài đã thành tựu các công đức thiện sự lại làm như vậy? Xin đừng làm hỏng dịp may của những kẻ bất hạnh khốn khổ'.
Rồi Tôn giả đi đến đứng trước nữ nhân kia. Nàng ước muốn cúng dường Tôn giả một vật gì đó, liền suy nghĩ: 'Ở đây không có gì xứng đáng để cúng dường vị Trưởng lão đại oai nghi này cả', và nàng nói:
- Xin ngài hãy tiến lên một chút nữa.
Vị Trưởng lão chỉ bước lùi lại một bước và không nhận thứ gì do các người khác cúng dường. Nàng thấy rõ ràng Tôn giả muốn giúp nàng, bèn cúng dường Tôn giả miếng cơm cháy của mình, Tôn giả vừa ăn ngay tại chỗ vừa bảo:
- Trong tiền kiếp thứ ba trước đây, cô đã là mẹ của ta.
Xong Tôn giả ra đi.
Nàng từ trần ngay đêm ấy và được tái sinh vào hội chúng Hóa Lạc thiên [3].
Rõ ràng qua những bài Kinh trên cho thấy đức Phật và Thánh đệ tử là những ruộng phước tối thắng, bất khả thuyết, có thể chuyển nghiệp ác đọa địa ngục của người sắp mất thành nghiệp thiện sinh lên thiên giới.
Tương tự như vậy, hộ niệm cho người sắp mất là hướng dẫn, hỗ trợ ‘an trú người sắp mất vào thiện nghiệp’, tức là chân thành khuyên người sắp mất buông xuống hết thảy, tín tâm chuyên niệm A DI ĐÀ PHẬT (thiện nghiệp) và nguyện thiết tha sinh về cõi An lạc. Do đó việc hộ niệm cho người lâm chung vô cùng cần thiết vì giúp người sắp mất tránh ác nghiệp vào giây phút cận kề cái chết đọa vào ba đường ác và đặc biệt giúp họ ‘an trú’ vào thánh hiệu A DI ĐÀ PHẬT để được thoát sanh về Cực lạc thế giới.
Điều đáng chú ý nhất: việc hộ niệm cho người sắp mất đúng là y giáo phụng hành, tương ứng với Đại Nguyện thứ 18 của đức Phật A DI ĐÀ: "Lúc tôi thành Phật thập phương chúng sinh chí tâm tin mộ muốn sinh về cõi nước tôi nhẫn đến 10 niệm, nếu không được sinh, (trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch cùng hủy báng chánh pháp), thời tôi không ở ngôi Chánh giác".
Trong khi đó theo Quán Vô Lượng Thọ Kinh, đức Phật bảo A Nan và Vi Ðề Hi: " Người Hạ Phẩm Hạ Sinh ấy. Hoặc có chúng sinh tạo nghiệp bất thiện ngũ nghịch, thập ác, đủ các bất thiện. Người ngu như vậy, do các ác nghiệp phải đọa ác đạo, trải qua nhiều kiếp thọ khổ vô cùng. Người ngu ấy, lúc lâm chung, gặp thiện tri thức dùng nhiều lời an ủi, vì nói diệu pháp dạy bảo niệm Phật. Người ấy bị khổ bức không rảnh niệm được. Thiện hữu bảo rằng nếu người chẳng phải niệm Phật kia được, thì ngươi xưng danh hiệu Phật A Di Ðà, như vậy chí tâm khiến tiếng xưng danh chẳng dứt đủ mười niệm. Nên xưng như vầy: Nam Mô A Di Ðà Phật. Do xưng danh hiệu Phật, nên trong mỗi niệm trừ tám mươi ức kiếp tội sanh tử. Lúc mạng chung, thấy kim liên hoa dường như mặt nhựt trụ trước người ấy. Như khoảng một niệm, liền được vãng sanh Cực Lạc thế giới, ở trong hoa sen mãn mười hai đại kiếp hoa sen ấy mới nở. Quán Thế Âm Bồ Tát và Ðại Thế Chí Bồ Tát dùng âm thanh đại bi vì người ấy diễn nói thiệt tướng các pháp, nói pháp trừ diệt tội. Người ấy nghe pháp rồi, rất vui mừng liền phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề. Ðây gọi là người Hạ Phẩm Hạ Sanh vậy" [4].
Đức Thích Tôn cũng như Chư Phật thập phương rất thương xót những chúng sanh tạo ác nghiệp vì họ sẽ bị đọa vào tam ác đạo và trôi dài trong biển khổ sinh tử luân hồi và không biết khi nào mới có lại thân người. Như trong Kinh Bản Duyên Vãng Sanh Tịnh Thổ của Bồ Tát Quán Thế Âm, Đức Thích Ca, khi ấy là Phạm Sĩ Trưởng Na trong lúc đau thương ôm đống xương trắng của con mình (nay là Quán Thế Âm Bồ Tát) bị người vợ kế hại chết, khóc lóc và phát nguyện: “Nguyện tôi độ thoát các chúng sinh ác mau thành Phật Đạo. Hoặc biến làm Đại Địa, hoặc nước, lửa, gió. Hoặc biến làm cỏ, cây, rừng rậm vì chúng sinh làm nơi nương tựa, dừng nghỉ. Hoặc biến làm năm loại lúa đậu tăng ích cho người khác, Hoặc nếu Trời, nếu Người, nếu Thần, tất cả loại hình quý tiện… không có cõi nào chẳng hiện thân”. Như vậy phát năm trăm lời Nguyện, lại nguyện “Tôi thường trụ ở Thế Giới Sa Bà, nói Pháp giáo hoá” [5].
Mục đích chính của việc hộ niệm là chân thành và tích cực giúp cho người sắp lâm chung có đầy đủ ba món tư lương là TÍN, NGUYỆN, HẠNH để rồi họ được vãng sanh an lành vể miền Cực Lạc. Tuy nhiên bên cạnh đó, người sắp mất (người bệnh hoặc người già) cũng rất được khuyến thích làm lành tránh dữ nhằm tranh thủ những thiện nghiệp trước lúc ra đi. Những ngày ngắn ngủi còn lại trên thế gian, người sắp mất có những ý niệm làm những việc thiện là điều rất tốt, trợ duyên cho việc vãng sanh Cực Lạc.
Khổng Tử dạy: “Sáng nghe được đạo, chiều chết cũng an lòng”, cũng như lời Phật dạy tránh dữ làm lành vậy. Họ được khuyên làm những việc thiện như là bố thí, giúp đỡ những người nghèo, những người cô thế, xây cầu, phóng sanh, cúng dường Tam Bảo vv... Rõ ràng đây là những việc làm lợi ích cho con người, cho xã hội, cho Tam Bảo và cho cả người ra đi và cả người ở lại. Vì thế những việc làm thiện ích này đáng được trân trọng và khuyến khích phát huy hơn nữa trong đời sống ngũ trược loạn động, ác thế này.
Như vậy hộ niệm cho người sắp mất là việc làm vô cùng cần thiết và lợi lạc, y như lời Phật dạy, hợp với Bản Nguyện bi trí viên mãn của A DI ĐÀ PHẬT và của Thập phương Chư Phật. Chính vì thế việc hộ niệm đáng được trân trọng, tán thán và khuyến khích nhân rộng hơn nữa. Tuy nhiên, cần phải cẩn thận để tránh những trường hợp không như ý xảy ra. Việc này là bổn phận chung của Chư Tôn Đức Tăng Ni và các phật tử tại gia, nên cùng nhau phối hợp chặt chẽ và hài hòa. Vạn sự khởi đầu nan nhưng bằng sự hiểu biết và quyết tâm mạnh mẽ, việc hộ niệm có thể trở thành một tập tục hữu ích và nhất là trợ duyên tích cực cho người sắp lâm chung được vãng sanh về Thế Giới An Lạc.
Theo Phật Giáo Việt Nam