Định không chỉ là tĩnh lặng

Google News

(Kiến Thức) - Định tâm, quán tâm gọi tắt là định quán. Muốn tu đến giác ngộ thì phải định quán tâm.

 Ảnh minh họa.
Tôi rất ấn tượng với chuyên mục Thiền của quý báo. Các bài viết phù hợp với người cao tuổi, lứa tuổi mà nhiều người tìm thấy niềm vui nơi cửa Phật để tâm an lành, hướng thiện và cầu chúc những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Tôi cũng hay nghiên cứu về thiền định, một phần trong hoạt động của tu sĩ nhà Phật. Những điều răn dạy của kinh sách đem lại cho tôi nhiều sự tâm đắc, ý nghĩa trong cuộc sống. Tôi xin chia sẻ với các bạn già, những người đã và đang thực hành thiền trong đạo Phật một vài ý kiến:
Trong rừng kinh biển luận của nhà Phật thật khó cho cư sĩ tu tại gia không biết như thế nào. Cư sĩ không có nhiều thời gian lên chùa nghe kinh giảng đạo bởi hàng ngày họ còn mưu sinh, khi về nhà lại phải làm việc nhà. Tìm trong kinh sách để tu học cũng không phải dễ, vậy học và hiểu như thế nào về thiền định?
Thường tâm người ta như cục nam châm, còn ngoại cảnh như mọt sắt, thông qua 6 cửa: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Tâm luôn hướng ra ngoại cảnh. Muốn định được tâm thì phải nội bất xuất, ngoại bất nhập, nghĩa là không cho tâm hướng ra ngoài qua 6 cửa, cũng không cho ngoại cảnh tác động vào tâm người tu hành. Nhưng như vậy cũng chỉ mới định được tâm.
Muốn đạt đến sự rốt ráo của việc tu hành thì phải quán tâm. Khi định được tâm nghĩa là luôn giữ cho tâm không bị phóng chiếu, lúc đó ta quan sát những ý niệm sinh khởi và theo dõi đến khi những ý niệm ấy tiêu biến, đồng thời phải luôn giữ cho tâm tĩnh lặng.
Định tâm, quán tâm gọi tắt là định quán. Muốn tu đến giác ngộ thì phải định quán tâm. Khi tâm đã định và được quán chiếu, tâm như hoa cỏ được ánh mặt trời soi rọi sẽ sinh nở.
Nguyễn Văn Mỡi (Cẩm Thịnh, Cẩm Phả, Quảng Ninh)