Chính vì kết hợp ba sự kiện quan trọng này nên lễ Vesak cũng được gọi là lễ Tam hợp. Tưởng niệm ngày Tam hợp, cũng là dịp nhắc nhở chúng ta về những lời dạy của bậc Đạo sư. Đối với người Phật tử, đón mừng Phật đản và tri ân Phật không gì có ý nghĩa hơn là áp dụng lời dạy, lời di huấn của Ngài vào trong đời sống tu học và hành đạo. Nhân mùa Phật đản Phật lịch 2557, NSGN trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của tác giả Hoằng Quảng, xoay quanh sự kiện Đức Phật nhập diệt và những di huấn tha thiết sau cùng của Ngài, đối với hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia.
Đức Phật là bậc tự chủ hoàn toàn chuyện sống, chết. Việc muốn sống bao lâu hoặc ra đi vào thời điểm nào, Đức Phật đều có thể tự mình quyết định. Đó là sự thực được ghi nhận khi Đức Phật báo trước cho môn đệ và cả những thế lực chống đối về thời điểm Ngài sẽ viên tịch. Hơn đâu hết, với chân lý mà Ngài đã giác ngộ: Không có cái gì sinh mà không già, không chết, thì việc từ bỏ xác thân tứ đại cũng là một cách khẳng định và làm rõ thêm, về những quy luật căn bản mà Đức Phật đã dày công khám phá.
Có thể nói, kể từ thời điểm Ngài tuyên bố: Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay Như Lai sẽ diệt độ. Này Ananda, hôm nay tại điện thờ Càpàla, Như Lai chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ thọ, hành (không duy trì mạng sống lâu hơn nữa), thì còn rất nhiều việc mà
Đức Phật đã nghiêm cẩn chuẩn bị cho cuộc trở về vĩ đại của mình.
Qua việc khảo sát kinh Đại bát Niết-bàn, các bản kinh liên quan và các dịch phẩm tương đương trong Hán tạng, đã phát lộ những chi tiết quan trọng về việc Đức Phật đã chuẩn bị cho sự kiện Đại diệt độ. Trong số những chi tiết theo kinh văn, người viết chỉ tập trung vào bốn trọng tâm chính. Thứ nhất, kiện toàn tổ chức Tăng-già; thứ hai xác tín Kinh, Luật làm kim chỉ nam; thứ ba hiện thân cho lý tưởng phụng sự và cuối cùng là chỉ định cư sĩ phụ trách tang nghi.
Kiện toàn tổ chức Tăng-già
Sau những góp ý dành cho Bà-la-môn Vassakara, đại thần nước Magadha, liên quan đến những giải pháp dành cho việc trị an quốc gia, thuật ngữ thường gọi là bảy pháp bất thối; nhân đó, Đức Phật đã thể hiện sự quan tâm sâu sát đến sự tồn tại và phát triển vững chãi của đoàn thể Tăng-già.
Ngài đã cho Tôn giả Ananda triệu tập Tăng chúng ở gần Rajagaha và chỉ dạy về những nguyên tắc cơ bản cho một sự ổn định và phát triển bền vững của tổ chức đoàn thể xuất gia. Theo thống kê, chỉ trong tụng phẩm thứ nhất của kinh Đại bát Niết-bàn, Đức Phật đã liệt kê có tới 35 pháp bất thối và sáu nguyên tắc căn bản cho sự hòa hợp của đoàn thể Tăng.
Trong 35 pháp bất thối và sáu nguyên tắc sống chung liên quan thâm thiết đến bản thể sinh mệnh của Tăng-già. Theo Đức Phật, bản thể sinh mệnh của Tăng-già là nội chứng, là thiền định, là giới luật. Sống tuân thủ theo học giới, tu tập Tứ niệm xứ, Thất giác chi, quán lý vô thường, vô ngã, bất tịnh và hư giả,… thì đoàn thể Tăng-già sẽ vững chãi về sinh mệnh. Nói cụ thể, nỗ lực chuyển hóa tự thân theo những phương thức mà Đức Phật đã chỉ dạy, là điều kiện căn bản nhằm góp phần vào việc kiện toàn tổ chức Tăng-già.
Bên cạnh đó, sức mạnh của Tăng chính là sức mạnh tổng hợp của các cá nhân sống trong đoàn thể. Muốn có được sức mạnh đó, cần phải tôn trọng những nguyên tắc sống chung. Sự cung kính, tôn trọng các bậc cao niên lạp trưởng, biết tàm, biết quý, không tụ họp và phiếm luận vô bổ, giữ gìn sáu phép hòa kính, sống với nhau hòa hợp như nước với sữa… là những nguyên tắc và chuẩn mực làm cho đoàn thể Tăng-già phát triển vững mạnh.
Sự quan tâm đến việc sống chung và những chuẩn mực ứng xử giữa các Tỳ-kheo như danh xưng, hình thức giao tiếp giữa người nhỏ với người lớn và ngược lại cũng được
Đức Phật dạy bảo hết mực chi tiết. Không dừng lại ở đó, Đức Phật đã có những quan tâm với những cá thể đặc thù trong tổ chức Tăng-già. Việc tìm cách chuyển hóa Tỳ-kheo Channa phạm lỗi vào thời khắc cuối của đời sống, là một minh chứng sống động của Đức Phật, đối với sự ổn định, đoàn kết và phát triển của Tăng chúng.
Từ hiện thực các chúng đệ tử của giáo phái Nigantha Nathaputta không biết tôn trọng lẫn nhau, đấu tranh và tàn hại lẫn nhau sau khi giáo chủ viên tịch ở Pava, cách Kusinagar khoảng 15km về phía Đông, được ghi lại trong kinh Phúng tụng, kinh Thanh tịnh, đã làm cho vấn đề kiện toàn tổ chức Tăng-già trở thành một trong những vấn đề quan trọng và bức thiết. Bảy pháp bất thối được liên tục triển khai trên năm phương diện, cộng với sáu phép hòa kính, là một trong những cơ sở biện minh cho quan điểm này.
Xác tín Kinh, Luật làm kim chỉ nam
Sau khi Đức Phật diệt độ, thì Tăng chúng phải nương tựa vào ai và ai là người lãnh đạo Tăng-già? Đây không những là băn khoăn của riêng ngài Ananda mà dường như của hầu hết những đệ tử Phật. Đức Phật đã xóa tan nghi vấn đó bằng sự khẳng định mạnh mẽ: Này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Không những thế, trong những lời cuối cùng, Đức Phật đã trở lại sự khẳng định này: Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là đạo sư của các ngươi.
Lời dạy của Đức Phật đã rất mực rõ ràng khi xác tín giáo pháp là kim chỉ nam, là chỗ y cứ cho mọi phương châm và hành động của chúng đệ tử Phật về sau. Thế nhưng, một thực tế được đặt ra là ở thời Phật, kinh điển chưa được ghi lại bằng văn bản, thế nên dễ xảy ra tình trạng bất cập về nội dung. Ở đây, vấn đề làm cách nào để xác tín những lời dạy hoặc truyền tụng do chính Đức Phật thuyết, cũng là một vấn đề quan trọng, được Đức Phật thuận thứ chỉ bày.
Theo Đức Phật, cơ sở để phân biệt đâu là lời dạy chân thực của Đức Phật cần phải tham chiếu vào hai yếu tố, đó là Kinh và Luật.
Theo kinh Đại bát Niết-bàn, Đức Phật đã dẫn ra bốn trường hợp liên quan đến việc xác tín tính chân thực của kinh văn. Trong tất cả bốn trường hợp, dù tự nhận rằng chính bản thân được nghe từ kim khẩu của Đức Thế Tôn hoặc được nghe từ chính một vị Tỳ-kheo hay nhiều vị Thượng tọa có thẩm quyền về kinh điển… thì cũng không nên vội vã khẳng định rằng, đó là kinh văn do Phật thuyết. Theo Đức Phật, cần phải dựa vào Kinh và Luật mới có thể minh định đó có phải là lời dạy của Đức Phật hay không. Đây cũng là ưu tư mà trước đó Đức Phật đã dạy cho dân chúng Kalama trong bài kinh Các vị ở Kesaputta.
Cùng liên quan đến việc kiện toàn cơ sở Kinh, Luật, do vì bị đau lưng nên Đức Phật chỉ định Tôn giả Sariputta thay Ngài tóm tắt lại những điểm chính của giáo pháp. Đáng chú ý, trước khi bắt đầu bài pháp, Tôn giả Sariputta cũng dẫn lại câu chuyện về sự tranh cãi của môn đệ sau khi Giáo chủ Nigantha Nathaputta từ trần. Sự cấp thiết của vấn đề đã được Tôn giả Sariputta trình bày thống thiết: Này các Hiền giả, pháp này được Thế Tôn khéo giảng dạy, khéo trình bày, một Chánh pháp có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh đẳng giác trình bày. Ở đây, tất cả mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không cãi cọ nhau, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Có một điều đáng lưu ý, vì trước đó khá lâu, trong đô thị Campa, Tôn giả Sariputta đã thuyết cho chúng Tỳ-kheo bài thuyết giảng với mười pháp số tương tự qua bài kinh Thập thượng. Trong lần này, với những nội dung căn bản, sâu sắc, cô động, bài thuyết giảng của Tôn giả Sariputta có thể được xem là cuộc kiết tập kinh điển đầu tiên khi Phật còn tại thế.
Hiện thân cho lý tưởng phụng sự
Kể từ khi chứng đạo, Đức Phật đã dành trọn thời gian còn lại của đời mình chỉ với một mục đích duy nhất: giáo hóa chúng sanh nhận ra chân lý mà Ngài đã giác ngộ. Xúc động hơn cả, trong những chặng cuối và đêm cuối của hành trình, bàng bạc trên mỗi dấu chân của Ngài vẫn chất ngất chí nguyện độ sanh.
Trong câu chuyện về bữa cơm cuối cùng ở Pava do chàng thợ rèn Cunda hiến cúng, là khúc ca bi tráng về chí nguyện độ sanh của Đức Thế Tôn. Theo kinh văn, Cunda cúng dường Đức Thế Tôn một bữa cơm với thức ăn tinh túy và tốt nhất trong điều kiện khả dĩ của mình. Kinh Trường bộ ghi rằng, đó là món Sùkara-maddave (một loại mộc nhĩ). Điều cực kỳ bất hạnh là bữa ăn đó không phù hợp với thể trạng hiện tại của Đức Thế Tôn, nói chính xác hơn là thức ăn vô tình bị nhiễm độc, nhưng Cunda không nhận ra. Với lòng chí thành của Cunda, Đức Thế Tôn hoan hỷ thọ dụng, và để phòng hộ cho mọi người, Đức Phật đã nhỏ nhẹ bảo Cunda chôn ngay món ăn mộc nhĩ còn lại, vì không một ai ở cõi Trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên, Nhân, ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.
Cần phải thấy, với luận điểm: các Đức Như Lai nhập Vô dư Niết-bàn không có sự hãm hại, do vậy, mọi sự tác động của các yếu tố bên ngoài đều không ảnh hưởng đến thọ mạng của Đức Thế Tôn. Mặc dù vậy, với trách nhiệm của một bậc Thầy tối thượng, Đức Phật e rằng, sau khi Ngài viên tịch, thợ rèn Cunda sẽ mãi hối hận về bữa cơm cúng dường, xem đó là một trong những nguyên do làm cho Thế Tôn sớm viên tịch, nên Ngài đã căn dặn Tôn giả Anan: Có hai sự cúng dường ăn uống đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác? Thế nào là hai? Một là bữa ăn trước khi Như Lai chứng vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hai là bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ Niết-bàn giới, không còn di hưởng sanh tử. Hai bữa ăn này đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác.
Có thể nói, mặc dù biết rõ thức ăn có độc, thế nhưng vì muốn lợi lạc hữu tình, cụ thể là đem lại phước quả lớn cho thợ rèn Cunda, Đức Thế Tôn đã không ngại ngần thọ dụng bữa ăn cuối. Hình ảnh bữa ăn cuối cùng của Đức Phật có nhiều nét tương đồng như ly thuốc độc mà nhà hiền triết Socrate (469-399) đã ung dung uống cạn, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc cho con người và mọi loài.
Cũng trong đêm trước khi Đại diệt độ, với lòng chí thành của du sĩ ngoại đạo Subhadda, Đức Phật đã cho thuận thứ thuyết giảng, ông ta đã phát nguyện xuất gia, thọ cụ túc giới và không bao lâu, đắc quả A-la-hán. Sự hóa độ du sĩ Subhadda trong đêm Đại diệt độ, Đức Thế Tôn đã hiện thân cho lý tưởng độ sanh không mệt mỏi, dù đó là phút cuối của đời mình.
Chỉ định cư sĩ đảm trách tang nghi
Với Đức Phật, thân thể chỉ là sự hòa hợp của tứ đại. Sau khi Đức Phật nhập Vô dư Niết-bàn thì thân tứ đại dù được kết tinh thành xá-lợi thì cũng theo quy luật tụ, tán cùng thời gian. Do đó, Ngài đã chọn phương thức hỏa táng và chỉ định cho hàng cư sĩ phụ trách tang nghi.
Trước trăn trở của ngài Ananda về hình thức tang nghi và ai là người đứng ra chủ trì sự kiện quan trọng này, Đức Phật đã trang nghiêm phân định: Này Ananda, các ngươi đừng có lo lắng vấn đề cung kính thân xá-lợi của Như Lai. Này Ananda, các người hãy nỗ lực, hãy tinh tấn hướng về tự độ, sống không phóng dật, cần mẫn, chuyên hướng về tự độ. Này Ananda, có những học giả Sát-đế-lỵ, những học giả Bà-la-môn, những học giả gia chủ thâm tín Như Lai, những vị này sẽ lo cho sự cung kính cúng dường thân xá-lợi của Như Lai.
Đây là di huấn quan trọng, có ý nghĩa tham khảo đối với mọi vấn đề liên quan đến việc hậu sự của người xuất gia, bất kể thời đại nào. Mặc dù có mặt trong khoảng thời gian diễn ra tang lễ, thế nhưng cả ba đại đệ tử của Đức Phật như Tôn giả Maha Kassapa, Tôn giả Anurudha và Tôn giả Ananda vẫn đứng ngoài mọi diễn biến tang lễ. Nếu có đóng góp chăng, thì chỉ riêng Tôn giả Maha Kassapa châm lửa vào đài hỏa táng kim thân của Đức Từ Phụ. Ngay sau khi Đức Phật vừa diệt độ, trong phần đêm còn lại, ngồi hầu bên di thể của Đức Thế Tôn, Tôn giả Ananda và Anurudha an tịnh bàn luận Chánh pháp và chờ trời sáng, để vào thành Kusinara thông báo cho dân chúng Mala.
Sau khi được Tôn giả Ananda thông báo, các vị cư sĩ ở Mala đã đứng ra lo tang lễ của Đức Phật và họ đã làm những gì cần làm theo di huấn. Đặc biệt, vị cư sĩ tại gia có ảnh hưởng quyết định trong tang lễ của Đức Phật là Bà-la-môn Dona. Chính bản thân vị Bà-la-môn này đã ngăn ngừa một cuộc xung đột giữa tám nước, khi các nước muốn phụng thỉnh một phần xá-lợi của Đức Thế Tôn về xây tháp tôn thờ. Một vị Bà-la-môn, không phải là người xuất gia, đứng ra phân chia xá-lợi của Đức Phật và có khả năng thuyết phục cả tám nước, thì tất có một nhân thân vững chãi, đặc thù.
Đọc kỹ lại kinh văn, nhân thân của Bà-la-môn Dona hiện rõ dần. Trước hết, đó là vị Bà-la-môn phát hiện dấu chân rất lạ và dõi theo chúng, để cuối cùng diện kiến Đức Phật trên con đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Từ cuộc hội kiến, Bà-la-môn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và cuối cùng nhận ra người đang đàm thoại chính là một vị Phật. Từ nhân duyên gặp Phật ban đầu, Bà-la-môn Dona từng bước hâm mộ Phật pháp. Trong cuộc tham vấn về năm hạng Bà-la-môn, ngài Dona đã xin quy y với Đức Thế Tôn và chính thức trở thành một vị cư sĩ tại gia thâm tín Tam bảo(20). Được biết, đã có một bảo tháp được xây dựng để tôn thờ cái bát mà Bà-la-môn Dona dùng để phân chia xá-lợi Đức Phật. Ngài Huyền Trang có xác nhận trong nhật ký của mình và theo ngành du lịch Ấn Độ, bảo tháp này vẫn hiện còn tại một địa điểm gần Kusinara.
Như vậy, mặc dù tang nghi Đức Phật chỉ định do hàng cư sĩ phụ trách, thế nhưng, căn cứ vào tư liệu kinh văn đã xác tín, đó là hạng cư sĩ vững chãi, thâm tín Tam bảo, mới đủ phước, đủ duyên thực hiện thiện hạnh rất mực quan trọng này.
Thay lời kết hay vài suy nghĩ về hậu sự của người xuất gia
Trong thời Đức Phật, các vị xuất gia lấy việc tu tập, thú hướng giải thoát, xem đó là việc chính yếu và không quá chú trọng về các thể thức tang nghi. Theo kinh điển ghi lại, đã có vài vị Tỳ-kheo bị rơi xuống núi tử nạn, bị rắn cắn chết, bị mạng vong do bệnh tật và tang lễ được tổ chức rất mực giản đơn. Ngay như cao đệ của Đức Phật là Tôn giả Sariputta, tang lễ của ngài diễn ra đơn giản, chỉ có vài vị xuất gia bên cạnh và sau đó, Sa-di Cunda hỏa thiêu xác thân, thu lấy xá lợi bỏ vào bình bát và trở về cáo bạch cùng Đức Thế Tôn.
Học theo sự giản đơn về tang nghi của tiền nhân, trong di ngôn của Huyền Tráng, ngài mong muốn chỉ được bó chiếu chôn. Gần hơn, Pháp sư Thánh Nghiêm cũng chọn hỏa táng và tro cốt còn lại đem rải trong rừng cho cây cối tốt tươi. Ở Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, cũng có nhiều bậc cao tăng thể hiện sự giản đơn nhất định, trong việc lo hậu sự của mình.
Đành rằng, tùy theo không gian văn hóa mà ở mỗi quốc gia, khu vực có những cách thức xử lý đối với di thể người đã khuất. Trong những táng thức đặc thù của từng khu vực, thì riêng đối với người xuất gia, việc gia tăng sự tu tập của bản thân, hầu lấy đó làm công đức yểm trợ cho người vừa khuất, tối giản đến mức có thể các thể thức tang nghi… là những lựa chọn gần giống với những điều mà bậc Thầy của mình đã làm, từ hàng ngàn năm trước.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Theo Giacngo.vn