Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ - là vị cao tăng đức cao vọng trọng, thấu hiểu Phật pháp, am hiểu phép tu thiền định và diệt trừ được ô nhiễm.
Hòa thượng đã có cuộc trao đổi thú vị với ông Nguyễn Như Phong, Tổng Biên tập Báo Năng lượng Mới với chủ đề “Phật giáo trong cuộc sống hiện đại, gấp gáp hôm nay”.
Biết đủ thì vui
Thưa Hòa thượng! Người xưa có câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Nhưng bây giờ, xem ra trẻ cũng vui chùa phải chăng cuộc sống vì có nhiều bế tắc?
Tôi nghĩ vấn đề người ta đi lễ chùa là truyền thống của người Việt Nam mình, cho nên hầu hết đây là chuyện bình thường. Ngày xưa, chiến tranh liên miên, chùa chiền bị tàn phá không ít, đi lễ khó khăn nên có muốn đến chùa cũng khó. Bây giờ đất nước ta độc lập, thống nhất đang trên đà phát triển, người ta tương đối có thì giờ hơn cho nên họ đi lễ.
|
HT.Thích Trí Quảng trao đổi với nhà báo Nguyễn Như Phong |
Mình có thể chia ra các trường hợp khác nhau: Thứ nhất, đa số đi lễ theo phong tục truyền thống. Bất cứ một người nào cũng muốn đi lễ chùa để cầu nguyện cho tổ tiên ông bà của mình quá vãng, đồng thời cầu cho cuộc sống hiện tại của mình được hanh thông, an bình.
Còn hiện tượng thứ hai, những người làm ăn có nhiều khó khăn và họ có cảm giác là không vượt qua được, họ tin vào thần linh, do đó họ đi lễ chùa để cầu nguyện. Những người tin vào thần linh này thật ra đi đến đền nhiều hơn là đi chùa, họ cầu một lực lượng siêu hình nào đó giúp họ vượt qua khó khăn.
Dạng thứ ba, là đi chùa người ta muốn tìm hiểu lời dạy của đức Phật và thực tập trong cuộc sống của mình, nên tìm đến các đạo tràng, những khóa tu để nghe các vị giảng sư triển khai các lời dạy của Đức Phật và áp dụng vào trong cuộc sống của mình.
Chắc chắn có không ít quan chức đến cửa chùa cầu khấn cho họ được thăng quan tiến chức. Hòa thượng có khi nào nhận được lời mời đi làm lễ cho ai đó với mục đích này chưa?
Có chứ. Nhưng tôi dứt khoát từ chối và tôi nghĩ họ đã hiểu sai về Đức Phật và chư vị Bồ-tát. Phật không cho ai chức quyền, cho tiền bạc cả. Đến cửa chùa, cầu nguyện Phật, tự mình tu dưỡng theo những điều Phật dạy thì sẽ được an lạc.
Hòa thượng có thấy rằng, cuộc sống bây giờ có vẻ bế tắc, phức tạp, tính nhân ái của con người xem ra có vẻ ngày càng kém. Chưa bao giờ lại xảy ra lắm vụ án bại hoại luân thường đạo lý đến thế?
Tôi nghĩ trường hợp những người bế tắc tìm về cửa Phật cũng có. Nhưng thời nào chả có, đâu có phải bây giờ. Tuy nhiên, ai tìm về cửa Phật để khai thông bế tắc của mình, tinh thần cuộc sống thì cũng tốt.
Đa số là các anh em làm ăn thất bại họ tới gặp tôi, họ nhờ tôi cầu nguyện, tôi hỏi cầu nguyện gì, thất bại như thế nào nói hết tôi nghe thì tôi mới có hướng dẫn nên thực tế một chút. Khi anh biết suy thực tế một chút thì anh sẽ được.
Từ kinh nghiệm của bản thân tôi khi lựa chọn đi học thì quá khó khăn nhưng tôi biết khắc phục, tôi mới vượt qua được. Khi đi tu học ở nước ngoài, tôi chỉ có 50 đô-la thôi và tôi chỉ được chi trong 50 đô-la đó để sống và học. Nếu bây giờ tôi cầu Phật cho tôi hơn một, hai trăm đô-la nữa thì tôi chịu rồi. Cho nên mình phải có đủ trí tuệ, tỉnh táo để sắp xếp trong cuộc sống của mình thì kinh nghiệm bản thân tôi, tôi đã vượt qua được.
Tôi không làm chính trị, nhưng tôi quan tâm tới chính trị
Theo Hòa thượng, tin vào sự gia trì của Đức Phật và chư vị Bồ-tát, hay nói rộng ra là tin vào thần linh hay nên tin vào bản thân mình?
Tôi xin kể chuyện tôi làm Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ trong những ngày khó khăn. Khi mà anh Võ Đình Cường làm Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ ở trong thời mà mình gọi là thời bao cấp. Lúc ấy làm báo sướng lắm. Nhà nước cho mình giấy, cho mình tiền để trả lương cho cán bộ, công nhân viên, báo in ra bán được hay không được không quan trọng vì đã có Nhà nước bao cấp.
Đến khi Nhà nước không bao cấp nữa thì tự nhiên tờ báo này không có khả năng hoạt động vì số lượng bán ra không đủ lấy thu bù chi. Lãnh đạo Ban Trị sự đến yêu cầu tôi ra nắm tờ báo.
Tôi nhận lời làm Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ và tôi nói với cán bộ, công nhân viên rằng, mình bây giờ phải thực tế? Thứ nhất là, không còn bao cấp nữa nên anh em phải đẩy mạnh vấn đề phát hành báo, Tổng Biên tập cũng phải đi bán báo, đi vận động.
Số lượng báo phát hành ra được thì mới có số tiền thu về, mình mới có số tiền thu vốn để mình tự cân đối kế hoạch. Cho nên tôi nói trí tuệ quan trọng, cái trí tuệ để quyết định, cái trí tuệ lãnh đạo, đưa tới chỗ trí tuệ tập thể.
Tôi làm tờ báo Giác Ngộ năm nay trên 20 năm rồi, từ chỗ Nhà nước bao cấp cho đến chỗ xóa bao cấp, nay có thể cân đối được thu chi, ổn định, cho nên đúng như lời Phật dạy, do con người quyết định.
Hòa thượng có quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước và trên thế giới không?
Nói không quan tâm thì cũng không đúng nhưng mà quan tâm theo cái nghĩa tham gia vào chính trị thì cái đó tôi không làm. Nhưng quan tâm về đất nước về con người thì đương nhiên là phải có rồi.
Những cái quan tâm về chính trị của tôi là quan tâm để đóng góp vào trong việc ổn định các vấn đề xã hội. Đó là điều tôi quan tâm nhất. Cái thứ hai là giúp cho kinh tế phát triển tốt. Thứ ba là tạo mối quan hệ tốt, tức là ngoại giao dân sự đối với tất cả các nước trên thế giới thì mình có thể làm được. Đó là ba vấn đề tôi quan tâm.
Theo Năng lượng Mới