Đức Phật không muốn tín đồ “gọi dạ bảo vâng“

Google News

Đức Phật không muốn chúng ta là tín đồ thuần thành gọi dạ bảo vâng, Ngài muốn mỗi chúng ta theo chân Ngài tự thắp đuốc lên mà đi...

Mọi tôn giáo chính thống, mọi trường phái tâm linh giải thoát, đều lấy lòng Từ làm nòng cốt. “Từ Lực” là năng lượng vốn hằng hữu trong vũ trụ; nó là sự tương quan kết nối mọi sinh vật hữu thể và vô hình, vì nó là lực hút hóa giải mọi ô tạp, đố kỵ, tỵ hiềm và ích kỷ.

Đối với Thánh nhân, chư Phật, chư Bồ tát, các đại minh sư là hiện thân của một năng lượng vô biên và vô điều kiện. Các Ngài đến để phục vụ chúng sinh không điều kiện, không ngoài mục đích hướng dẫn chúng sinh trở lại hội nhập với tính thể uyên nguyên của chính mình.
 
 

“Từ lực” vốn là thể trong sáng, nhân hậu, khi chúng sinh gợn sóng vô minh. “Từ lực” biến thành “ái lực”, một tình thương có đối tượng, có điều kiện, tức có ích kỷ; nguy hiểm nhất là tính vô cảm. Cho dù tình thương hạn chế trong gia đình, trong vật nuôi vẫn còn cơ may phát triển, nhưng con người không biết động lòng trước đồng loại hay hoàn cảnh đau thương nào đó, sẵn sàng ra tay sát hại bất cứ người và vật; lòng nhân không còn thì nói gì đến lòng Từ! Nói thế, không có nghĩa họ không có lòng Từ, nhưng vì ác nghiệp sâu dày che án mất lòng Từ, phải cần thời gian học hỏi và được sự hướng dẫn, hoặc gặp một cơ duyên nào đó được “Từ lực” khai hóa.

Hành trạng của “Từ Lực”: Nguyên thể vốn như như bất động, nhưng có công năng chuyển hóa làm tan rã tính đông cứng của tâm thái vô cảm. “Từ lực” hiện tướng qua các bậc chân đức, minh sư, Thánh nhân, Bồ tát… để chuyển hóa chúng sinh qua những phương thức hành thiện, bố thí, cúng dường, phóng sinh và Thiền định.
 
 “Từ lực” hiện tướng qua các bậc chân đức, minh sư, Thánh nhân, Bồ tát…


Các hành giả tâm linh dễ khai triển “Từ lực” nhiều hơn là sinh hoạt tôn giáo. Vì hành giả tâm linh loại bỏ tất cả giáo điều, giáo sản, giáo luật, giáo hội và vô số điều lệ của tôn giáo mà hành giả luôn trực chỉ chân tâm.

Trong khi tôn giáo bị ràng buộc lắm giáo quy của một tổ chức, vì thế càng sinh thêm những trách nhiệm mà một hành giả tâm linh muốn rời bỏ.

Một khi “Từ Lực” xuống cấp thành “lòng nhân”, tất phải có đối tượng để thực thi “lòng nhân” thì khai sinh ra công việc hành thiện. Công việc từ thiện trong tôn giáo cũng như tự phát của quần chúng không tôn giáo mang tính phong trào, mang tính vị tha, thậm chí trở thành thói quen thiếu cảm tính.

Một chùa thường đi cứu trợ mỗi năm nhiều chuyến số tiền lên hàng tỷ, chi phí xe cộ vận chuyển nhiều hơn số tiền bố thí cho mỗi khẩu phần. Từ miền Nam ra Trung hoặc các vùng cao phía Bắc, chi phí vận chuyển rất lớn, người nhận thí phần không quá 500 nghìn (mươi cân gạo, thùng mì, đường sữa, dầu ăn, bột ngọt và 100 nghìn tiền mặt)…

Đó là nguồn an ủi cho dân nghèo nơi vùng cao, vùng xa lây lất với số quà đó cũng được mươi bữa cho một gia đình, thế 20 ngày còn lại thì sao?

Quần chúng thường ủng hộ các công tác cứu trợ như thế trở thành thói quen thiếu kiểm soát, thậm chí tạo cho dân chúng nơi đó có tính trông chờ, ỷ lại. Nghĩa là ta thường cứu nghèo chứ không phải cứu ngặt. Công tác từ thiện như thế vốn từ tấm lòng vị tha, nhưng nếu dùng suy nghĩ, sử dụng nguồn kinh phí đó, với bao tấm lòng đó, có hiệu quả hơn thì giá trị lòng vị tha sẽ nhân lên gấp bội.

Trong khi đó, quanh ta, biết bao người tại thành phố, kể cả Phật tử đang cần một số tiền để cứu nguy mạng sống nằm chờ trong bệnh viện. Nói như thế không phải ta bỏ mặc đồng bào mình đang thiếu ăn. Hàng tỷ đồng mỗi năm, ta có thể tạo một nghề nghiệp cộng đồng cho địa phương với những nghề thích hợp từng bản địa mới xóa được kiếp ăn chờ sống chực. Nếu không thì công tác như thế chẳng hóa là muối bỏ biển! Vì thế lòng nhân cần đi đôi với ý thức.

“Từ lực” hóa thân thành lòng nhân thì năng lực cũng một phần bị suy giảm, cũng như tôn giáo biến thể từ nguồn cội tâm linh thì cũng mang lắm nhiêu khê trong cuộc sống. Một khi “Từ Lực” hóa thân thì lòng nhân mang nhiều phản diện: - bố mẹ thương con bằng cách chiều chuộng, cũng có khi la mắng đánh đập cũng vì thương con.

Một góp ý sửa sai với lòng tốt cũng có nhiều cách, hoặc khen tặng, hoặc nặng lời khích tướng cho đối tượng tự ái mà thay đổi. Không thể nhìn hiện tượng mà đánh giá, hãy nhìn thiện ý của kẻ hành động. Có khi ngọt lời nhưng ý thâm độc, có khi nặng lời nhưng ý tốt dựng xây. Và dĩ nhiên nặng lời mang tính thù hận không phải lòng nhân của tín đồ tôn giáo. Cái gì cũng có hai mặt:- thật và giả rất giống nhau nhưng khác nhau ở phẩm chất “lòng từ”.

Tín đồ một tôn giáo chân chánh, luôn có sự hiện hữu của lòng Từ đi đôi với sự thờ kính, vì vậy, Phật giáo thường bảo: “Phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật”.

Chúa Jesus cũng từng hạ mình rửa chân cho tông đồ… Không những thể hiện lòng Từ còn mang tính bình đẳng. “Từ lực” vốn có đủ ánh sáng tuệ giác, nhưng khi chiết lược qua tâm phàm, biến thành “lòng nhân”, đôi khi trí tuệ bị giảm nên hành thiện thường khiếm khuyết và bị lạm dụng.
 
 “Từ lực” vốn có đủ ánh sáng tuệ giác...

Hành giả luôn đắm chìm trong Thiền định, tâm thức nâng cao, hòa nhập cùng từ lực vũ trụ, thì “Từ lực” luôn là ánh sáng, thân tâm luôn thanh thản tự tại và tuệ giác thường hằng. Do Từ lực mà chiêu cảm chúng sanh dễ hơn việc hành thiện mà tâm còn lắm ô trọc. (có nghĩa một hành giả tâm linh đạt một năng lượng “từ lực” cao tuy không bố thí tài vật, chúng sinh vẫn tôn kính, trong khi hành thiện mà thiếu công năng hành trì thì chỉ tạo được lòng biết ơn đối với kẻ thọ nhận, chưa chắc khuyến hóa có kết quả).

Trong xã hội luôn phức tạp, người tín đồ, ngoài việc hành thiện của “lòng nhân”, cần nâng cấp “lòng nhân” lên “lòng Từ” để rồi, trên con đường chuyển hóa tâm linh, sẽ biến tâm thức thành một “Từ Lực”. Lúc bấy giờ không còn phải vận dụng thế trí để phán đoán phân biệt đúng sai của hành động mà Tuệ tri luôn có mặt cùng “Từ lực” để hỗ trợ cho mọi hành động một cách tự tại thanh thản.

“Từ Lực – ánh sáng tâm linh và phong thái tự tại” là kết quả tất yếu  của mọi hành giả trên con đường tiến hóa giải thoát. Tín đồ tôn giáo không thể là người thừa hành tín ngưỡng mà là có trọng trách chuyển hóa tín ngưỡng tôn giáo thành hành giả tâm linh vì mục đích giải thoát; nhưng hầu hết chúng ta biến thành tín đồ ngoan đạo hơn, như thế thay vì muốn đến với tôn giáo để thoát khỏi hệ lụy thế gian, chúng ta lại tròng thêm vào cổ một cái ách mới, cái ách tín đồ cuồng nhiệt, thế là bị giam chân trong vòng xoay mới của cuộc sống thế tục. Đức Phật không muốn chúng ta là tín đồ thuần thành gọi dạ, bảo vâng, Ngài muốn mỗi chúng ta theo chân Ngài tự thắp đưốc lên mà đi, vì Ngài từng bảo, không ai là thầy của chúng ta ngoài giáo Pháp của Ngài; kết quả của một giáo pháp là tràn đầy “Từ Lực – Tuệ giác và Tự Tại”.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo phatgiao.org.vn