Đức Phật sinh ra từ hông bên phải, “thực hay huyền thoại“?

Google News

Có nhiều người (kể cả tăng sĩ Phật giáo) cho rằng chuyện Đức Phật sinh ra từ hông bên phải của Hoàng Hậu Maha Maya là chuyện hoang đường, dị đoan.

Bài viết này cố gắng dựa vào kinh điển Phật giáo và tài liệu lịch sử để tìm hiểu những gì đã xảy ra khi Hoàng hậu Maha Maya sinh Thái tử Tất Đạt Đa dưới cái nhìn y học hiện đại.

Kinh điển Phật giáo nói về sự ra đời của Đức Phật kể lại hai chi tiết quan trọng là Hoàng hậu Maha Maya mang thai đến 10 tháng âm lịch mới sinh ra Thái tử Tất Đạt Đa và sau khi sinh Thái tử bảy ngày thì Hoàng hậu qua đời. Người ta nhớ chi tiết thứ hai nhưng thường bỏ qua chi tiết thứ nhất, mà đó là một chi tiết then chốt trong việc tìm hiểu thực chất sự ra đời của Đức Phật.

Theo Wikipedia [i], một tháng âm lịch luân phiên là 29 và 30 ngày, tương ứng với tháng thiếu và tháng đủ. Tính ra, một tháng âm Lịch trung bình có 29,5388 ngày. Như vậy, 10 tháng âm lịch là khoảng hơn 295 ngày, hay hơn 42 tuần.

Trong y khoa, thời gian mang thai trung bình là 40 tuần. Một thai nhi sinh ra trước tuần thứ 38 của thai kỳ (tức 2 tuần sớm hơn thời gian trung bình) gọi là sinh non (prematurity) và một thai kỳ kéo dài 42 tuần (tức 2 tuần chậm hơn thời gian trung bình) gọi là thai kỳ quá ngày (postterm pregnancy) hay sinh muộn (postmaturity).

Sự phát triển trong thời kỳ bào thai rất nhanh, cho nên trong thời gian hai tuần kéo dài hơn trung bình này, [ngoại trừ những trường hợp bệnh lý (pathologic postterm pregnancy)] bào thai sẽ lớn hơn bình thường khiến cho sản phụ khó có thể sinh con theo đường âm đạo bởi vì đầu của thai nhi quá lớn không thể chui ra khỏi khung chậu. Đó là tình trạng mà trong khoa sản gọi là bất tương xứng đầu-chậu (cephalopelvic disproportion). Biến chứng của tình trạng này nếu không kịp thời giải phẫu lấy thai là vỡ tử cung, đưa đến tử vong cả mẹ lẫn con.

Thai kỳ kéo dài đến một lúc nào đó rồi cũng sẽ dẫn đến sự chuyển dạ, khi đó các bắp thịt  tử cung sẽ co bóp rất mạnh để tống bào thai ra ngoài. Có lẽ lúc Hoàng hậu Maha Maya đến gần cây hoa vô ưu, Hoàng Hậu bắt đầu chuyển dạ. Trong tình huống đó, với trình độ của người thầy thuốc vào hạng giỏi nhất của triều đình, ngự y của hoàng hậu (chắc chắn thế nào cũng tháp tùng hoàng hậu trong chuyến đi này) hiểu rằng hoàng hậu không thể sống sót qua lần sinh đẻ này nên đã sáng suốt và dũng cảm quyết định rạch bụng của Hoàng Hậu để cứu Thái tử.

(Theo Wikipedia, điều này đã từng được thực hiện tại La Mã.  Theo phong tục có từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên ở La Mã, khi người phụ nữ có thai đến tháng thứ 10, người ta buộc lòng phải hy sinh người mẹ bằng cách mổ bụng sản phụ khi người này còn sống để cứu thai nhi. Phong tục này chứng tỏ lúc đó người ta hiểu rằng (với trình độ sản khoa thời bấy giờ, chưa có kỹ thuật mổ lấy thai, kềm (forceps), giác hút (ventouse) người đàn bà có thai kỳ kéo dài 10 tháng không thể nào sống sót sau khi sinh [ii].)

Chính quyết định sáng suốt và dũng cảm của ngự y rạch bụng hoàng hậu khi hoàng hậu còn sống không những đã cứu sống Thái tử Tất Đạt Đa mà còn kéo dài cuộc sống của hoàng hậu thêm bảy ngày. Nếu không, việc vỡ tử cung nhất định không thể nào tránh khỏi và hậu quả của vỡ tử cung kèm xuất huyết nội khó lòng kéo dài sự sống của hoàng hậu đến bảy ngày.

Đến đây chúng tôi thử tìm hiểu một chi tiết khác trong kinh điển Phật giáo nói về sự ra đời của Đức Phật:  Đức Phật sinh ra từ hông bên phải của Hoàng Hậu Maha Maya.

Về phương diện cơ thể học vùng bụng, ở phía sau có cột xương sống và nhiều lớp cơ rất chắc trong đó có Cơ Lưng Lớn (Le muscle grand dorsal - latin: musculus latissimus dorsi).

Phía trước có các cơ Thẳng Lớn và một cấu trúc sợi chạy từ xương ức đến xương mu gọi là Đường Màu Trắng (Linea alba). Những cơ Thẳng Lớn và Đường Màu Trắng rất chắc (hình 1).

  Hình 1 (sơ đồ cắt ngang ở phía trước vùng bụng).

Phía ngoài bờ ở hai bên Cơ Thẳng Lớn (chỗ hai mũi tên) tương ứng với vùng hông là những chỗ yếu trong vành đai của bụng. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng ngự y đã rạch bụng hoàng hậu Maha Maya ở vùng hông để lấy bào thai ra. Một đường rạch ở vùng này có lẽ ít gây tổn thương hơn đường rạch qua cơ thẳng lớn. Điểm đáng lưu ý rằng đây là cuộc giải phẫu cấp cứu, khác với cuộc giải phẫu lấy thai (césarienne – C-section) có sửa soạn như thường làm hiện nay.

Bên phải hay bên trái cũng giống nhau, vậy kinh điển nói rằng bên phải thì ta hãy tin bên phải. Điều chủ yếu nhất khi viết bài này, tác giả muốn chứng minh rằng Thái tử Tất Đạt Đa được sinh ra không theo đường sinh dục mà từ bụng của hoàng hậu Maha Maya.

Hy vọng rằng sự trình bày những diễn tiến này phù hợp với những gì kinh điển Phật giáo nói về sự ra đời của Thái tử Tất Đạt Đa và chấm dứt mối hoài nghi cho rằng việc Thái tử Tất Đạt Đa sinh ra từ hông bên phải của Hoàng hậu Maha Maya chỉ là huyền thoại.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Theo Chùa Phúc Lâm