Giàu và nghèo là hai phàm trù đối đãi nhau, thông thường thì giàu được hiểu là người có sở hữu lớn về tài sản vật chất, tiền bạc, nhà cửa nói chung là động sản và bất động sản, còn nghèo là những người có sở hữu ít hoặc không có sở hữu về những tài sản vật chất đó.
Chính vì thế, làm giàu là mục tiêu hướng đến của đại đa số con người chúng ta trong xã hội, bởi lẽ bất cứ một ai trong chúng ta, không ai không mong muốn có được đời sống sung túc, giàu sang. Nhưng việc làm giàu của mỗi cá nhân trong đời sống với rất nhiều con đường khác nhau, có người thành tựu được sự nghiệp giàu có bằng con đường lương thiện, chân chính, con đường này, được Thế Tôn và các bậc Thánh, mọi người trong xã hội tán thán, khen ngợi. Đồng thời cũng có những người bất chấp thủ đoạn, tàn nhẫn, dẫm đạp lên luân thường đạo đức để đạt được mục tiêu đó, con đường này, được Đức Phật và các bậc hiền thánh cảnh báo đầy rẫy hiểm nguy, khổ đau.
|
Ảnh minh họa.
|
Nhưng bằng tuệ giác của Thế Tôn, sự hơn nhau về tài sản vật chất chưa đích thực là người giàu có và ngược lại với người sở hữu ít hoặc không sở hữu tài sản vật chất cũng chưa hẳn là nghèo. Mà đối với Thế Tôn người nghèo đích thực là “Những ai không có lòng tin trong các thiện pháp, không có lòng hổ thẹn trong các thiện pháp, không có lòng sợ hãi trong các thiện pháp, không có tinh tấn trong các thiện pháp, không có trí tuệ trong các thiện pháp; người này, được gọi là người nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu…”( ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Dhammika, Phần nghèo khổ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.117).
Và người thật sự giàu có, sở hữu một gia tài thật đồ sộ, phong phú là người biết xây dựng và phát huy bảy thứ tài sản của tinh thần, đó là thứ tài sản thánh thiện uyên nguyên đã lãng quên và đánh mất nơi mỗi chúng ta. Bảy thứ tài sản đó được Đức Thế Tôn lược nói như sau: “Này các Tỳ Kheo, có bảy thứ tài sản này, thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quí tài, văn tài, thí tài và tuệ tài.
Ở đây, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng vào sự giác ngộ của Như Lai, gọi là tín tài.
Ở đây, vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, trộm cắp… say sưa, gọi là giới tài.
Ở đây, vị Thánh đệ tử có xấu hổ đối với thân, miệng, ý làm ác, gọi là tàm tài.
Ở đây, vị Thánh đệ tử có sợ hãi đối với thân, miệng, ý làm ác, gọi là quí tài.
Ở đây, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, giữ gìn những gì đã nghe, đề cao đời sống phạm hạnh, đọc tụng nhiều lần, chuyên tâm quan sát, thành tựu chánh kiến, gọi là văn tài.
Ở đây, vị Thánh đệ tử với tâm xả bỏ xan tham, ưa thích xả bỏ, san sẻ vật bố thí, gọi là thí tài.
Ở đây, vị Thánh đệ tử có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh thể nhập, đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau, gọi là tuệ tài. …” ( ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 7 phẩm tài sản, phần các tài sản rộng thuyết, VNCPHVN, ấn hành, 1996, tr. 280)
Bởi vì, khi thành tựu bảy thứ tài sản đó, đời sống của chúng ta sẽ được giải thoát, thảnh thơi, nhẹ nhàn, tràn ngập sự hạnh phúc, không sợ hãi trước bất kỳ một thế lực nào có thể cướp đi, dù cuộc đời có biến động như thế nào chăng nữa thì cá nhân đó vẫn đứng hiên ngang, vững chải giữa dòng đời, được mọi người khen ngợi và tán thán. Còn đối với tài sản vật chất thế gian, không phải Thế Tôn phủ nhận giá trị hạnh phúc nó mang lại cho mỗi cá nhân, nhưng tài sản đó tiềm ẩn của sự khổ đau nhiều hơn là hạnh phúc, nếu chúng ta không biết phát huy bảy tài sản tinh thần để thăng hoa đời sống tâm linh. Vì một lẽ thật là vạn vật vô thương, luôn luôn thay đổi, biến chuyển dù nhỏ như hoa lá cỏ cây, lớn như sơn hà, đại địa…, không nằm ngoài qui luật đó. Nếu chỉ biết bám víu vào tài sản vật chất, khi được nó ta vô vàn hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đó trong chốc lát, ngắn ngủi, đằng sau đó là sự khổ đau vô tận bởi tâm chấp thủ mãnh liệt của chúng ta, đây là của tôi, là tài sản của tôi, khi nó bị chi phối bởi định luật vô thường.
Vì vậy, đối với Thế Tôn sự sở hữu tài sản vật chất tiền bạc, ruộng vườn, nhà cửa…, chưa thật sự là người giàu có, sự giàu có đó vẫn nằm trong vòng lẩn quẩn của sự đau khổ, luân hồi chi phối. Một cá nhân được xem là giàu có với tuệ giác của Như Lai là cá nhân đó phải thành tựu được bảy thứ tài sản tinh thần vốn có của chúng ta bị lãng quên. Tài sản này một khi đã được tích luỹ được sẽ làm cho những ai sở hữu nó thật sự giàu có hạnh phúc và bền vững trước mọi biến động của cuộc đời. Và sự nghèo khổ túng thiếu của một cá nhân cũng được hiểu ngược lại.
Theo Giác Ngộ