HỎI: Tôi đã quy y Tam bảo được một năm nay và cố gắng giữ gìn năm giới như lời phát nguyện. Do công việc làm ăn nên tôi khó có thể giữ gìn trọn vẹn giới pháp, nhất là giới không sát sanh, vậy tôi có bị quả báo không? Mới đây tôi có đi ăn cùng bạn bè, nhìn cảnh những người bạn đã bỏ tôm sống vào nồi lẩu, chúng vùng vẫy tuyệt vọng, tôi thật sự rất xót xa nên nhất quyết không ăn. Thật lòng thì tôi hành xử như vậy cũng sợ bạn bè cho là người lập dị, nhưng nếu ăn thì tôi sợ phạm tội sát sanh. Rất mong được quý Báo sẻ chia để tôi vững vàng hơn trên con đường tu học.
(THIỆN MINH, phuongvietholiday88@gmail.com)
ĐÁP: Bạn Thiện Minh thân mến!
Trong năm giới, giới không sát hại chúng sanh được xếp đầu tiên, vì giết hại là một tập khí sâu dày của chúng sanh nên Đức Phật nhấn mạnh để chúng ta lưu tâm. Người Phật tử giữ giới không sát sanh cần hết sức lưu ý rằng: Trọng tâm của giới này là không giết người, kế đến là tránh giết các loài to lớn như heo gà chó mèo…, đối với các loài li ti nhỏ nhít thì cũng không cố sát nhưng nếu vô tình giẫm đạp hay làm tổn hại chúng thì phải thành tâm sám hối.
Do đó, nếu giết người thì người Phật tử phạm giới thứ nhất không sát sanh, chắc chắn sẽ đọa vào ác đạo, chịu quả báo nặng nề. Còn nếu cố tình (hay vô ý) giết hại các loài vật khác thì bị khuyết giới, tuy vẫn bị quả báo xấu về sau (tùy mức độ tạo nghiệp) nhưng có thể ăn năn, sám hối. Tùy theo sự thành tâm sám hối của mình, đồng thời nguyện không tái phạm và tích cực phóng sanh thì nghiệp sát của mình sẽ mỏng dần cho đến nhẹ nhàng.
Trong trường hợp vì công việc hay giao tế cần tham dự tiệc tùng với đối tác và bạn bè, nếu bạn làm tổn hại chúng sanh (như ăn lẩu tôm, cá còn sống nấu ngay trên bàn) thì như trên đã nói, bạn bị khuyết giới chứ chưa phạm giới. Do đó, bạn phải thành tâm sám hối tội lỗi nghiệp chướng của mình.
Tuy nhiên, trong những trường hợp có thể từ chối được, bạn cần nói rõ với mọi người rằng bạn là Phật tử, đã phát nguyện không sát hại chúng sanh. Dẫu ngoài những ngày ăn chay thì bạn vẫn ăn uống bình thường nhưng đó là thực phẩm đã làm sẵn, không trực tiếp giết hay chứng kiến người khác giết các loài vật để làm thức ăn cho mình.
Sự hòa hợp với bạn bè là cần thiết nhưng vẫn có thể hòa mà không đồng. Đơn cử như có khá nhiều người tham dự tiệc tùng mà phải ăn kiêng vì bệnh thì họ chỉ dùng những món phù hợp. Cũng vậy, trong khi nhóm bạn bè ăn lẩu tôm tươi sống, nếu bạn không thích thì có thể gọi cho mình một món khác phù hợp hơn mà không có gì trở ngại cả.
Thiết nghĩ, người Phật tử chân chính nên tự khẳng định mình là Phật tử trước mọi người và luôn thể hiện những phẩm chất đạo đức tốt đẹp (không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say nghiện) của mình. Chính sự thẳng thắn và thành thật về mình (là một Phật tử) thì mọi người sẽ tôn trọng, hiểu và cảm thông với mình hơn, nhất là không hề cho mình là lập dị hay cố tình khác người.
Chúc bạn tinh tấn!
Theo Giác Ngộ