Ở một số địa phương, về kiến thức Phật giáo, người Phật tử hầu như không có gì ngoài việc nghe, tụng kinh, niệm Phật và làm công quả. Đây là một lỗ hổng thiết nghĩ Ban Hoằng pháp TƯGH nên điều chỉnh để có hướng đi thích hợp.
Một số vùng cao, vùng xa do điều kiện đặc thù nên thiếu hẳn lực lượng Tăng Ni giảng sư đến hướng dẫn tu học cho bà con Phật tử. Qua báo cáo cho thấy, số lượng những buổi thuyết giảng các đạo tràng tu Bát quan trai, các khóa tu Phật thất, Một ngày an lạc… tại các vùng đô thị chênh lệch so với vùng cao, vùng xa khiến chúng ta ít nhiều băn khoăn.
|
Chư tôn đức tặng quà tới đồng bào vùng cao. Ảnh: Giác Ngộ. |
Tăng Ni được đào tạo từ các lớp cao - trung giảng sư ngày càng phong phú. Các khóa đào tạo giảng sư đã từng bước đi vào ổn định. Nhưng những điều này chưa phải là tất cả nếu chúng ta thiếu sự quan tâm một cách thực tế đến nhu cầu học Phật, nghe pháp của Phật tử vùng xa.
Còn nhớ, khoảng gần 4.000 Phật tử người dân tộc quy y tại Bình Phước (2011); và gần 1.500 Phật tử người dân tộc quy y tại Đắk Nông. Đó là chưa kể một số vài trăm Phật tử người dân tộc khác đã quy y tại các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên. Đối với số Phật tử mới này, chúng ta chưa có kế hoạch bồi dưỡng, giảng pháp cho họ. Và thực tế cho thấy, họ dù đã quy y Phật, nhưng hiểu biết Phật pháp đối với họ có thể nói vẫn là số 0, do khác biệt về ngôn ngữ. Ở điểm này, Ban Hoằng pháp TƯGH và các tỉnh thành vùng cao cần phải nhìn lại một cách nghiêm túc.
Được biết, trong chương trình các khóa đào tạo giảng sư lớp cao - trung, hoằng pháp vùng xa là một đề tài gần như bắt buộc khi Tăng Ni giảng sư làm luận văn tốt nghiệp. Hoằng pháp vùng xa còn là một khởi điểm cần được khuyến khích khi Tăng Ni giảng sư ra trường. Nó còn có ý nghĩa gấp nhiều lần về hoằng pháp ở nước ngoài.
Trong khóa VII (2013-2016), có 75 Tăng Ni theo học khóa cao cấp giảng sư, 69 Tăng Ni học trung cấp giảng sư - con số này không cao so với thực trạng hoằng pháp vùng xa. Song, cũng không phải là thiếu hẳn sự lựa chọn, nếu chúng ta biết cách phân bổ. Ngoài ra, còn một số Tăng Ni đã học xong khóa VI và còn có lực lượng giảng sư đoàn.
Thời gian qua, Ban Hoằng pháp TƯGH đã kết hợp với Ban TTXH, Ban HDPT T.Ư trong các pháp hội khá thành công; đây là hoạt động đa ngành và cần nên phát huy, đặc biệt đối với Phật tử vùng xa. Vì đồng bào các dân tộc sống thiếu thốn, nên bà con cũng cần được sự san sẻ của mọi người. Đến với đồng bào ở đây, ngoài việc giảng pháp, là có thêm sự chia sẻ về vật chất và tinh thần thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn.
Theo Giác Ngộ