Nhắc đến chùa Nhẫm Dương là nhắc đến một địa danh gắn với Thánh Tổ Đạo Nam Thông Giác Thủy Nguyệt là Thủy Tổ của phái Tào Động Việt Nam.
Trong quá trình khai thông động Thánh Hóa phía sau chùa để tìm những pho tượng đá cổ của tổ Thủy Nguyệt và tổ Tông Diễn, tại chùa Nhẫm Dương, thuộc địa phận xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương để đưa về thờ cúng, tốp thợ đã bất ngờ phát hiện ra một kho xương hóa thạch khổng lồ.
Độc đáo chùa cổ
Từ QL 18 rẽ chừng 3km, lên chuyến đò ngang qua sông Kinh Thầy, chúng tôi tìm đến chùa Nhẫm Dương, một ngôi chùa cổ, thuộc địa phận xã Duy Tân, nơi chứa đựng hang xương khổng lồ của người và các sinh vật thời tiền sử.
Với hệ thống hơn 50 hang động bao bọc, cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, cảnh vật chùa Nhẫm Dương hiện lên vừa hùng vĩ, huyền bí, vừa nên thơ trữ tình.
Bên ấm trà mạn, cùng không khí thanh tịnh của chốn cửa thiền, sư thầy trụ trì Thích Diệu Mơ, kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của ngôi chùa này.
|
Hang Thánh Hóa nơi phát hiện kho xương khổng lồ. |
Chùa vốn được xây dựng từ thời Trần (thế kỉ XIII), trên mảnh đất xưa gọi là Thung Nhẫm hay Chung Nhẫm (dân gian vẫn quen gọi là núi Nhẫm Dương) mảnh đất linh thiêng, được bao bọc bởi hệ thống hang động dày đặc.
Núi Nhẫm Dương là ngọn núi lớn nhất tại xã Duy Tân, xưa kia là một vùng rừng núi, cây cỏ mọc um tùm, khí hậu trong lành, núi đồi trùng điệp nối liền một dải, tạo thành hình cánh cung với vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình của đất Việt. Nơi đây đã từng là Tổ Đình, trung tâm phật giáo nổi tiếng thời Trần và Hậu Lê.
Nhắc đến chùa Nhẫm Dương là nhắc đến một địa danh gắn với Thánh Tổ Đạo Nam Thông Giác Thủy Nguyệt là Thủy Tổ của phái Tào Động Việt Nam. Nhà sư Thủy Nguyệt sinh năm Đinh Sửu (1637), quê ở Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam, dòng dõi họ Đặng. Ông theo học Nho giáo, đến 18 tuổi thi đậu Cống cử tứ trường. Đến năm 20 tuổi, chán cảnh đời dâu bể ông đi tu theo các Thiền sư.
Chàng trai họ Đặng bỏ nghiệp Nho, tìm đến chùa xã Hỗ Đội, huyện Thụy Anh xin xuất gia học đạo. Ở đây 6 năm học các kinh sách, nhà sư thấy chưa thỏa mãn bèn xin phép thầy đi du phương học hỏi. Đi học hỏi hết các bậc tôn túc trong nước, mà tâm vẫn chưa sáng đạo. Nhà sư quyết chí sang Trung Quốc tầm học. Sau khi giác ngộ phái Tào Động bên Trung Quốc, nhà sư đã về truyền đạo tại Việt Nam.
Sư Tổ Thủy Nguyệt đã đi nhiều nơi trong cả nước để thuyết pháp, sau tới Hạ Long thì dừng lại để phổ độ chúng sinh. Sau một thời gian ở đây, người đã nói với chúng sinh rằng: “Nay ta lên chơi trên núi Nhẫm Dương nếu 7 ngày không trở về, các ngươi tìm thấy chỗ nào có mùi thơm thì ta ở đấy”. Đợi đúng 7 ngày không thấy nhà sư trở về, phật tử cùng nhau kéo lên núi Nhẫm Dương nghe gió thổi mùi hương ngào ngạt, mọi người tìm đến một cái hang thấy Sư ngồi kiết già trên tảng đá trong hang.
Thân thể Sư mềm mại, tỏa ra mùi thơm giống hương trầm bạch đàn. Bấy giờ là ngày 6 tháng 3 năm Giáp Thìn, niên hiệu Chính Hòa thứ hai mươi, đời vua Lê Hy Tông (1704), nhà Sư thọ 68 tuổi. Phật tử đã thỉnh nhục thân Sư về hỏa táng, chia linh cốt thờ hai nơi, một ở chùa Hạ Long, một ở hang núi Nhẫm, sau này người đời sau gọi là Hang Thánh Hóa.
Chùa Nhẫm Dương còn là một địa chỉ đỏ gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Lần giở những tập tài liệu đã ố vàng, nhàu nát được tìm trong hang Gió và hang Tối cạnh động Thánh Hóa sau lưng chùa, sư cô Thích Diệu Mơ cho biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), chùa Nhẫm Dương từng là nơi đóng quân của nhiều cơ quan đơn vị bộ đội.
Trong cuộc chiến đấu, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vào những năm 1965 - 1973, Viện quân y Y7, Quân khu 3 cũng từng sơ tán về núi Nhẫm Dương làm nơi chữa trị cho các thương binh.
Bí ẩn hang xương khổng lồ
Trao đổi với PV, sư thầy Mơ cho biết: Lý do phát hiện ra kho xương khổng lồ tại động Thánh Hóa là do thầy thực hiện theo di nguyện của hòa thượng Thích Vô Vi (trụ trì chùa Nhẫm Dương trước đây), trước khi viên tịch có căn dặn khai thông động Thánh Hóa để tìm lại những pho tượng đá cổ của tổ Thủy Nguyệt và tổ Tông Diễn để đưa về thờ cúng. Quá trình khai thông hang đã phát hiện một kho xương hóa thạch khổng lồ.
Đúng như di nguyện của sư trụ trì Thích Vô Vi, nhóm thợ do chùa thuê về đã khai thông động Thánh Hóa và tìm thấy những pho tượng đá rất cổ. Trong quá trình đào đá tìm tượng, nhóm thợ phát hiện rất nhiều xương hóa thạch, chủ yếu là răng và xương hộp sọ của người.
Càng đào sâu vào trong lòng hang, thì mật độ xương hóa thạch càng dày đặc. Sư thầy Mơ đã chỉ đạo cho nhóm thợ cố gắng để lấy những bộ xương nguyên vẹn, nhưng những bộ xương này nằm sâu trong núi đá, lại rất cứng nên không tài nào lấy ra được.
Trước đây, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương vốn là một căn cứ địa kháng chiến và nhiều khả năng động Thánh Hóa là một trong những căn cứ địa của quân đội ta.
Với phán đoán đó, sư thầy Mơ đã chỉ đạo cho nhóm thợ tìm mọi cách để lấy những bộ xương đó ra nguyên vẹn, gom lại để làm lễ thờ cúng ngay tại chùa.
Do thời gian nằm trong hang động đã lâu, các bộ xương bị nhũ đá bao bọc nên cứng hơn sắt thép. Nhóm thợ không tài nào lấy được những bộ xương ra nguyên vẹn bằng phương pháp thông thường. Nên họ đành phải dùng thuốc nổ để lấy xương ra. Thậm chí, khi đã sử dụng thuốc nổ, những lớp nhũ thạch cũng chỉ bị bong ra từng khối nhỏ. Sau đó vài ba thợ dùng búa, đục đập vỡ những khối đá ra để gom xương.
Sư thầy Thích Diệu Mơ cho rằng, rất có thể đây là hài cốt của bộ đội. Sau khi gom xương thầy đã làm lễ cầu siêu cho hương hồn của những người đã mất được siêu thoát. Bên cạnh xương người, nhóm thợ khai thông động Thánh Hóa còn phát hiện ra rất nhiều mẫu xương của một số loài động vật như tê giác, voi... Đặc biệt là xương hóa thạch của loài Pongo có nhiều đặc điểm rất giống người.
Sau đó, đại diện của chùa Nhẫm Dương đã báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương cùng lãnh đạo bảo tàng tỉnh Hải Dương để về nghiên cứu. Đầu năm 2000, một đoàn khảo cổ do Giáo sư, Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Lân Cường phối hợp cùng cán bộ bảo tàng tỉnh Hải Dương và chính quyền sở tại về động Thánh Hóa khảo sát và nghiên cứu.
Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa chùa Nhẫm Dương đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2003 và trở thành một địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Theo Xuân Thắng
Pháp luật Xã hội
[links()]