Theo quan điểm Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được.
Theo quan điểm Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra.
|
Ảnh minh họa. |
Trong Kinh Di Giáo, Ðức Phật có dạy: "Không nên quan tâm chuyện thế gian. Không nên loan truyền các tin đồn".
Bởi vì các chuyện thế gian thường là những chuyện thị phi, phải quấy, đúng sai, tranh chấp hơn thua, còn các loại tin đồn thường là vô căn cứ, không xác thực, khó kiểm chứng được, chỉ làm hại thanh danh người khác, tất cả đều làm cho tâm trí chính mình bất an, xao động chẳng ích lợi gì.
Ở thời đại này, nhờ công nghệ thông tin, mạng xã hội mà con người rất dễ tạo phúc nhưng cũng dễ dàng gây nghiệp.
Một bài viết, một chia sẻ có hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người đọc mà có ý tứ, thâm thúy, có đạo đức, khiến người đọc xúc động, biết cân nhắc tội phước trong cuộc sống, biết sửa mình, bớt nói nặng người khác, bớt tham lam giành giật thì mình được phước rất nhiều.
Đời sống của người viết tự nhiên cứ gặp may mắn. Đây là điều rất lạ và cơ hội này mở ra đồng đều cho tất cả mọi người, không hạn chế với ai cả.
Tuy nhiên, với những bài viết mang tính chỉ trích nặng nề, kích động, nói xấu khiến người khác nổi tâm sân hận, xao động, thù ghét… thì người viết cũng phải chịu quả báo khá nặng nề.
Không nên lan truyền các tin đồn vì tất cả chỉ làm cho tâm trí chính mình bất an, xao động chẳng ích lợi gì.
Theo Thượng tọa Thích Trí Huệ, đối với lỗi lầm của người khác, chúng ta phải làm như người mù, không thấy gì cả, không biết gì cả, để khỏi bực mình, để khỏi bận tâm. Đối với lời chỉ trích người khác, chúng ta phải làm như người điếc, không nghe, không tin, không rao truyền. Đối với chuyện nói xấu người khác, chúng ta phải làm như người câm, không tham dự, không bàn cãi, không thêm bớt. Không ai có thể ngăn được những lời buộc tội, những lời tường thuật hay đồn đại sai lầm do những người cố ý hay ác ý tạo nên.
Tương truyền vào thời Hy Lạp Cổ đại, một bữa nọ có người tới gặp nhà hiền triết vĩ đại Socrates và bảo: “Ngài có biết tôi mới nghe được một câu chuyện xấu về người bạn của ngài không?”.
Sau một thoáng trầm ngâm, Socrates từ tốn đáp: “Trước khi nghe ngài kể, tôi muốn ngài dành một chút thời gian để lọc lựa những gì ngài định nói. Tôi gọi đó là phép thử lọc 3 lớp.
Lớp thứ 1 lọc tìm Sự thật – Ngài có tin tuởng tuyệt đối rằng những điều mà ngài định kể cho tôi nghe là sự thật?
“Không, thực ra tôi chỉ nghe người ta kể lại thôi và…”.
“Rõ rồi, chính vì thế ngài không biết những điều ngài định nói có phải là sự thật hay không”. Socrates nói.
“Nào, bây giờ chúng ta qua lớp lọc thứ 2 được dùng để tìm ra Thiện Ý. Ngài có khẳng định rằng ngài hoàn toàn xuất phát từ thiện ý không, khi định kể cho tôi nghe những chuyện xấu của bạn tôi?”, Socrates hỏi.
“Không, ngược lại…” Vị khách của Socrates trả lời.
“Thế nên những chuyện xấu của bạn tôi có thật hay không vẫn là một câu hỏi”.
“Xin ngài chớ vội buồn” - Socrates nói, “có thể ngài sẽ qua lớp lọc còn lại”.
“Xin ngài cho tôi biết: Chuyện mà ngài sắp kể đấy, Có ích cho tôi hay không?”. Người kia đáp: “Không”.
Socrates nhìn vào mắt của vị khách và nói: “Nếu câu chuyện ngài định kể cho tôi nghe chưa chắc đã là sự thật và cũng không xuất phát từ thiện ý và chẳng có ích gì cho tôi, thì ngài định kể để làm gì? Và liệu tôi sẽ nghe và tin chăng?"
Khi đứng trước một sự vật sự việc do người khác kể, đừng vội tin nó, mà hãy dùng phép thử lọc 3 lớp để tìm ra chân lý.
Hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng nên vì một ai đó đã gây ra lỗi lầm trong quá khứ mà dùng lời lẽ nặng nề để hành hạ họ, như Oscar Wilde đã từng nói: Every saint has a past, every sinner has a future (Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai).
Mời quý độc giả xem video Về Thiền sư Thích Nhất Hạnh (nguồn BCC ):
Theo VnTinnhanh