Lại bàn chuyện...cuồng tín

Google News

Phải nói rằng, chưa bao giờ “lực lượng” mê tín lại hùng hậu như bây giờ, gồm già trẻ, gái, trai, dân trí thấp đến dân trí cao…

Mà nói như Gs.Ngô Đức Thịnh, không phải là mê tín mà là cuồng tín mới chính xác. Hình như trong tôn giáo, phải có chút “mê” mới đúng chữ “tín”. Họ cuồng tín đến độ: quên cả “lối về”, biến chính đạo thành tà đạo…
Minh chứng rõ ràng nhất cho việc cuồng tín của phần lớn người dân trong xã hội hiện nay ấy là bói toán, lên đồng cốt trở thành… một nghề ăn khách, đặc biệt ở các thành phố lớn. Dẫu ở các tỉnh xa xôi, hẻo lánh nào, nếu có “giác quan thứ 6” là lập tức những người có khả năng hiếm có này tìm đường tìm nẻo về thành phố “lập kế sinh nhai” bằng nghề bói toán. Như bà H ở Hoàng Hoa Thám, chưa đến 45 tuổi, ở tận Quảng Ngãi ra Hà Nội hành nghề mà nay đã trở thành “tên tuổi” không thể thiếu trong giới những người… đoán vận hạn. Lúc đầu, chỉ là thử ra Hà Nội xem có trụ lại được ở đất Hà thành không, vài tuần bà lại ra Hà Nội một lần để “xem” cho những khách đã “đặt lịch”. Sau thấy lịch ngày càng dày lên, đến nỗi bà phải “làm việc” từ sáng sớm đến đêm, hơn cả người đi làm hành chính thế là bà ở lại luôn Hà Nội và biến Hà Nội thành nhà, Quảng Ngãi chỉ là nơi ở tạm. Tất nhiên, để ở lại Hà Nội, bà không thể thuê như trước đây mà bà mua một căn hộ để ổn định. Và điều đáng nói là tất cả số tiền chuẩn bị cho cuộc sống ổn định này đều “xuất xứ” từ nghề bói toán của bà. Chưa nói đến căn biệt thự của bà ở Quảng Ngãi được xây dựng cũng từ số tiền này mà ra.
Ảnh minh họa. 
Lịch “làm việc” của bà: bắt đầu từ 8 giờ sáng cho đến khi bà thấy mệt, không thể “nói” nữa mới thôi, cuối tuần không nghỉ, thậm chí ai mời đến tận nhà để xem cho kỹ, bà cũng đến, chẳng quản ngại đường sá xa xôi. Người viết đã từng chứng kiến, hôm nào ít bà cũng phải xem cho khoảng chục khách, hôm nào nhiều thì “cháy” lịch, phải gạt sang hôm khác. Và lượng người đến xem bói của bà lúc nào cũng vậy, đều… như vắt chanh, làm cho thu nhập của bà cũng vì thế mà dư giả vì trung bình 200 nghìn đồng/người. Cũng cần phải nói thêm đấy là tự họ đặt tiền chứ bà không yêu cầu. Và bà kể, có những người một tuần đến xem của bà 3-4 lần liên tiếp do “nhà có chuyện”.
Một chuyện nữa minh chứng cho việc cuồng tín của người dân hiện nay ấy là đốt vàng mã. Theo số liệu thống kê, mỗi năm tiền mua vàng mã người dân Hà Nội lên đến 400 tỉ đồng. Còn trên toàn quốc chắc phải tính đến đơn vị cân đong khoảng 50 nghìn tấn tiền vàng mã dựa trên quan niệm “trần sao âm vậy” hay “tốt lễ dễ kêu”. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho rằng, đây là hành động “buôn thần bán thánh”, “phỉ báng thánh thần” của người dân hiện nay và điều đó cho thấy sự cuồng tín đã đến mức không thể nào kể xiết.
Vì sao người ta lại cuồng tín đến vậy?
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, con người là sản phẩm của xã hội, mọi suy nghĩ, hành động của con người đều phản ánh xã hội mà họ đang sống ra sao. Cho nên việc cuồng tín của người dân phần nào thể hiện niềm tin trong xã hội đang mất dần đi. Mà ở đây là niềm tin giữa con người với con người, niềm tin của con người với mọi vận động để hình thành và duy trì xã hội, niềm tin cả ngay đối với bản thân và đây chính là sự mất mát niềm tin quan trọng nhất, tác động tới mọi hành vi, suy nghĩ của họ. Điều này làm cho họ lúng túng, không biết bấu víu vào đâu. Trong hoàn cảnh này, họ nghĩ đến tôn giáo, cụ thể là “thánh thần” và “thánh thần” đã trở thành cứu cánh cho họ bởi họ nghĩ rằng, chính “quyền lực siêu nhiên” ấy có thể giải quyết tất cả những vướng mắc của họ. Sở dĩ họ tin tưởng một cách mù quáng như vậy là bởi “thần thánh” hay những gì liên quan đến tâm linh, không thể nhìn, chạm vào được như “người trần mắt thịt” mà chỉ mơ hồ, huyền ảo… Và càng mơ hồ, huyền ảo, người cuồng tín càng tin… Càng tin thì lại càng… cuồng tín! Trong khi “thánh thần” thực ra theo đúng quan niệm tâm linh chính thống “là công cụ tinh thần cao cả, là điển hình của chân - thiện - mỹ để con người hướng tới và vì con người mà tồn tại” chứ không phải quyền lực gì siêu nhiên cả.
Để “hồi phục” lại niềm tin cho con người cũng như giúp họ nhìn nhận lại quan niệm về tâm linh, “thần thánh”, loại bỏ chuyện cuồng tín ra khỏi đời sống, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: Cần phải có thời gian, cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là của ngành văn hóa, giáo dục… để tuyên truyền, xây dựng những chương trình văn hóa sâu, rộng bổ ích. Đặc biệt, các ứng xử trong xã hội phải thay đổi theo chiều hướng tích cực, mang tính xây dựng cao để từ đó mang lại cho người dân niềm tin về cuộc sống, về giá trị tinh thần để từ đó khuyến khích họ chỉ làm những gì “tốt đời đẹp đạo”.
Theo Phật giáo Việt Nam