Lấy phước trời mà đong

Google News

Chủ nhật tuần trước, tôi có dịp đến thăm gia đình một cậu học trò cũ sau mấy lần lỗi hẹn.

Vợ chồng cậu đón tôi vui vẻ, bởi sau bao nhiêu năm thăng trầm, còn gặp lại nhau.
Lúc chưa vào nhà, tôi đã nhìn thấy tấm bảng Hiệu cầm đồ Minh Phát, nên sau khi thăm hỏi về sinh hoạt gia đình, các con cháu - tôi hỏi: Em làm chủ hiệu Minh Phát? Cậu tâm sự: Đứa con trai giữa của em. Cháu bao nhiêu tuổi rồi vậy? Cậu trả lời: Thưa, hai mươi lăm.
Tôi cảm thấy có điều gì “chưa ổn” trong công việc làm rất phức tạp của một cậu chủ quá trẻ tuổi, nên thoáng cười, hỏi: Sao không cho cháu học tiếp? Cậu cho biết: Cháu thi đại học hai lần hỏng, bảo vào học cao đẳng, không chịu. Kêu đi học nghề chuyên môn, cũng không trả lời. Nó năn nỉ vợ chồng em cho vốn, để mở hiệu cầm đồ này đã hai năm.
 Ảnh minh họa.
Tôi hớp một ngụm trà, góp ý: Nghề nào cũng quý cả, cầm đồ cũng là một công việc giúp người trong cảnh ngặt nghèo, nhưng với tuổi của cháu, thầy nghĩ không thể tránh khỏi những sai sót, những va chạm rất phiền vì thiếu kinh nghiệm (và tính nóng nảy háo thắng - như em nói) sẽ ảnh hưởng không tốt không những chỉ ở hiện tại, mà còn ở cả tương lai lâu dài của gia đình cháu.
Cậu học trò giọng buồn buồn: Dạy nó không chịu nghe, đành “lấy phước trời mà đong” thôi thầy ạ! Cô vợ lo lắng: Cũng phải nhắm mắt lấy phước trời….
Tôi đã từng nghe nhiều lần, nhiều người đủ mọi lứa tuổi và trình độ, nói câu “lấy phước trời mà đong” khi đang ở vào tình trạng khó khăn, nan giải - và đã cảm thấy thất vọng. Nhưng với cậu học trò cũ, tôi không thể “nhắm mắt” mà nghe rồi bỏ qua được. Tôi đã kể lại câu chuyện gia đình của một người bạn đồng hương cho hai vợ chồng cậu ấy nghe: “Từ nhiều chục năm nay, vợ chồng và cả con cháu của người bạn đồng hương ấy đều kiên nhẫn mỗi ngày bỏ vào hộp một ngàn, đến vài ngàn bạc lẻ. Con nhỏ còn sống chung ngày nào có thì bỏ vào, ngày nào không thì thôi. Các con lớn, có gia đình riêng, đều có chiếc hộp như vậy, luôn nhớ bỏ tiền vào hộp mỗi sáng! Khi nhìn thấy hộp tiền đã gần đầy (hay có việc cần làm ngay như giúp cho người nghèo khó đau bệnh, kẻ hành khất già nua…) thì mở hộp lấy hết số tiền, hoan hỷ trao cho người! Nếu không gặp trường hợp cần gấp thì vào dịp rằm mua cá, cua, ếch, chim đem phóng sinh”.
Tôi cười, nói: Hai em thấy đó, việc làm nhỏ nhặt vậy thôi, nhưng là cách tốt nhất để gom góp phước đức cho mình và con cháu, đời này và đời sau. Sự bố thí và thực hành việc thiện để nuôi dưỡng tâm từ bi, giúp mình sống an vui, không đòi hỏi gì nhiều đâu, mà chỉ cần có tấm lòng thành. Đức Phật đã từng khuyến dạy: “Nếu đã làm việc lành, hãy nên tiếp làm mãi, nên vui làm việc lành, hễ chứa lành nhất định thọ lạc”(Kinh Pháp cú, kệ118).
Nhìn thấy vợ chồng cậu học trò có vẻ đăm chiêu, tôi lại cười: Giống như người nông dân, muốn thu hoạch tốt thì phải bỏ nhiều công chăm sóc ruộng vườn, cây cối. Cũng vậy, phước đức không tự nhiên có “ở trên trời” để đến đó mà tự do “đong” về thoải mái! Phước đức (giống như lúa, khoai, bắp, cây trái…) của ai trồng, người ấy gặt hái.
Cậu học trò áy náy hỏi: Thưa thầy, nhưng em vẫn thấy lắm người không gieo trồng phước đức gì cả, mà sao họ lại giàu sang quá cỡ vậy? Tôi trả lời: Sự giàu sang mà em và nhiều người nhìn thấy được có thể hiểu: Một là do “vốn liếng” họ đã tích cóp có từ nhiều kiếp - nay họ được thừa hưởng. Hai là “không có vốn liếng” gì nhưng đã làm điều ác, để thu góp của người làm của riêng mình. Hạng người thứ nhất, nếu phung phí, bạt mạng tiêu xài (mà không tiếp tục “gầy vốn thêm”) thì sẽ có ngày “hết vốn” - trắng tay, nghèo đói, khổ sở! Hạng thứ hai, lấy “vốn” của người làm “vốn” của mình - thì chắc chắn sẽ không lâu bền, vì giữ “vốn” ấy như giữ tai họa. Người vào nhà người khác để khiêng bao lúa, hay thúng khoai có thể “lọt” qua được mắt người khác, qua lưới pháp luật; nhưng người (bằng mọi cách) ngang nhiên “trộm” phước đức người khác, không tránh khỏi “mắt trời” và lưới nghiệp quả bao trùm bốn phương tám hướng đâu!
Đôi mắt người học trò chợt sáng lên: Em còn nhớ lời thầy giảng năm xưa. Ông trời không thể có quyền năng ban ân hay giáng họa cho ai cả - ân hay họa là do chính ta tạo ra, ta phải nhận lấy; không có ông bà cha mẹ nào có thể nhận thay cho ta cả! Tôi cười: Đã bao năm rồi mà em vẫn còn nhớ, thật quý hóa!
Thoáng nhìn đồng hồ thấy đã gần trưa, tôi đứng dậy bắt tay cậu học trò cũ chúc phúc và tạ từ. Cảm nhận được sự chuyển hóa trong nhận thức người học trò, lòng tôi thấy lâng lâng.
Theo Mang Viên Long/Giác Ngộ

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Yến Hải -

Muốn trời đong được phước cho mình thì trước hết hãy làm nhiều công đức vào chứ ko lại đòi trời đong thì lấy gì mà đong.

Chí Vinh -

Muốn có được phước của trời thì phát tâm hành thiện chứ ko phải chỉ ăn chay niệm phật rồi còn tích tụ qua đời chứ đâu phải hưởng lộc ngay. Mọi người hãy làm việc thiện trước khi nghĩ để đong được phước.

Minh Châu -

Các cụ ngày xưa còn có câu "Phúc đức tại mẫu" nó cũng gần nghĩa với bài viết này. Cha mẹ ăn ở để đức lại cho con cháu.

Minh Xuân -

Tôi tin ăn ở hiền lành sẽ để phước cho con cháu.

Thính giảng -

Phước đức không phải nhận ngay tức khắc mà có khi mười năm, hai mươi năm hay 100 năm sau mới nhận được.

Hiển thị thêm bình luận