Hãy buông bỏ những lý luận về được mất, tốt xấu, hơn thua, phải trái, ngồi yên tĩnh lặng, để cái bản tâm nó tự suy xét, trong cái KHÔNG Bát nhã ta sẽ nhận ra cái trực giác của chính mình.
"Tư duy trực giác là món quà tặng thiêng liêng. Tư duy lý luận là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đang xây dựng một xã hội vinh danh tên đầy tớ mà bỏ quên món quà tặng thiêng liêng."
"The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honors the servant and has forgotten the gift."
Albert Einstein
Không biết tự khi nào, từ khi có loài người cho đến nay, con người luôn đi tìm kiếm một câu hỏi: Ta là ai, ta từ đâu đến, ta là gì trên thế giới này....Cho đến xã hội hiện đại ngày nay, có hàng trăm ngàn môn khoa học và học thuyết nghiên cứu về con người và xã hội, nhưng chưa thể tìm hiểu hết về bản thân con người, về mối quan hệ giữa con người và thế giới, người ta vẫn loay hoay tìm hiểu, tư duy về chính mình.
Ở đây, trong một bài viết hạn hẹp, tôi xin được phép luận bàn đôi chút cách nhìn nhận về tư duy con người của
Albert Einstein, một nhà khoa học lỗi lạc của thế giới, những công trình khoa học và học thuyết của ông vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Về góc độ tư duy theo quan niệm của ông nó gần như tương đồng với quan điểm của Phật giáo về "trí vô sư".
Nói đến tư duy, ông có câu nói nổi tiếng: "Tư duy trực giác là món quà tặng thiêng liêng. Tư duy lý luận là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đang xây dựng một xã hội vinh danh tên đầy tớ mà bỏ quên món quà tặng ."
Trước hết ta tìm hiểu về khái niệm tư duy; trực giác; lý luận:
- Tư duy là một phạm trù triết học dùng để chỉ những hoạt động của tinh thần, đem lại những cảm giác của người ta sửa đổi và cải tạo thế giới, làm cho người ta có nhận thức đúng đắn về sự vật, hiện tượng và ứng xử tích cực với nó.
- Trực giác - hay còn gọi là "giác quan thứ sáu" cho phép ta thấy được những gì mà năm giác quan (Mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý) không thể thấy được cụ thể như linh cảm, cảm nhận, tưởng tượng....hay tất cả những gì thuộc về thế giới vô hình mà năm giác quan còn lại chỉ thấy được ở thế giới hữu hình, tức là những gì đang tồn tại.
- Lý luận: Là tổng kết có hệ thống những kinh nghiệm của loài người, phát sinh từ thực tiễn cảm nhận, để chi phối và cải biến thực tiễn.
Nói đơn giản, tư duy trực giác là cái nhìn nhận, nhận biết sự thật của một sự vật, hiện tượng, thấu triệt vào tận bản thể của chúng, không vọng tưởng, đuổi theo những suy luận bên ngoài, gạt bỏ những suy đoán bên ngoài để tìm ra cái cốt lõi, cái bản chất của sự vật hay hiện tượng, từ đó mới tìm ra qui luật và có cách ứng xử đúng với chúng.
Trên thế giới hầu hết các nhà khoa học lỗi lạc đều từ sự đốn ngộ về một sự vật, hiện tượng nào đó, rồi tổng kết cái trực giác, nghiên cứu và đưa ra lý luận.
Albert Einstein là một nhà có tư duy trực giác thật sự . Nhà vật lý thiên tài này không thiên về lời nói (“Tôi ít khi tư duy bằng các từ”). Theo cách giải thích của Arthur Miller nhà viết sử các khoa học thì “óc hình tượng thị giác đóng vai trò trung tâm trong tư duy sáng tạo của ông ta”. Lúc 16 tuổi ông bất thần có một phát hiện khởi đầu cho lý thuyết tương đối của mình: ông tưởng tượng mình đang cưỡi trên một điểm của sóng ánh sáng.
Isaac Newton (1642 - 1727) - nhà vật lý, toán học nước Anh, người được thế giới tôn là "người sáng lập ra vật lý học cổ điển", một lần ngồi yên lặng dưới gốc cây, nhìn thấy quả táo rụng trên cây xuống, ông chợt bừng tỉnh nhận ra nguyên nhân của sự rơi của các vật và sức hút của trái đất.
Một ví dụ nữa là về nhà vật lý học Ácsimét.Một hôm vua sai ông kiểm tra coi chiếc vương miện mình đang đội bằng vàng thật hay vàng giả. Ácsimét băn khoăn lo nghĩ không biết xoay xở ra làm sao. Vào một buổi sáng, để thư thả đầu óc, ông vào bồn tắm ngâm mình. Một ý nghĩa lóe lên trong đầu ông khi ông thấy nước trào ra ngoài lúc ông đang ngâm mình. Ông vui mừng chạy thẳng ra đường mà quên mặc quần áo, kêu to câu Hy Lạp: "εὕρηκα!" (đọc là "Ơ-rê-ca!", nghĩa là "Tìm thấy rồi!"). Ông đã nhận ra việc mình bị nâng lên trong nước đòi hỏi sự choán thể tích của cơ thể trong nước, từ đó ngành vật lý học có thêm định luật Acsimet hay lực đẩy Acsimet.
Carl Gauss, nhà toán học lỗi lạc người Đức thế kỷ XX cũng thuật lại: “Như trong một ánh chớp bất thần, điều bí ẩn đã được giải mã. Tôi không thể tự mình hiểu được bản chất của sợi dây dẫn nối điều tôi đã biết, với điều khiến tôi thành công”.
Nhà di truyền học người Mỹ Barbara Mc Clintok, giải Nobel y học năm 1983 về các công trình nghiên cứu về ngô, đã dựa vào một dạng trực giác đầy nữ tính tuy hơi kỳ lạ. Bà mô tả tha giác (năng lực trực giác nhập vào địa vị kẻ khác và cảm nhận được điều cảm nhận của họ. ) của mình đối với các tế bào ngô mà bà đã hiểu được cách hoạt động của nó theo nghĩa sâu kín nhất của thuật ngữ này, như sau: “Khi tôi quan sát một tế bào, tôi thâm nhập vào bên trong và nhìn xung quanh mình”.
Trong quá trình lịch sử, có rất nhiều những phát hiện thiên tài đột xuất. Phải công nhận hiển nhiên rằng trực giác đóng vai trò then chốt trong quá trình hình thành các phát minh khoa học. Chính bản thân các thiên tài là những người đầu tiên công nhận điều này. Trong một cuộc điều tra tiến hành với 83 đối tượng đạt giải Nobel về khoa học và y học, thì 72 người đã nêu trực giác là một yếu tố thành công của họ.
Sự đốn ngộ, hay tư duy trực giác của các nhà khoa học thường rơi vào những giai đoạn tĩnh lặng hoặc chợt giật mình tỉnh giác, phần lớn không dựa chính vào các tư duy lý luận sẵn có, vì vậy mà Albert Einstein mới cho rằng"Tư duy trực giác là món quà tặng thiêng liêng".
Trong Phật giáo, Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi ngồi dưới gốc cây Bồ đề 49 ngày đêm đã tự đốn ngộ, ngài biết hết rõ mọi sự, biết mình, biết vũ trụ, biết nhân sinh quan về luân hồi sinh tử sau đó ngài mới đi thuyết pháp.
Pháp tu thiền của Phật giáo cũng sử dụng cách trên, sau khi học thiền, hành giả phải buông bỏ những thứ ngoại vọng, sáu căn (Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) không tiếp xúc với sáu trần (Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), từ đó, hành giả tu tập sẽ có cơ hội đốn ngộ, thấy cái "Chân tâm" hiện tiền, biết rõ thân mình là gì, tâm mình là gì. Khi cái bản tâm nhất như rồi, thì cái tâm tự biết, hằng biết mọi sự, biết được mình là ai, mình từ đâu mà ra, mình đi về đâu...khi đó thấy mọi thứ xung quanh biết được cái thật giả, không lẫn lộn (trong Phật giáo gọi là trí vô sư, người tu đạt đến trí vô sư thì tự biết hết mọi sự)..... Có lần tôi nói với bạn bè: Các vị thiền sư không nghe bằng tai, không nhìn bằng mắt, không ngửi bằng mũi, chúng bạn cười: Thế bị điếc, bị mù...à? Tôi cười bảo: Tự biết thôi.
Tôi đã có dịp nghỉ phép, xin tu tập trên thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, ngày trước, tôi có đọc được một chút về lý luận cái sự có không trong nhà Phật, tôi tinh tướng lắm, muốn gặp thầy cao thủ để kiểm nghiệm và để có đôi chút khoe khoang, dù sao thì tôi cũng được đào tạo cao cấp về lý luận tại Học viện Chính trị Quốc gia, cái qui luật vận động nào tôi chả nắm vững.
Một lần, tôi gặp thầy trụ trì Thích Kiến Nguyệt và thầy Thông Văn ở phòng khách nói chuyện và giới thiệu về mình, các thầy rất ít nói, thầy động viên: Con ở đây tranh thủ mà nghiên cứu, có tâm đến thì học Phật pháp, đừng lăng xăng việc này việc nọ rồi phí công, thầy tặng tôi vài quyển sách, tôi lẳng lặng cầm về liêu phòng, đến tìm thầy mà chẳng ba hoa khoe khoang được gì thì cũng chán, tôi đi qua hành lang nhà Tổ, chợt thấy ông thầy Thông Văn cười hóm hỉnh nói chất giọng miền Nam: "Tôi nói thật với anh, cái lý luận của anh là cái đồ.... "cà thọt!!! ". Tôi đi một mạch về liêu phòng nằm dài quyết tâm nghiên cứu xem có cái gì hay mà thầy chê mình "Cà thọt ", tức thật!.
Mấy ngày tôi đọc hoài chẳng nhận ra cái gì, nó lộn xộn, thuật ngữ nhà Phật thì toàn có bổn, có tánh, nào là sinh diệt, sắc không, không sắc cứ rối mù cả lên, thú thực tôi cay cú đọc sách mà phát sốt, quên cả ăn, ngủ, người tôi đau ê ẩm, ngày hai khóa ngồi thiền, ăn rình cơm Phật xong về đọc sách, một ngày, chán chê mê mỏi, đành buông mọi sự nằm dài ngủ, dậy lại ngồi nhìn qua mấy ngọn núi xa xa, thế rồi, một buổi sáng thức dậy, thấy tinh thần sảng khoái, vệ sinh cá nhân xong, tôi vác cái chổi cọ to tướng vừa đi vừa quét từ trên liêu phòng xuống nhà Tổ, tôi dự tính quét đến đó xong thì xuống tiểu thực ở trai đường, quét được khoảng 15 mét, tôi chợt giật bắn mình, thân tôi, đầu óc tôi nó nhẹ lâng lâng như bông, tôi nhận ra cái lý tánh không, thì ra cái chấp có và chấp không của tôi nó đã làm hỏng mọi chuyện, làm tôi luẩn quẩn mấy ngày nay, tôi quát to với chính mình: Mày đúng là đồ "cà thọt".
Bất chợt nhìn thấy thầy Thông Văn đội nón lá bưng cái bình bát, thầy cười nhăn nheo mắt, hóm hỉnh: Biết "Cà thọt" tiếng miền Nam là gì không? thầy đi rồi tôi đứng ngẩn ngơ: Đúng là cà thọt rồi! Đứng đó một hồi lâu, chợt nhận ra mình lỡ buổi tiểu thực dưới trai đường, không biết thầy Thông Văn trong lúc tiểu thực còn có nghĩ tôi là đồ "Cà thọt" nữa không. Sau đợt đó, tôi về Lào Cai và thầy cũng nói là về trong miền Tây quê thầy, may mà xa cách tôi không có duyên được làm đệ tử của thầy, chứ không thì điều chắc ăn thầy sẽ đặt pháp danh tôi là "Cà thọt"!.
Ngày qua ngày, tôi quay về nương theo các thầy ở thiền viện Trúc Lâm Đại Giác Sa Pa, vì trước kia, tôi đã được các thầy gieo duyên và nguyện nương theo các thầy, về đó tôi được các thầy ân cần trợ duyên, dần dà, cái trí Bát nhã của tôi tuy chưa cao sâu nhưng cũng đã sơ sơ hiện tiền, tôi tập dần buông bỏ các vọng niệm, tôi sống có nghị lực hơn, có mục đích hơn, nhìn mọi việc trên đời rõ ràng chứ không lẫn lộn.
Tôi hiểu rằng muốn có được món quà vô giá thì phải bỏ những món quà lặt vặt xung quanh đi, tay còn ôm mang đủ thứ lặt vặt trên đời này thì còn tay nào mà cầm lấy món quà vô giá kia chứ ! Muốn nghe thấy, ngửi thấy, sờ thấy, nhìn thấy, cảm nhận thấy cái "Chân tâm" thì phải bỏ bớt nghe, ngửi, sờ, cảm nhận... cái trần thế đi, buông bỏ pháp thế gian thì trực diện thấy bản tâm thôi chứ cứ phải nhọc công đi tìm cầu Phật ở đâu, tìm cái tâm mình ở đâu thấy trong cái mớ hỗn độn trần thế này chứ. Tôi chợt nhớ tới câu nói của Albert Einstein: "Tư duy trực giác là món quà tặng thiêng liêng. Tư duy lý luận là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đang xây dựng một xã hội vinh danh tên đầy tớ mà bỏ quên món quà tặng thiêng liêng."
Bàn luận đến vấn đề thứ hai, tại sao Albert Einstein lại nói: Tư duy lý luận là tên đầy tớ trung thành. Trên thế gian này, mỗi lý luận ra đời thì sẽ phủ nhận lý luận kia, đó là qui luật phủ định của phủ định, cái lý luận mới bao giờ cũng bị cái cũ nó cản phá, người ta không chịu nhìn nhận cái bản thể mà luôn tranh giành đúng sai, chẳng thế mà nhà thiên văn học Cô péc nic suýt bị cho lên giàn hỏa thiêu vì dám đưa ra lý luận trái với thiên chúa giáo thời bấy giờ rằng quả đất hình tròn quay quanh mặt trời trong khi người ta lý luận rằng mặt đất phẳng do chúa tạo ra.
Ngài Charles darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa phải chạy tứ xứ lo bị giết vì cho rằng loài người tiến hóa từ loài khỉ, trong khi người ta nói do chúa sáng tạo ra...Vừa rồi tôi có đọc một giả định của một học giả, người ta còn giả định rằng loài người là một thử nghiệm của người ngoài hành tinh nữa cơ, thế gian cái đúng, cái sai cứ theo nhau mà đuổi bắt, nhọc công tìm đủ thứ mà ngay cái bản thân mình cũng chưa tìm ra nó ở đâu, nó là gì, nó đi về đâu ? mệt thật !
Ngay cuộc đời chúng ta thôi, cứ loay hoay xoay sở với các vọng cầu, người thì muốn đạt đến quyền lực, người muốn giàu sang, người muốn đạt trí tuệ cao siêu, nên người ta tìm tòi lý sự, cái vọng cầu làm cho con người ta mê mải đuổi theo nó, càng vọng cầu thì cái lý sự thế gian nó càng bám riết, nghe người này lý sự thế này cho là đúng, người kia lý sự thì phản biện là sai, thế rồi đúng sai lẫn lộn, lúc này thì nó đúng, lúc sau có cái mới thì nó sai, lúc này nó sai, thời gian sau nó lại đúng, thế thì cái nào đúng, cái nào sai?
Do cái tâm tham vọng cầu nên khởi tâm phân biệt, mình đuổi bắt nó, nó bám riết lấy mình như một tên đầy tớ trung thành, nó chăm bẵm, phục vụ mình làm cho cái vọng tưởng ngày càng lớn dần không dứt ra được. Lý luận nó thay đổi biến thiên theo từng thời gian, cái này phủ nhận cái kia, ngày nay nó hợp thời, ngày mai lỗi thời, một ngày nó lại quay về hợp thời, như vậy sao nói có phải trái, đúng sai?
Thời phong kiến thì đàn ông năm thê bảy thiếp, con đàn cháu đống là được trọng vọng, ngày nay nó là lạc hậu, một vợ một chống hai con mới là văn minh, biết đâu một ngày loài người sinh ít do thiếu lao động, dân số già hóa lại khuyến khích đẻ nhiều, giống như Tây Âu bây giờ vậy. Cả cái chuyện nghề nghiệp từng thời kỳ cũng vậy, tôi nhớ ngày xưa thời kỳ bao cấp không có ai đẹp giá bằng mấy cô cửa hàng thương nghiệp, ai mà làm thương nghiệp quốc doanh thì quí hơn hoàng hậu, ai chẳng mơ ước, có vợ mà làm cửa hàng lương thực thì ai cũng khen may mắn, ra đường mặt vênh vênh, còn bây giờ mấy cô ế ẩm chẳng ai muốn làm.
Ngay cái chuyện thường ngày nhất chẳng phải lý luận cao siêu là chuyện ăn mặc, ngày nọ cái mốt quần trên bó dưới loe được coi là đẳng cấp, thế rồi ngày nọ cái mốt quần côn thụng trên to dưới bé nó lấn át, chẳng ai thấy ống loe đẹp nữa, rồi một ngày ống đứng ra đời, ống loe và quần thụng chẳng đẹp, đến lượt ống đứng chiếm ngôi, tôi cá chắc rằng ngày nào đó mốt xưa lại quay lại, vậy cái nào là mốt thịnh, cái nào đẹp, xấu?
Thiết nghĩ cả cuộc đời con người ta loay hoay nghĩ về ăn, ngủ, nghỉ, vinh, nhục, tốt, xấu không bao giờ chịu dừng vọng khởi, người ta lý luận về cái sự đời, rồi kêu ca phàn nàn: Sao tôi khổ thế, đó là câu cửa miệng của hầu hết mọi người. Thế rồi họ đua tranh nhau đến đền, đến chùa cầu xin bớt khổ, người nghèo thì kêu xin bớt nghèo thành giàu, người giàu thì kêu bớt khổ vì vẫn chưa giàu nữa, rồi cầu làm quan, làm quan rồi thì cầu làm quan to hơn, rồi chuyện nhà cửa, con cái, chuyện khổ lụy vì tình... thôi thì đủ chuyện, càng cầu thì càng tăng trưởng vọng cầu, nó giống như con lừa, chưa chất đủ nặng thì nó thôi chưa đi.
Chúng ta đang sống, chạy đuổi theo những lý luận vọng cầu mà quên đi bản thể của mình, cái " Bản tâm " của ta từ xưa đến nay nó tự biết, hằng biết, chỉ khi nào chúng ta buông bỏ pháp thế gian thì chúng ta sẽ nhận ra chính mình. Đừng nhọc công bám đuổi cái lý sự đời, chúng ta chấp chướng quá nhiều vào những gì ta tiếp xúc, mà quên đi nó là hình tướng giả tạm, nay đúng mai sai, nay được mai mất, nay đẹp mai xấu, nay vui mai buồn, nay thương mai ghét, ...sinh ra tranh giành lý luận, vọng cuồng, sân hận, si mê.
Người hành giả tu hành cần phải tập cho mình sự tĩnh lặng cả về thân lẫn tâm, hãy tạo ra những khoảng trống thinh không trong cuộc đời để nhận biết cái sự thật, sự thật bề thân, về tâm, về lẽ vô thường. Tại sao ư? Về thân con người, theo khoa học thì trong con người luôn có những khoảng trống, khoảng trống lặng giữa các bộ phận, ngay trong tế bào cũng có những phân tử ô xy, chúng ta hàng ngày cố gắng chăm bẵm cơ thể, ăn thật nhiều, ngủ thật nhiều, uống đủ thứ béo bổ sao cho cái thân nó đầy đặn, mà không nghĩ rằng, cái việc ngồi hít thở tạo khoảng trống quan trọng hơn cả, các vị thử nghĩ xem, nhịn ăn, nhịn uống, nhịn ngủ vài ngày có thể chết không ? chắc là không chết, nhưng nếu nhịn thở vài phút xem, chết chắc ! vậy sao mà người ta lại quan trọng việc ăn, uống, ngủ, nghỉ, mà không coi trọng việc thở nhỉ.
Tâm ta cũng vậy thôi, vọng cầu đủ thứ, nhồi nhét chấp bám vào đủ lý sự, tranh giành hơn thua, phải trái, cả ngày cái thân, cái tâm cứ lăng xăng không yên, hết chuyện nọ, xọ chuyện kia, không lấy một phút ngơi nghỉ, rồi ngồi đó kêu ca sao khổ thế, cuộc sống sao không được yên ả, thân tâm chẳng được an lạc, vậy người ta sống để tìm hạnh phúc, làm mọi thứ để an lạc, vậy an lạc ở đâu? sao càng đuổi bắt thì sự an lạc chẳng thấy đâu?
Mua thêm cái sự khổ vào mình, chỉ khi nhắm mắt xuôi tay, người ta mới nhận ra trong giây lát, mình chẳng đem đến gì trên đời và chẳng đem gì đi theo, nhưng quá muộn rồi, tôi chưa chết nhưng tôi nghĩ người ta chết phần lớn sẽ tiếc và ước được quay lại kiếp sau, nếu còn nhớ những gì kiếp này thì họ sẽ biết mình phải buông bỏ tìm sự an lạc mà thôi.
Tôi có anh bạn, cứ gặp là anh ta kêu khổ, mặc dù anh ta quyền lực, giàu có hơn tôi rất nhiều, có lần anh ta bảo: Đời này làm gì cho bớt khổ đi nhỉ. Tôi cười: Đơn giản thôi, thì đừng khổ nữa! Ở đời ai làm mình khổ, có ai định nghĩa được chữ khổ không, người giàu rồi thì khổ là chưa giàu thêm, đủ có nghĩa là không bao giờ đủ, sao không nhìn xuống xem còn bao nhiêu người nghèo khổ hơn mình, không chắc người ta đã kêu khổ như mình kêu. Người có cha mẹ hẳn hoi thì kêu ca lý sự rằng mình thiếu tình cảm, không ai quan tâm, sao không so sánh với những người mồ côi, họ vẫn sống đấy thôi, biết đâu họ đủ nghị lực tìm thấy niềm vui, còn mình thì cô đơn, vì sao, vì mình không thấy đủ.
Hãy buông bỏ những lý luận về được mất, tốt xấu, hơn thua, phải trái, ngồi yên tĩnh lặng, để cái bản tâm nó tự suy xét, trong cái KHÔNG Bát nhã ta sẽ nhận ra cái trực giác của chính mình. Trực giác là cái " Bản tâm " không thêm không bớt, không sinh không diệt, chỉ vì chúng ta ham đuổi bắt vọng cầu, lý sự hơn thua phải trái nên giống như đám mây che mờ đi mà thôi. Khi dứt vọng tưởng không còn chấp chướng các pháp thế gian thì cái tâm nhất như nó hiện tiền, nó sáng như gương chiếu rọi, ta biết được chính mình, biết được bản thể của mọi sự vật, hiện tượng thế gian mà không phải đi tìm ở nơi đâu.
Cuộc sống ngày nay, chúng ta mải lý luận nhiều quá, quên đi sự nhìn nhận bằng trực giác, chỉ nhìn cái vọng cầu bên ngoài mà không thấy cái bên trong. Trí vô sư là món quà tặng thiêng liêng vô giá, vì sao mà Albert Einstein lại nói: Chúng ta đang vinh danh tên đầy tớ mà bỏ qua món quà tặng?
Hãy lắng nghe tâm mình, gạt bỏ vọng cầu, tìm lại món quà tặng. Cứ nói rằng Phật không ban tặng hay giáng họa cho ai, nhưng tôi nghĩ: Phật có ban tặng đấy chứ, nếu ta biết tìm cầu thì trí vô sư kia là món quà tặng của Phật đó, chẳng qua ta theo tên đầy tớ vọng cầu mà quên đi nó đang ở đâu mà thôi!
Chúc các hành giả tu tập tinh tấn!
Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
Cư sĩ Chân Ngọc
Theo Phật giáo Việt Nam