Sau năm l975, vợ anh bị nghỉ dạy, chị lo sợ nên càng đi chùa nhiều hơn, mặc dù thời đó sinh hoạt tâm linh còn là vấn đề nhạy cảm. Thời điểm đó đời sống còn nhiều khó khăn, ai nấy tất bật chạy theo cơm áo gạo tiền. Gia đình anh đông con đến ba gái hai trai đều đang tuổi đi học nên vợ chồng càng vất vả.
Học hết cấp hai, ba đứa giữa phải nghỉ học kiếm việc làm nuôi thân và đỡ đần cha mẹ, chỉ đứa đầu và đứa út còn tiếp tục học. Chị than van với bạn bè: "Ai cũng bảo Bồ-tát linh ứng cứu vớt kẻ khổ đau... Tôi cực khổ thế này mà cầu mãi Ngài không cứu cho qua cơn bĩ cực!".
|
Bồ-tát Quán Thế Âm.
|
Tôi thân với gia đình anh như người trong nhà nên thường động viên chị: "Sao không? Ai gặp bất trắc khổ đau cầu đến Bồ-tát, Ngài đều ra tay cứu độ, nhưng do hạn chế tai mắt mình không nghe không thấy đó thôi!". Động viên chị nhưng thật ra bản thân tôi cũng băn khoăn trước những gì hiểu được qua Phật pháp và thực tế. Chị nhìn tôi tỏ vẻ nghi ngờ: "Điều anh nói tôi nghe đã chán, mình có nhận được hay không mới là điều quan trọng, còn chỉ nghe nói...”.
Năm đó, đứa con gái đầu chị tốt nghiệp đại học ra trường nhưng chưa có việc làm. Cháu xin làm nhân viên bán hàng cho một cửa hàng bán đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch. Nhờ đó nhân duyên đưa đẩy cháu quen thân với người bạn trai nước ngoài. Và sau một thời gian bạn bè nhận được thiệp mời dự đám cưới con gái anh kết hôn với chàng rể Tây. Đám cưới được tổ chức tại khách sạn nhưng trước hôm diễn ra lễ chính thức, gia đình tổ chức buổi tiệc dành cho người thân và bà con hàng xóm. Tiệc tổ chức vào buổi chiều và đặc biệt là có sự tham dự của gia đình thông gia gồm ông bà sui, người chị chồng và chàng rể.
Buổi tiệc kết thúc tốt đẹp, đến giờ bà con lần lượt ra về, gia đình người bạn hân hoan đưa tiễn. Đến lượt gia đình thông gia đứng dậy xin cáo từ, bỗng sự việc đáng tiếc bất ngờ xảy ra làm náo động cả nhà khi bà sui phát hiện chiếc ví của bà không cánh mà bay. Gia đình người thông gia tỏ ra hốt hoảng vì tất cả giấy tờ nhập cảnh, vé máy bay khứ hồi và tiền bạc đều trong đó. Bà cho biết đã cẩn thận giữ chiếc ví đem theo kè kè bên mình, chỉ chốc lát vô ý để lại trên ghế khi bà đứng dậy chào khách ra về.
Vợ chồng con cái chủ nhà đều tái xanh mặt mày. Khách dự toàn người thân trong nhà, có ai xa lạ đâu. Bao nhiêu rắc rối phiền toái sẽ xảy ra, hôn lễ ngày mai liệu sẽ thế nào? Vợ chồng người bạn cuống cả lên không biết phải tính làm sao. Anh luống cuống như gà mắc tóc hết lên nhà trên rồi chạy xuống nhà bếp lục lọi không chừa xó xỉnh nào... vẫn chẳng thấy tăm dạng chiếc ví. Anh vo đầu bứt tóc, chị vợ nước mắt lưng tròng. Hai vợ chồng người sui gia và cậu con rể bồn chồn hết đứng lên lại ngồi xuống không yên. Họ ngơ ngác hết nhìn người này đến nhìn người khác. Để trấn an họ, người chủ nhà cứ lặp đi lặp lại: ‘Ông bà thông gia yên tâm thế nào cũng tìm ra, nó còn đây chứ không ở đâu xa’. Những người hiện diện ai cũng thương cảm hai vợ chồng bạn tôi vốn ăn hiền ở lành, nay lại gặp chuyện éo le.
Bỗng có người thúc chị vợ: “Sao Bồ-tát thờ trong nhà mà không biết cầu Ngài cứu giúp cho". Chị sực nhớ liền tức tốc vào nhà thắp mấy cây hương đứng trước bàn thờ cầu xin..., và chị đứng cầu nguyện mãi như thế. Trời tối dần, bỗng trước ngõ có người không rõ mặt mày nhìn vào nói lớn: "Hồi chiều, tôi thấy một cậu thanh niên chừng mười sáu mười bảy gì đó, từ chuồng heo theo ngõ tắt ra đường cái". Nghe thế, anh bạn tôi đập trán nói to: "Thôi nhớ ra rồi". Ai nấy ngạc nhiên không biết anh nhớ ra điều gì nhưng mọi người thở phào nhẹ nhõm tỏ vẻ vui mừng tưởng như chiếc ví đã tìm được.
Anh bảo con gái điện thoại nhờ người bạn có xe ô-tô dịch vụ lên gấp đi Đà Nẵng. Trong thời gian chờ xe, anh cho biết cậu nhỏ đi theo phụ việc người thợ quay phim là người đi tắt chuồng heo ra về. Đó chính là đầu mối tìm ra chiếc ví nên phải tức tốc ra Đà Nẵng tìm người thợ quay phim. Xe ô-tô đến, chủ nhà cùng con gái và chàng rể lên xe đi Đà Nẵng. Đến nơi hơn chín giờ thì tiệm đã đóng cửa, may mà người chủ còn ở lại nhưng cậu học trò đã ra về. Ai nấy thất vọng. Người tài xế nhanh trí bảo với người quay phim là cậu phụ việc cho anh đã lấy chiếc ví của người nước ngoài và đã trình báo công an. Tội cướp giật tài sản người nước ngoài bị xử nặng, nếu hắn thành khẩn nhận lỗi trả lại chiếc ví sẽ tránh được rắc rối mà còn khỏi liên lụy đến anh là chủ. Nghe thế, người thợ quay phim sợ bị liên lụy nên lên xe dẫn đi tìm nhà cậu học trò.
Vừa đến nhà, cậu ta mới từ đâu về thấy đông người liền bỏ chạy. Người tài xế đã nhanh chân đón bắt lại. Người thợ quay phim tìm cách khéo léo dỗ và dọa nên sau một lúc chối... cậu ta nói là đã nhặt được chiếc ví gần chuồng heo và lỡ tiêu ít tiền. Cậu ta xin vào nhà để lấy chiếc ví trả lại. Chàng rể kiểm lại còn đủ giấy tờ, chỉ thiếu một ít tiền Việt... Mọi người đều hết sức vui mừng, nhất là chủ nhà và đứa con gái sung sướng như cha mẹ chết đi sống lại. Hôm sau đám cưới tiến hành tốt đẹp, mọi việc hanh thông.
Một thời gian lâu tôi bận việc không đến nhà anh, bỗng nghe tin vợ anh bị tai nạn, tôi vội đến thăm và được chị cho biết: "Lúc hai ba giờ chiều, đường vắng, đứa con tôi đi làm sơ ý quên khóa cổng. Tôi đang lui hui làm việc sau bếp bỗng nghe tiếng động tôi vội chạy ra và thấy một thanh niên lạ đang từ ngõ bước vào. Tôi lên tiếng hỏi, anh ta vừa xăm xăm tiến vào vừa đáp: Lỡ đường khát nước vào xin miếng nước. Thấy bộ tịch có vẻ khả nghi, tôi một mực bảo không có nước nôi gì cả, nhà không có ai, xin ra cho! Anh ta đã không lui ra mà cứ lần khân tiến vào.
Rõ ràng có ý đồ! Nghĩ vậy, tôi vội bước xuống tam cấp định cản lại. Quá vội nên tôi bị hụt chân té lăn xuống sân. Tôi la lớn kêu cứu. Anh ta chạy một mạch ra ngõ. Thật giận muốn chết đi được, ước chi đứng lên được lấy cây phang cho hắn một trận. Thanh niên chi không lo làm ăn mà đi trộm cắp. Nhưng chân đau quá tôi không thể đứng lên được đành nằm yên và sực nhớ cầu nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Chờ đến chiều, con đi làm về mới chở tôi đi bệnh viện.
Bác sĩ cho biết bị trật khớp mắt cá, phải nẹp chỉnh khớp nhưng đầu bị va chạm sợ ảnh hưởng sọ não nên phải nằm viện vài ngày để theo dõi! Chị than thở: Cái chân tôi thế này còn đi lại làm ăn chi được. Bồ-tát, Ngài không thấu cho hay sao mà khổ thế này!".
Tôi tìm lời trấn an: "Chị té từ trên hiên xuống mà chỉ bị sái khuỷu chân là may rồi. Có người té nhẹ mà gãy chân phải bó bột bốn năm tháng, chưa kể có thể bị chấn thương sọ não nguy đến cả tính mạng!". "Ngày nào tôi cũng niệm Bồ-tát, không biết Ngài có thấu cho không mà hết rủi ro này đến chuyện rắc rối khác, tôi làm sao chịu nổi!". Chị than thở. Tôi hỏi lại: "Khi niệm danh hiệu Bồ-tát chị có nghĩ tưởng đến Ngài hay nghĩ đến điều gì, có oán giận anh ta không?". "Sao không!". Chị trả lời tôi và nói tiếp: "Tự nhiên vô nhà người ta, nhà không có đàn ông, của cải thì linh tinh ngoài vườn. Để chi, nếu không có ý đồ xấu còn gây tai họa cho người ta!".
Tôi trấn an chị: "Do vội vã đến mất tỉnh giác nên chị bị té chứ có phải do anh ta gây ra mà oán trách người ta. Như thế Bồ-tát có từ bi cũng làm sao cứu? Vả lại, va đầu xuống nền xi-măng mà không hề chi. Nếu Bồ-tát không ra tay liệu cái đầu chị có được an toàn và tính mạng sẽ ra sao? Hơn nữa, Bồ-tát có cứu mình cũng không thể thấy biết được. Chị thử nghĩ lại coi".
Chị bớt tức giận nhìn tôi và nói lớn như để ai cũng nghe. "À tôi nhớ ra rồi! Bồ-tát đã cứu gia đình tôi, nếu không có linh ứng Bồ-tát chúng tôi chỉ còn nước chết chứ làm sao ngẩng mặt nhìn được thiên hạ bạn bè, và con gái tôi làm sao vợ chồng ấm êm như hiện nay. Anh nói thật chí lý! Hôm đám cưới cháu, gia đình gặp chuyện động trời như vậy mà vượt qua được. Nếu không cuộc hôn nhân con gái tôi sẽ thế nào, chưa kể mang tai tiếng và hệ lụy đến nhiều thứ nếu không tìm ra cái ví!
Chuyện như mò kim đáy biển, ai ngờ mọi sự lại hanh thông tốt đẹp. Do đâu nếu không phải mầu nhiệm của Bồ-tát Quán Thế Âm? May anh nhắc tôi mới nhớ, tôi thật vô tình". "Nhưng còn lần này thì sao, Bồ-tát có cứu không?", tôi hỏi lại chị. Chị nhìn tôi, dịu giọng đáp: "Bồ-tát cứu hay không tôi không rõ, nhưng giả dụ Ngài không cứu thì cũng tại tôi cả !".
Theo Giác Ngộ