Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, cán bộ công chức có 9 ngày đón Tết, đối với người dân bình thường và một số phật tử tại gia, mâm cỗ gia đình không thể thiếu thịt mỡ dưa hành, vì theo phong tục tập quán, điều đó tượng trưng cho một năm sung túc, no đủ.
Phật giáo không đi ngược lại phong tục tập quán của người Việt Nam, Phật pháp làm tròn vẹn thêm nét nhân văn trong đời sống tinh thần người Việt những ngày xuân về.
Mùa xuân là mùa của sự thanh lọc về với tinh khôi và nhẹ nhàng, thảnh thơi, vậy nếu chúng ta thay cỗ mặn bằng cỗ chay thì thân tâm chúng ta sẽ an lạc, nhẹ nhõm hòa nhịp với tiết xuân tràn trề nhựa sống, tiết trời mà khiến vạn vật sinh sôi nảy lộc và tái sinh, vì vậy nhân ngày Tết, hoặc tự tay chúng ta giết gà, lợn để lấy thịt ăn cỗ, hoặc lên Tây Bắc ăn thắng cố (món này làm từ ruột non, ruột già lẫn da và móng của ngựa), rồi đi các nhà hàng ăn thịt ngựa, điều đó đi ngược lại ý nghĩa nhân văn của mùa xuân, đặc biệt vào các năm Ngọ...
|
Ảnh minh họa.
|
Năm Giáp Ngọ, con ngựa trở thành linh vật trong tín ngưỡng dân gian. Ngựa là động vật xuất hiện rất sớm trên trái đất, từ xa xưa, ngựa đã có vai trò quan trọng, gần gũi với cuộc sống con người. Cùng với chó mèo, ngựa là loài vật hữu dụng nhất, vì nó được con người thuần hóa, nuôi dưỡng, và huấn luyện để sử dụng nhiều công việc như cày cấy, chuyên chở hàng hóa, kéo xe, đưa thư tín.
Ngày nay thời đại tân tiến, đã có ô tô xe đạp, xe máy thay ngựa đồng hành cùng con người trên đường, máy cày thay thế trâu ngựa trong việc ruộng vườn nhà nông, dịch vụ chuyển phát nhanh thay ngựa vận chuyển hàng hóa. Thì ngựa lại được sử dụng trong lĩnh vực giải trí, thể thao như trong bộ môn thể thao cưỡi ngựa – đua ngựa vốn được các nước châu Âu ưa chuộng, như ngựa làm xiếc mua vui cho người.
Trong y học, theo một số nghiên cứu, cao xương ngựa có thể dùng làm thuốc, hoặc giúp khoa học tìm ra huyết thanh trị bệnh, trị nọc rắn cứu người. Đúng là cứu người cũng là phúc đức, nhưng nếu giết sinh mạng nhỏ hơn để cứu sinh mạng lớn hơn, thì phúc đức cũng chẳng còn. Vì ngựa cũng biết đau và sợ chết như người. Vậy nên thiết nghĩ không nên giết ngựa để cứu người, mà nên đợi ngựa đến tuổi già, rồi tự tắt thở, vòng đời của ngựa cũng chỉ từ 18 đến 40 năm, chưa được đến 80 – 100 tuổi như con người; như vậy con người dùng ngựa làm thuốc như một giá trị hữu ích cuối cùng đối với người.
Ngựa còn có đặc tính mà không có loài vật nào có được, đó là sự khôn ngoan, sức dẻo dai bền bỉ chinh phục vạn dặm, khả năng nhớ đường trở về dù có đi quãng đường thật xa, thời gian thật dài. Ngựa có thể nhịn đối nhịn khát trong vài ba ngày.
Đối với chủ nhân của mình, ngựa rất tình cảm, trung thành quyến luyến. Ngựa thích được chủ vỗ về thủ thỉ. Tình cảm giữa người và ngựa dường như là một tình bạn sâu sắc. Tiêu biểu đó là mối tương thân giữa Thái tử Siddhattha và ngựa Kanthaka. Đức Phật đản sinh vào 8 tháng 4 năm 623 TCN, vì do túc duyên ba la mật từ nhiều a tăng kỳ kiếp, lúc ấy cùng có bảy nhân vật đồng sinh để trợ duyên cho quả vị Chánh đẳng giác, trong đó ngựa Kanthaka, ngoài công chùa Yasodhara, Ngài Ananda, hầu ngựa Channa, Kaludiya, cây Bồ đề, bốn hầm châu ngọc.
Ngựa Kanthaka đã trở thành nhân vật trợ duyên cho quả vị Phật tối thượng vào đêm 8/2 lịch sử, đêm mà Thái tử Siddattha rũ bỏ mọi danh vọng, tiền tài, sắc dục để tu thành Phật đạo, từ đó một vầng nhật nguyệt xuất hiện trên thế gian. Lừng lững. Vằng vặc trí tuệ và từ bi, còn soi sáng đêm ngày cho đến hết năm, ngàn năm cùng nhân duyên với chúng sinh hữu trí.
Đêm đó, Thái tử Siddhattha đến bên ngựa Kanthaka vỗ về, thủ thị: “Đây là một chuyến đi xa, Kanthaka! Chuyến đi rất quan trọng với ta! Chuyến đi quyết định cả một đời người! Con hãy ra sức hết lòng nhé!”. Kanthaka dậm chân, hí một tràng dài như vui mừng, hoan hỷ trợ duyên cho chủ. Ngựa Kanthaka rất khỏe, đêm đó chở cả Thái tử Siddattha và Channa đi ngàn dặm vượt qua quốc độ Sakya, vượt Koliya để đến bên kia quốc độ Malla chỉ trong nửa đêm. Kanthaka phi nhẹ nhàng như một lằn sáng trắng, nhưng ngồi trên yên, Thái tử vẫn cứ cảm giác như ngồi trên tấm thảm nhung êm ái, không lay xóc.
Đặc biệt, khâm phục nhất là ngựa Kanthaka đã chở Thái tử và Channa bay qua sông Anoma rộng mênh mông. Chú thần mã ấy sau khi lấy đà, đã bay nhanh đến gần mép sông, nó uốn mình tạo lực đẩy, rồi như một mũi tên thoát khỏi dây cung, nó phi qua dòng sông như một luồng sáng. Gió thổi lồng lộng bên tai, bờ đất hiện ra, Kanthaka hết đà, dừng chân hí vang vì nó biết mình đã chiến thắng. Thái tử Siddhattha bước xuống, chậm rãi đến bên Kanthaka, ôm đầu nó rồi nói rằng:
“Ta vô cùng cảm ơn con, Kanthaka! Con đã đưa ta qua sông một cách uy dũng, và ngoạn mục. Còn cả chuyến đi nữa. Đấy là chuyến đi hệ trọng, chuyến đi định hướng cuộc đời ta đó. Con đã nhiệt tình giúp ta trong bước đầu trên lộ trình bất tử. Phước báu và công đức của con cao thượng lắm, con biết không?”
Kanthaka dường như nó hiểu. Nó đưa đôi mắt buồn buồn nhìn Thái tử, rồi nó lại đưa lưỡi liếm liếm vào bàn tay chàng, Kanthaka hiểu đây là giờ phút chia tay. Tại đây, Thái tử Siddhattha đã cạo bỏ râu tóc, trút bỏ xiêm lụa vàng ngọc đổi lấy áo vải gai vào rừng tu hành.
Còn ngựa Kanthaka quay lưng đi vừa được bảy bước, nó liền đứt ruột vỡ tim mà chết. Do tận dụng toàn vẹn sức lực để bay qua sông nên ruột nó đã đứt từng đoạn rồi, tuy nhiên, đợi giã từ Thái tử xong, nó mới gục xuống. Sau đó, Kanthaka tức khắc hóa sinh lên cõi trời Tavatimsa làm một vị thiên nam có tên Kantaka.
Bạn nghĩ gì khi đọc giai thoại trên?
Phải chăng bạn cũng nghĩ như tôi, nếu ngựa chỉ là thân phận loài vật mà lại làm nên nhiều công đức giúp ích cho người, thì ngựa cũng được hưởng phước báu, hưởng hết phước báu trên trời, kiếp sau lại được làm người.
Bên cạnh đó, ngựa đã trợ duyên cho đức Phật từ một người bình thường như chúng ta tu thành Phật. Đức Phật dạy: “ Như Lai là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ngài khẳng định con người có Phật tính và có thể tu thành Phật quả như Ngài nếu tinh tấn và không dễ duôi.
Ngựa đã từng trợ duyên cho Bồ tát tu thành Phật, vậy nếu bây giờ, ngừng giết ngựa lấy thịt và ngừng ăn thịt ngựa, chúng ta đang trên bước đường theo dấu chân đức Từ phụ thế gian, vì nhu cầu không còn thì nguồn cung cũng không. “Buông hạ đồ đao, lập địa thành Phật”.
Suốt cả quãng đời ngắn ngủi từ 18 đến 40 năm, loài ngựa đã làm nên nhiều huyền thoại lịch sử vàng son trong lịch sử nhân loại, như ngựa Kanthaka trợ duyên cho đức Phật xuất gia tu thành đạo để cứu độ chúng sinh; ở Việt Nam thời loạn lạc, các chiến mã đã từng góp phần làm nên những trang vàng lịch sử oanh liệt giữ độc lập cho nước nhà, khi tham gia các cuộc khởi nghĩa nổi tiếng như trận Bạch Đằng, khởi nghĩa Lam Sơn…v..v…
Vậy ta trân trọng ngựa như trân trọng những anh hùng có công với nhân loại dân tộc. Ngựa ngày nay gần như khan hiếm. Việc giết ngựa đồng nghĩa với việc vùi dập những huyền thoại lịch sử hào hùng trường tồn với thời gian, để lấy thịt nuôi dưỡng cái thân vô thường tồn tại và ra đi chỉ trong một hơi thở, đó là lấy dài nuôi ngắn.
Tôi tin bạn đủ trí huệ để nhận ra và biết cách dừng lại việc làm mà bạn cho là không nên.
Theo Phật Giáo Việt Nam