Nghề cầm đồ có bị quả báo không?

Google News

Cầm đồ là công việc làm ăn chính đáng và hợp pháp nhưng điều quan trọng cần lưu tâm là ý thức về đạo đức kinh doanh...

HỎI: Gia đình chúng tôi đã quy y Tam bảo, ăn chay trường gần một năm nay. Hiện chúng tôi đang kinh doanh tiệm cầm đồ (chủ yếu là cầm xe cộ). Trong công việc, chúng tôi đã chủ động điều chỉnh lãi suất rẻ hơn các tiệm khác trong khu vực. Khi gặp những trường hợp người mang đồ đi cầm quá khó khăn như bệnh tật thì chúng tôi chỉ giữ giùm mà không lấy lãi, đôi lúc còn cho họ thêm tiền để chữa bệnh. Là Phật tử, chúng tôi luôn cân nhắc về công việc kinh doanh của mình vì có một số người cầm đồ để làm những việc không tốt như ăn nhậu, cờ bạc, cá độ…. Vậy chúng tôi có cộng nghiệp với họ không? Có nên chuyển sang nghề khác không?

(TRÀ MI, ttrami20@yahoo.com.vn)


ĐÁP:


Bạn Trà Mi thân mến!

Việc kinh doanh bằng hình thức mở tiệm hay dịch vụ cầm đồ được pháp luật hiện hành cho phép và bảo hộ, chứng tỏ rằng đó là một nghề chính đáng hay một hình thức kinh doanh hợp pháp.

Tuy công việc làm ăn chính đáng và hợp pháp nhưng điều quan trọng cần lưu tâm là ý thức về đạo đức kinh doanh của bạn. Công việc thì giống nhau nhưng dụng tâm sai khác sẽ cho kết quả hoàn toàn khác biệt nhau. Người Phật tử khi kinh doanh hay làm bất cứ công việc gì thì cũng đều tâm niệm phải “lợi mình, lợi người, lợi cả hai”. Trong chừng mực nào đó thì bạn đã phần nào làm được điều ấy. Ngoài việc điều chỉnh lãi suất khá mềm so với các tiệm khác, trợ duyên không lấy lãi hay giúp đỡ thêm tiền bạc cho những trường hợp đau ốm hoặc thật sự khó khăn, bạn còn luôn tự vấn lương tâm để trau dồi đạo đức của người Phật tử là điều rất đáng trân trọng.

Bạn quan tâm đến cộng nghiệp với người xấu là cần thiết nhưng bình tâm mà xét thì khách hàng của bạn gồm đủ nhiều thành phần, đâu phải ai mang đồ đến cầm cũng để ăn nhậu, cờ bạc… Mặt khác, cho dù biết khách cầm đồ để làm một việc không chính đáng đi nữa nhưng đó là việc cá nhân của họ. Đành rằng chúng ta có liên quan trong quan hệ duyên khởi nhưng không chịu trách nhiệm về hành vi của họ. Chẳng lẽ một người không tốt đến chữa bệnh thì thầy thuốc không chữa, hay một người không đứng đắn đến mua hàng thì người bán hàng không bán. Nên mình chỉ cố làm tròn trách nhiệm, phận sự cầm đồ và lương tâm của mình mà thôi.

Do vậy, nếu bạn tự ý thức quán sát thấy việc kinh doanh cầm đồ của mình là chính đáng, làm ăn đàng hoàng, có đạo đức nghề nghiệp, lợi mình và lợi người thì nên trụ với nghề, không cần thiết phải chuyển sang nghề khác. Là Phật tử, trừ một số nghề tà mạng như Đức Phật đã dạy trong kinh điển như buôn bán vũ khí, buôn người, đồ tể… thì không được làm. Còn lại các nghề khác thì phải nên quán sát thân tâm của mình để vừa mưu sinh lại vừa tạo nghiệp lành cho mình và gia đình, trong hiện đời và đời sau.

Theo Giác Ngộ Online