"...Giới cũng chính là cơ năng nòng cốt để xây dựng trật tự kỷ cương, một con người toàn diện trong sáng, nâng cao trí thức, phát triển trí tuệ”.
Đức Thế Tôn đã là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác làm bất cứ việc gì cũng cẩn thận chu đáo, không sơ sót dù là một chuyện nhỏ. Trong 12 năm đầu khi giáo đoàn thành lập chúng tăng hầu hết phần đông là căn cơ trình độ giáo pháp cao siêu là những bậc thánh A- la- hán, thành phần tu tập đoạn dứt lậu hoặc. Những vị căn cơ còn thấp kém chỉ nghe đức Thế Tôn khai thị vài lần liền chứng ngộ. Vì thế nếp sống của chư Tăng thuở ấy hoàn toàn thanh tịnh. Tuy đức Thế Tôn chưa chế Giới luật nhưng Giới vẫn có, chỉ giới hạn được trình bày dưới dạng những hình thức đơn giản tổng quát về mặt hộ trì các căn.
Thế Tôn dạy: “Tỳ kheo khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, lưỡi nếm vị, mũi ngửi hương, thân xúc chạm, ý duyên pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, cũng không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến cho các căn không được duyên theo, không bị sinh tâm tham ái, ưu bi và các bất thiện pháp khởi lên, nếu có khởi lên Tỳ kheo liền chế ngự nguyên nhân ấy sống thực hành hộ trì các căn”.
Đức Thế Tôn thực hành qua giai đoạn thực hành Trung Đạo Đế, hành Bát chánh đạo dưới hình thức, Tỳ kheo nên giữ Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Qua sự trình bày như trên chúng ta thấy Giới luật tuy có mà chưa rõ ràng.
Trong Ngũ Phần Luật quyển 1, Ngài Xá Lợi Phất trình thưa Phật: “Bạch đức Thế Tôn làm sao để Chánh Pháp của đức Như Lai, sau khi Như Lai diệt độ rồi Chánh Pháp ấy được tồn tại lâu dài”.
Thế Tôn dạy: “Đức Phật nào mà có nói giới nói pháp thì chúng đệ tử nhờ đó để tu hành, làm cho Chánh Pháp được cửu trụ lâu dài”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch Thế Tôn tại sao con không thấy Thế Tôn chế giới mà chỉ nói Pháp?”
Đức Phật nói: “Này Tôn giả, ta biết thời phải làm gì, nay chưa đến thời ta chưa chế giới. Khi nào trong Tăng chúng có việc vì danh lợi, vì hữu lậu xảy ra thì Như Lai mới chế giới”.
Ngài còn dạy rằng : “Nếu Ta chế Giới trước khi vi phạm, thì người đời sẽ phỉ báng ta. Họ sẽ bảo rằng tôi không có gây tội, sao lại cưỡng chế ra Giới luật. Đây không phải là nhất thiết trí. Như thế là Như Lai không có tâm từ bi, không lợi lạc, không bảo bọc chúng sanh. Như người không có con lại nói rằng sẽ sanh con vào giờ ấy. Chuyện ấy không thể tin, vì không chân thật. Nếu là sự thấy đứa con người ta mới tin được, cũng thế hữu lậu chưa sanh, tội chưa làm, trời người chưa thấy làm sao chế Giới được. Cho nên cần phải thấy rõ phạm tội, rồi sau đức Thế Tôn mới chế Giới, đây là đúng thời. Này Xá Lợi Phất như y sĩ biết là nguyên nhân tật bịnh và biết thuốc nào ngọt để trị bịnh ấy”.
Từ đó, dần dần về sau trong Giáo đoàn Tăng sinh các hữu lậu với mục đích tâm họ không chân chánh. Do đó tăng đoàn đã xảy ra nhiều trường hợp nhiều Tỳ kheo thiếu kỷ cương nề nếp, đời sống buông lung phóng túng, vi phạm tịnh hạnh … khiến cho Giáo đoàn của Phật bị mang tiếng xấu lây, lại có nhiều ý kiến mâu thuẫn. Để giải quyết những vấn đề đó, Thế Tôn bắt đầu chế Giới để đối trị những lỗi lầm đã xảy ra, ngăn ngừa hành vi bất thiện pháp sắp vi phạm hay đã phạm thì phải sám hối, đồng thời duy trì uy tín của Tăng đoàn.
Giới luật được đức Thế Tôn chế vào khoảng năm thứ 13 sau khi đức Phật thành đạo, nhưng tùy phạm tùy kiết, những Giới không nhất định phải chế Giới từ 3 - 4 lần mới thành một Giới. Đây là một trường hợp điển hình nói lên tính linh động và tầm mở rộng của Giới Luật. Trường hợp khác điển hình giới dâm, phải trải qua ba giai đoạn mới thành:
- Giai đọan thứ nhất : Tôn Giả Tu Đề Na con trai của thôn trưởng Ca Lan Đa, do sự yêu cầu của người mẹ phải để lại đứa con trai để nối dõi tông đường, nên Tôn giả đã hành dâm với người vợ cũ. Sau sự việc xảy ra Tôn Giả bị lương tâm cắn rứt, cảm thấy hổ thẹn với những Tỳ kheo thanh tịnh nên thú nhận tội với chư Tăng, chư Tăng bạch Phật, Phật quở trách rồi chế giới: “Tỳ kheo ấy là kẻ Ba La Di không được ở chung”.
- Giai đoạn thứ hai : Một Tỳ kheo chán nản đời sống phạm hạnh, về nhà hành dâm với vợ cũ. Vì trong Giới Phật chế không cho trường hợp chán nản đời sống phạm hạnh. Do đó, Thế Tôn chế thêm “Tỳ kheo nào đã trì học xứ và chấp nhận đời sống của Tỳ kheo, chưa hoàn giới sút kém nhưng không phát lồ, hành dâm dục Tỳ kheo ấy là kẻ Ba La Di không được sống chung”.
- Giai đoạn thứ ba : Một Tỳ kheo sống trong rừng, bị thiên ma nhiễu loạn, nên đã hành dâm với con vượn cái. Nghĩ rằng Giới luật đức Thế Tôn dạy không có trường hợp cùng với loài súc sanh, thêm lần nữa Đức Thế Tôn bổ túc thêm Giới trên cho đầy đủ “Tỳ kheo nào đã thọ trì học xứ và chấp nhận đời sống của Tỳ kheo chưa hoàn giới, giới sút kém những không phát lồ mà hành pháp dâm dục, cho đến cùng với loài súc sanh, Tỳ kheo ấy là kẻ Ba La Di không được sống chung”.
Đức Thế Tôn thị hiện trên cõi đời vị mục đích giải thoát chúng sanh ra khỏi dòng sanh tử, nên Giới luật của Ngài không có tính cách cưỡng chế, bó buộc mà hoàn toàn vì an lạc của chúng đệ tử. Chính nhờ những Giới pháp đó mà Đức Thế Tôn đã tu hành đạt thành Chánh giác và đem sự sáng suốt truyền lại cho chúng sanh coi như Giới thân Huệ mạng của chính mình. Bởi thế trước khi nhập Niết Bàn, đức Thế Tôn đã ân cần Di giáo: “Sau khi ta diệt độ, các ngươi phải tôn trọng giữ gìn Ba-la-đề-mộc-xoa, như người nghèo gặp được của báu, như qua sông đặng ghe, như người bệnh gặp thầy thuốc v.v… phải biết pháp này là Thầy của các ngươi, dù ta có trụ thế cũng không ngoài pháp ấy”. Tinh thần của đức Phật chế giới nhìn trên bề mặt là ý của đại chúng trong Tăng đoàn, Đức Phật chỉ là người chủ trì hoặc là người chứng minh trong quá trình chế giới. Giới là phương thuốc phòng ngừa sự hư đốn của đại chúng. Đức Phật là vị thầy thuốc chữa bệnh cho chúng sanh, nếu người không bệnh mà ra toa bốc thuốc thì người ấy sẽ phản kháng, họ sẽ nhất định không chịu, còn người mắc bệnh nếu được trị liệu họ sẽ cảm kích vô cùng, đây là tâm lý thông thường của mọi chúng sanh.
Như chúng ta nhận xét qua lời giải trong các kinh đức Thế Tôn giảng dạy xong lại nói rằng: “Tất cả pháp ta nói ra chỉ là phương tiện khi tu hành xong hãy buông bỏ”. Còn đang thời tu hành dù hành giả tu pháp nào đi nữa phải lấy Giới luật làm đầu để giữ gìn phạm hạnh. Nếu hành giả đang thời hành đạo Giới thể đã mất, thời Giới thân Huệ mạng cũng không còn.
Theo Giáo hội Phật Giáo Việt Nam