Nghiệp ác từ những lời thị phi thật sự rất khủng khiếp, không có “khẩu đức” thì cả cuộc đời gập ghềnh thậm chí rất thê lương.
Trong nhà Phật thì Khẩu Nghiệp (xấu) là một trong những nghiệp nặng nhất, vì nó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, nó dẫn đến sự đổ vỡ, dẫn đến sự đau khổ tột cùng, dẫn tới mọi sự phiền não… một lời nói vô tình có thể làm mình và người khác đau khổ ray rứt cả cuộc đời.
Trong cuộc đời của một người, không phải ngày nào cũng làm chuyện thất đức, nhưng việc nói những lời thất đức, thiếu đức, khó nghe và không đứng đắn thì có thể xảy ra mỗi ngày. Tích luỹ qua năm tháng, phúc báo sẽ vì “khẩu nghiệp” mà chạy mất hết.
Tu được miệng, vận may tự khắc sẽ đến. Vì thế ngay cả lúc đầu óc tỉnh táo hay tức giận cũng cần ghi nhớ không thể nói những lời này ra. Nếu không "hậu quả" sẽ khó lường...
Im lặng đúng lúc
|
Ảnh minh họa. |
Có câu cổ ngữ rằng: “Bệnh theo miệng mà vào, họa theo miệng mà ra”. Nói nhiều quá rất dễ gây chuyện thị phi.
Rất nhiều người mệnh không tốt là vì nói quá nhiều, hơn nữa nói không suy nghĩ, không để ý đến hoàn cảnh có thích hợp hay không.
Nói chuyện tùy tiện, không chú ý chừng mực, không phân biệt thân quen hay xa lạ, với ai cũng ‘chẳng kiêng kị e dè’, lại còn tự khen mình là ‘tính tình chân thật’. Thực ra nói năng tuỳ tiện không phải là vì ‘tính tình chân thật’, mà là biểu hiệu của sự thiếu tinh tế trong giao tiếp.
Im lặng đúng lúc rất quan trọng. Việc chưa chắc chắn thì không nên nói bừa, cũng không nên chỉ vì một chuyện cỏn con mà tranh cãi đỏ mặt tía tai.
Bạn bè dẫu tốt đến đâu, quan hệ dẫu thân mật thế nào thì cũng không được hoa chân múa tay can thiệp vào cuộc sống của người khác. Nhất là trong vấn đề tình cảm, chớ tự coi mình là người chỉ đạo của bạn bè.
Với bạn bè thông thường, chớ nên động một chút là dốc bầu tâm sự, thổ lộ hết mọi chuyện trong lòng. Có lẽ điều bạn coi là nghiêm túc thì với người khác lại giống như trò cười.
Quản tốt cái miệng của mình, học cách im lặng đúng lúc, vậy mới giữ được phúc khí.
Chớ đay nghiến, cay nghiệt
Nói chuyện quá chua cay, khắc bạc cũng là một nguyên nhân làm tổn hao phúc báo.
Chúng ta đều biết khẩu đức rất quan trọng, người không có khẩu đức rất dễ phạm khẩu nghiệp, người phạm khẩu nghiệp thì mệnh thường không tốt.
Xem một người có vận tốt hay không thì trước tiên xem người đó có khẩu đức lớn nhường nào. Nếu một người nói chuyện chua cay khắc bạc, những lời thất đức nào cũng đều nói ra thì sẽ tích tụ ngày này qua tháng khác, mặc dù họ không làm việc gì thất đức nhưng phúc khí của họ cũng đã bị tiêu tan.
Phật gia giảng “nhân quả báo ứng”. Miệng bạn nói lời nào thì sẽ có được quả ấy. Trong kinh Phật cũng viết: ngôn từ cần dịu dàng nhẹ nhàng.
Nói chuyện không nên quá cứng rắn, không nên nói một đằng nghĩ một nẻo, càng không nên động đến nỗi đau của người khác. Chớ lấy người khác ra làm trò cười bỡn cợt, cũng đừng soi mói bới móc các khuyết điểm của người ta. Nên biết rằng, con người không ai là thập toàn thập mỹ, trong con mắt của người khác thì chúng ta cũng là kẻ có khuyết điểm đầy mình.
Nói chuyện hài hước không phải là chua cay khắc bạc, cũng không phải là đấu trí đọ thông minh. Bạn khiến người khác khó chịu và xấu hổ thì sau này cũng sẽ vấp phải sự khó chịu và xấu hổ như thế.
Ngưng oán trách trời đất
Oán trách là thứ vô dụng nhất trên đời. Oán Trời trách người cũng chỉ là thừa nhận sự yếu đuối của bản thân mình.
Những ai hễ gặp sự việc liền oán Trời trách người, không nhận rõ bản thân thì mãi mãi cũng không thể trưởng thành lên được. Gặp sự việc luôn luôn tìm nguyên nhân từ bên ngoài, luôn trách người khác thì mãi mãi không thể có được tiến bộ lâu dài.
Với những lời oán Trời trách người thì hãy khoá cái miệng lại. Nhiều lúc cuộc sống của bạn không tốt chính là bởi những lời oán Trời trách người, chỉ đổ lỗi cho ngoại cảnh mà không bao giờ nhìn thấy vấn đề của bản thân mình.
Chê trách thiên hạ chỉ lãng phí thời gian của chính mình. Những thời gian này chi bằng chuyển hóa thành hành động thực tế. Mệnh tốt hay xấu không hoàn toàn tại Trời mà rất nhiều là ở con người.
Bản thân nếu không nỗ lực thì Ông Trời dẫu có cấp cho ta vận khí tốt thế nào, nhiều thế nào đi chăng nữa thì đều tiêu tán hết, đều vô ích mà thôi.
Tu cái miệng, tránh tạo nghiệp luôn là điều mà cổ nhân thường hay dạy bảo con cháu. Nhưng học được việc tu khẩu, hẳn là phải bắt nguồn từ việc tu dưỡng đạo đức, tâm tính của mình. Bởi vì, một người có tâm tính tốt, coi trọng đạo đức sẽ tự biết kiểm soát bản thân, không nói những lời lộng ngữ thị phi, làm tổn thương người khác.
Kỳ thực, suy cho cùng thì hết thảy tài phú, danh dự, địa vị trong cuộc đời mỗi người đều là những thứ ở bên ngoài của con người. Đức hạnh mới là gốc rễ của con người, chỉ có đức dày mới nâng đỡ được vạn vật. Dù là ở thời nào thì những lời dạy bảo này thật hết sức đúng!
Theo Đậu/Khỏe Đẹp