Qua những gì được ghi lại trong kinh điển, hậu thế đều hiểu rằng Đức Phật cũng như các đệ tử của Ngài có khả năng thành tựu các loại thần thông. Ba loại thần thông được Đức Phật nhắc đến nhiều trong các bài giảng pháp của Ngài là thần thông biến hóa, thần thông tha tâm (còn gọi là Thần thôngký thuyết trong một số bài kinh như kinh số 140: kinh Moranivapā, Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm XIV) và thần thông giáo hóa (Trường bộ kinh, kinh số 3: Ambattha, kinh số 11: Kevaddha; Trung bộ kinh số 12: Đại kinh sư tử hống; Tăng chi bộ kinh, chương Ba pháp, phẩm VI, kinh 60; Tăng chi bộ kinh, chương Mười một pháp, phẩm I, kinh số 11).
|
Ảnh minh họa. |
Theo các kinh điển ấy, Ngài giải thích cụ thể hơn ba loại thần thông này như sau:
Biến hóa thần thông: có khả năng thi triển các phép thuật kỳ lạ khác người.
Đó là khi một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không, độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước như đi trên đất liền, ngồi kiết-già, đi trên hư không như con chim, với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.
Với sự thi triển khả năng đặc biệt khác thường như vậy, với số đông dân chúng, biến hóa thần thông được đón nhận nhiều nhất. Người đắm trong lạc thú trần gian rất tò mò và ngưỡng mộ những biểu hiện lạ lẫm, khác thường, xem sự thi triển thần thông như những trò tiêu khiển của thế gian, không hơn không kém.
Tha tâm thần thông là thấu hiểu và nói lên được tâm niệm của người khác, rằng “như vậy là ý của ông, như thế này là ý của ông, như thế này là tâm của ông”. Theo mô tả trong kinh, khả năng đặc biệt này đến bằng nhiều cách: có thể do người ấy có khả năng nhìn tướng người để biết trong tâm người khác mà nói, có thể người đó có khả năng đặc biệt có thể nghe tiếng loài người, phi nhân và chư thiên mách bảo mà nói, có thể nghe tiếng loài người, phi nhân và chư thiên mách bảo rồi suy tư mà nói, có thể do vị ấy thực hành pháp, thành tựu định không tầm không tứ, với tâm (của mình) rõ biết tâm của người khác tùy theo hành ý của vị tôn giả này hướng đến chỗ nào, thời tâm của vị này lập tức suy tầm đến chỗ ấy, nhờ đó mà biết và nói.
Tha tâm thần thông khiến người khác nể phục, ngưỡng mộ vì như thể người ấy đi từ trong tâm mình ra. Thế nhưng, có những nguy hiểm khó lường với loại thần thông này so với lợi ích rất giới hạnmà phép thần thông này có thể đem lại.
Giáo hóa thần thông là dùng những lời giáo pháp khéo léo khuyến hóa người khác bỏ đi những nghiệp xấu ác về suy nghĩ, lời nói và hành động mà quay về con đường thiện lành để được an vui, hạnh phúc trong cuộc sống.
Kinh điển mô tả giáo hóa thần thông là dùng lời nóiđúng pháp nhắc nhở như sau: “Hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy! Hãy tác ý như vậy, chớ tác ý như vậy! Hãy từ bỏ cái này! Hãy đạt đến cái này và an trú!” (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm VI, kinh số 60).
Có thể nói, giáo hóa thần thông là khả năng đặc biệt có thể giúp một người từ bỏ ác về hành động, lời nói và ý nghĩ, thay vào đó, nuôi dưỡng tâm thiện lành qua ba phương diện thân, miệng và ý, biết cách chọn con đường hướng thượng đưa đến hạnh phúc chân thật, bền vững trong hiện tại và tương lai.
Giáo hóa thần thông là dùng năng lực của giáo dục giúp đối tượng chuyển hóa thân tâm theo chiều hướng tích cực, làm thay đổi ngoạn mục chính con người ấy như thể có phép mầu.
Trong 40 năm giảng Pháp, dù Đức Phật thành tựu đầy đủ tất cả các loại thần thông nhưng Ngài rất hạn chế trong việc sử dụng chúng như là một cách biểu diễn năng lực đặc biệt nhằm đáp ứng tâm lý tò mò, hiếu kỳ với điều lạ lùng, khác người của số đông dân chúng, vì Ngài thấy điều này không đem lại lợi ích thiết thực nào cả.
Quan điểm của Đức Phật về thần thông
Điều này được ghi lại trong Kinh Kevaddha (Trường bộ kinh II):
“Một hôm có người đề nghị Đức Phật cho một vài vị đại đệ tử biểu diễn các phép thần thông như đi trên nước, bay giữa hư không, xuyên qua vách đá v.v… để thu hút quần chúng và tăng thêm niềm tin cho tín đồ.
Đức Phật bèn hỏi người kia:
- Này cư sĩ, sau khi trông thấy những phép lạ như vậy, một số người có thể tin, nhưng một số người khác có thể bảo rằng: ‘Nào có gì lạ, có một thứ bùa chú có công năng như vậy’. Trường hợp sau có thể xảy ra không?
Người kia đáp:
- Bạch Thế Tôn, có thể.
Đức Phật nói:
- Do vậy, thật vô ích khi làm những cuộc biểu diễn ấy”.
Sau đó Đức Phật nói cho người kia biết có ba loại thần thông. 1. Biến hóa thần thông, năng lực làm các phép lạ như bay lên không trung, đi trên mặt nước, xuyên qua vách đá, biến hình, ẩn thân v.v… 2. Tha tâm thần thông, khả năng biết được tâm niệm, suy nghĩ của người khác. 3. Giáo hóa thần thông, năng lực giáo hóa, đưa con người từ mê đến ngộ, từ kẻ xấu thành người tốt, từ đau khổ đến an lạc, xây dựng con người, xây dựng đời sống tốt, giúp phàm phu trở thành hiền thánh.
Các loại thần thông, phép lạ như Biến hóa thần thông, Tha tâm thần thông chẳng những không mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng mà còn gây ra nhiều tác hại một khi người dùng có tâm ý bất chính, lợi dụng thần thông để thỏa mãn lòng tham lam, sân hận của mình, chẳng hạn như hại người chiếm đoạt của cải, phục vụ hoặc tiếp tay cho kẻ xấu ác, hay vì thù oán mà gây hại cho người.
Đối với người chưa dứt hết phiền não tham, sân, si, mạn (kiêu mạn) hay nói cách khác là còn lục dục, thất tình thì việc lạm dụng thần thông để thỏa mãn cái tôi, thỏa mãn tư dục là điều rất dễ xảy ra.
Theo Thiện Ngôn/Phật giáo Việt Nam