Hãy hiểu rằng những thành quả mà chúng ta “được”, hay “bị gánh chịu” trong cuộc sống này đều tùy thuộc ở phước báo và nghiệp lực của mình.
Câu chuyện về hai vợ chồng già và niềm hạnh phúc giản đơn
Chuyện kể rằng có hai vợ chồng lớn tuổi, nghèo và không có con. Mặc dù hoàn cảnh sống khó khăn, nhưng tánh tình họ vui vẻ, hiền hậu. Một hôm gần Tết, nhà họ chỉ có một con bò. Bà vợ nói với chồng đem con bò ra chợ bán để lấy tiền mua gạo, đường, thực phẩm… ăn Tết.
Ông chồng dẫn bò đi bán, nửa đường gặp người hàng xóm dẫn con dê. Người hàng xóm hồ hởi nói: “Bác Hai đi đâu vậy, con bò mạnh mà dẫn nó chi cho cực. Tôi đưa con dê để bác dẫn cho khỏe”.
Ông già thiệt thà nghĩ người hàng xóm muốn giúp mình, nên ông bằng lòng đưa con bò cho anh ta và lấy con dê cũng được.
Đi một đoạn đường, ông già gặp một bà ôm con ngỗng. Bà nọ hỏi: “Ông dắt con dê đi đâu vậy?”. Tôi đem dê ra chợ bán. “Ôi, ông già dẫn con dê làm chi cho mất công. Ôm con ngỗng nhẹ hều phải khỏe hơn không”. Ông cũng chịu và đưa con dê cho bà ta, rồi ôm con ngỗng đi tiếp.
Đi một đoạn nữa, ông già gặp bà xách túi mận. Bà bảo ông đổi con ngỗng lấy túi mận ăn cho khỏe. Mận này có vitamin C tốt cho sức khỏe đó. Không chút do dự, ông chịu đổi, nhưng cũng chưa yên đâu. Vì tin đồn được lan truyền khắp nơi rằng có ông già đã đổi bò lấy dê, rồi đổi dê lấy ngỗng và đổi ngỗng lấy mận.
|
Hãy vui sống với những gì hiện tại trong tầm tay mình. |
Một bà nghe chuyện hấp dẫn quá, vội vàng chạy đi tìm ông già. Đến gần chợ, trời xui đất khiến sao mà bà ta gặp được ông già. Bà nghĩ lão già tốt bụng một cách khờ khạo đây rồi. Bà liền chặn ông lại và đưa túi phân Kali cho ông với lời quảng cáo rằng phân này bón vô cây gì cũng tốt. Thế là ông già lại đổi túi mận lấy túi phân Kali.
Sau đó, ông già ôm túi phân Kali vô quán uống nước. Hai ông nhà giàu ngồi gần ông già liền bắt chuyện. Ông già kể lại cuộc trao đổi của ông từ nhà đến chợ, bắt đầu là con bò đổi một hồi, bây giờ thì có túi phân Kali. Hai ông kia nghe câu chuyện phá lên cười, nghĩ rằng chưa có ai “thần kinh” như lão già này; cam đoan về nhà sẽ bị vợ chửi.
Hai ông bèn nói với ông già rằng nếu ông về nhà kể lại chuyện đổi con bò như vậy, mà ông không bị bà vợ chửi thì họ sẽ đưa cho ông mười lượng vàng. Sau đó, hai ông này hăm hở đi theo ông già về nhà, chắc mẩm là sẽ được chứng kiến một trận chiến vô cùng ngoạn mục giữa hai vợ chồng già.
Khi ông chồng bước vô nhà, bà vợ hỏi chuyện buôn bán con bò ra sao rồi. Ông chậm rãi kể mình đã đổi con bò lấy con dê. Bà vợ thản nhiên đáp: “Đổi bò lấy dê hả? Cũng được, mỗi ngày tôi sẽ lấy sữa dê cho ông uống cũng bổ”.
Nhưng tôi đã đổi con dê lấy con ngỗng rồi, ông chồng nói tiếp. Bà vợ tỉnh bơ trả lời: “Ồ, con ngỗng cũng tốt, mình sẽ có trứng ngỗng ăn và lấy lông ngỗng làm gối cũng tốt”.
Nhưng mà tôi đã đổi con ngỗng lấy túi mận, ông chồng thản nhiên nói. Lần này bà vợ vui vẻ thốt lên: “Vậy sao, tui đang thèm mận đây. Ông thiệt là tài, biết đem về quả mận mà vợ đang muốn ăn”.
Nhưng bà ơi, tôi đã đổi túi mận lấy túi phân Kali rồi, bà chịu không? Bà vợ trả lời tỉnh khô: “Không sao, đổi lấy túi phân Kali cũng được thôi. Đưa túi phân đây để tôi ra vườn bón bắp cải. Tết làm dưa cho ông ăn nhe!”.
Hai ông đi theo chưng hửng đến lé mắt, vì chưa bao giờ họ thấy trên đời này lại có một bà vợ đối trước tình huống thê thảm do ông chồng gây ra mà không chửi ổng. Chẳng những bà này không tiếc của, không nổi giận, không xổ ra những lời lẽ thô bỉ với chồng, mà còn bình tĩnh, vui vẻ chấp nhận giải pháp của ông chồng đã đổi con bò, tài sản duy nhất trong nhà đến bốn lần, mà điều tệ hại là mỗi lần trao đổi thì giá trị của món hàng nhận được lại tụt xuống thấp hơn nữa.
Ni sư Như Đức trụ trì thiền viện Viên Chiếu với cách kể chuyện có duyên đã khiến tôi nhớ hoài chuyện này. Chuyện chỉ có tính cách ẩn dụ nhằm nhắc chúng ta nên vui sống với những gì hiện tại trong tầm tay mình. Khởi tâm muốn khác, muốn việc tốt hơn, trong khi những thành quả mà chúng ta “được”, hay “bị gánh chịu” trong cuộc sống này đều tùy thuộc ở phước báo và nghiệp lực của mình. Cho nên muốn khác, hay khởi tham vọng, xa rời thực tế chỉ khiến ta chuốc lấy phiền muộn mà thôi.
Theo Giác Ngộ