Phật giáo Việt Nam hiện nay đang thịnh hay suy là câu hỏi chúng tôi thường nêu ra với thân hữu, cũng như trình lên quý thầy cô tu sĩ Phật giáo, mỗi khi đề cập đến những số liệu thống kê về số lượng tín đồ
Phật giáo, đặc biệt là con số do Ban chỉ đạo Tổng Điều tra dân số công bố vào năm 2010, sau cuộc Tổng Điều tra Dân số vào năm 2009, mà ở đó số lượng người theo đạo Phật được ghi nhận chỉ còn 6.802.318 người, chiếm 7,92% dân số.
Số liệu là như thế. Nhưng thực tế và những cảm nhận có thể khác. Ở đây, xin phép được nêu câu hỏi này với bạn đọc cùng với nội dung tổng hợp những ý kiến về việc thịnh/suy của đạo Phật tại Việt Nam.
Nhóm ý kiến này nghi ngờ kết quả của cuộc Tổng Điều tra Dân số năm 2009, cho rằng những biểu hiện thực tế cho thấy Phật giáo Việt Nam đang phát triển với quy mô chưa từng thấy và đó là bước phát triển vững chắc. Những căn cứ là rất hiển nhiên, có thể quan sát thấy trực tiếp, như là rất nhiều chùa mới, trong đó có nhiều chùa lớn chưa từng thấy từ trước đến nay đã được xây dựng. Nhiều vị cao tăng thạc đức tích cực hoằng hóa, thu hút được những đạo tràng đông người tu học. Một trong những ví dụ rất cụ thể là hệ thống trường Phật học, từ sơ cấp đến cấp học viện đã được hoàn thiện, liên tục đào tạo tăng tài. Tăng ni tốt nghiệp trường Phật học ngày càng đông đảo, trong đó nhiều Tăng Ni tốt nghiệp nước ngoài với học vị cao, đã và đang có những đóng góp ngày càng lớn cho hoạt động Phật sự.
Nhóm ý kiến như trên cũng nhấn mạnh đến việc phát triển các khóa tu với nhiều dạng, dần dần trở nên đều khắp từ Nam ra Bắc, thu hút không chỉ Phật tử cao tuổi, mà nay còn có số đông Phật tử thanh thiếu niên tham gia.
Những chuyển biến từ phía Giáo hội cũng thể hiện rõ sự phát triển của Phật giáo. Các ban trị sự mới đã được thành lập ở những địa phương từ trước nay chưa có cơ sở tổ chức Phật giáo. Nhiều Phật sự mới đã được triển khai. Phật giáo đã tổ chức nhiều sự kiện lớn, như Hội thảo Hoằng pháp quy tụ đến 40.000 Tăng Ni Phật tử tham dự.
Người đến chùa đông, nhất là vào dịp lễ, tết cũng là những sự biểu hiện của sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam. Người tu tập tại nhà cũng thể hiện mức gia tăng qua số lượng tựa sách, bản sách được biên soạn mới, được tái bản đều gia tăng. Mặt bằng trình độ Phật học của Tăng Ni Phật tử đều được nâng cao. Chất lượng sống đạo ở một bộ phận Phật tử cũng có biểu hiện tiến triển.
Trên tinh thần lạc quan về sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam hiện nay như vậy, việc cải đạo tín đồ Phật giáo được coi là cá biệt, không đáng kể, không thành vấn đề.
Những người thuộc nhóm ý kiến lạc quan này đưa ra những dự báo phát triển tươi sáng của Phật giáo Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng vị trí là tôn giáo hàng đầu, tôn giáo đa số của Phật giáo tại Việt Nam là vững chắc, tuyệt đối.
Suy?
Trong số những ý kiến thuộc loại này, có ý kiến của một vị tu sĩ Phật giáo, cho rằng Phật giáo Việt Nam có những sự phát triển không cân đối, có thể so sánh với một người béo phì, tức là trong tình trạng bệnh, theo hướng đi xuống.
Trong nhóm ý kiến này, số liệu thống kê liên tục cho thấy sự giảm sút của tín đồ Phật giáo được coi là quan trọng. Nó cho thấy cơ cấu tỷ lệ tôn giáo tại Việt Nam, trong một thời gian dài, vẫn theo xu hướng chuyển dịch bất lợi cho đạo Phật Việt Nam. Theo họ, nếu dùng số liệu nào, thì nhìn chung, đồ thị vẫn cho thấy chiều hướng đi xuống. Trong khi đó, chỉ số về số lượng tín đồ là đại lượng quan trọng trong việc thể hiện sự phát triển của một tôn giáo và Phật giáo không phải là một ngoại lệ.
Nhìn chung, những người thuộc nhóm ý kiến này thường có sự liên hệ so sánh sự phát triển của Phật giáo với những tôn giáo khác. Có ý kiến cho rằng việc xây dựng mới những ngôi chùa Phật giáo tuy có, nhưng không thể so sánh với quy mô trùng tu các thánh đường của một số tôn giáo khác. Số lượng tín đồ tập trung tại các cơ sở tôn giáo cũng tương tự như thế. Số lượng tín đồ tập trung đến mức 500.000 – 600.000 người tại La Vang, Quảng Trị của một tôn giáo trước nay được coi là tôn giáo thiểu số cho thấy về bề nổi, Phật giáo vẫn không có biểu hiện của tôn giáo hàng đầu tại Việt Nam.
Trong nhóm ý kiến này, những biểu hiện mê tín trong Phật giáo cũng được chú ý.
Theo đó, những kết quả của công cuộc chấn hưng Phật giáo ở nhiều mặt có nguy cơ đảo ngược. Xu hướng cúng kiến, bái lạy vẫn là xu hướng chủ đạo trong Phật giáo. Ảnh hưởng của những vị cao tăng thạc đức chỉ mới tính cục bộ, chưa làm thay đổi hoàn toàn diện mạo chung của Phật giáo Việt Nam. Trình độ Tăng Ni cải thiện không đồng đều, cũng chưa đạt mức quyết định, sự phát triển chưa mang tính vững chắc. Không có chuyển biến tích cực ở Phật giáo nông thôn.
Cũng trong luồng ý kiến này, từ chỗ số lượng người tự xác định là theo đạo Phật có chiều hướng giảm, dẫn đến vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo đối với xã hội Việt Nam cũng diễn biến nhìn chung là theo xu hướng giảm.
Với những dẫn chứng của phía ý kiến cho rằng Phật giáo Việt Nam đang trên đà hưng thịnh, phía ý kiến ngược lại cho rằng đó là những căn cứ định tính, trong khi đó chỉ có những căn cứ định lượng, tức những số liệu điều tra thống kê chính xác, mới có thể được coi là đáng tin cậy.
Sự hưng thịnh là cảm thấy, còn sự suy giảm là xác định.
Sự yếu kém của việc truyền bá Phật giáo ở nhiều khu vực rộng lớn của đất nước như Tây Bắc, Tây Nguyên cũng được lấy làm ví dụ. Ngay khi Phật giáo Việt Nam nhận thức được vấn đề giải quyết cũng chưa mang lại kết quả cụ thể, rõ ràng.
Cải đạo được coi là một mối nguy hiểm, đe dọa Phật giáo Việt Nam một cách trực tiếp và đáng lo ngại. Luồng ý kiến không lạc quan về tương lai Phật giáo Việt Nam xác định cải đạo đã gây nên những hậu quả nhất định đối với Phật giáo Việt Nam, kể cả cải đạo bằng dụ dỗ vận động.
Tổng hợp cả 2 luồng ý kiến trái ngược như trên mà chúng tôi nhận được trong thời gian qua, chúng tôi không ngoài mục đích đặt trước bạn đọc một vấn đề để thảo luận. Đây là một câu hỏi lớn đối với những người có đạo tâm, nặng lòng vì tiền đồ của Phật pháp. Trước những dữ kiện, những lập luận như vậy, xác định Phật giáo Việt Nam hiện nay đang thịnh hay đang suy không phải là điều dễ dàng.
Phật tử chúng ta không kiêu mạn khi Phật giáo Việt Nam thịnh, cũng không lo sợ, buồn nản khi Phật giáo Việt Nam suy. Nhưng việc xác định chính xác thịnh suy, thiết tưởng, là điều hết sức quan trọng. Có xác định đúng, chúng ta mới có thể có những hành động phù hợp, kịp thời, đúng đắn để góp phần xây dựng ngôi nhà đạo pháp một cách hữu hiệu, thiết thực. Thịnh mà cho là suy, hay suy lại bảo rằng thịnh đều không được. Ngoài ra, việc đi sâu lý giải được bản chất của việc thịnh hay suy cũng là điều cần thiết.
Rất mong bạn đọc, bằng bài vở, bằng ý kiến phản hồi, cùng nhau thảo luận để chúng ta tiến gần một câu trả lời chính xác cho vấn đề.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Phật tử Việt Nam