Phật giáo vốn “từ bi, hỷ xả”

Google News

Không ít người đã lợi dụng những lời nói, hành động "kì quái" gây xôn xao dư luận để bôi nhọ danh dự, tính tôn nghiêm của Phật giáo.

(Kienthuc.net.vn) - Không ít người đã lợi dụng những lời nói, hành động “kì quái” gây xôn xao dư luận để bôi nhọ danh dự, tính tôn nghiêm của Phật giáo.

Hẳn chúng ta vẫn còn nhờ những câu chuyện thời sự ầm ỹ về hành trình “nhất bộ nhất bái” của Đại đức Thích Tâm Mẫn, chú tiểu “hộ tống” các thí sinh đi thi hoa hậu và nay là chuyện hai nhà sư bị Mr. Đàm “khóa môi” rùm beng… 

Đứng dưới góc độ một người giáo viên đồng thời cũng là một người con nhà Phật, tôi thực sự bị “sốc” nặng bởi những hành vi đi ngược với chuẩn khuôn mẫu, chuẩn đạo đức của văn hóa người Việt, không dám nói đến Phật giáo vốn khắt khe… 

Tôi nhớ có một lần trong tiết học Giáo dục Công dân 12, khi học bài: “Quyền bình đẳng giữa các tôn giáo”, có một em học sinh đã hỏi tôi: “Vậy thưa thầy! Tại sao những việc làm của người con Phật nhân danh Phật giáo để thực hiện động cơ xấu ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, thậm chí xúc phạm đến nhân phẩm của con người không được xử nghiêm theo giáo luật. Có khi còn “lẳng lặng” cho qua…” 

Tôi hỏi ra mới biết gia đình em học sinh này nhiều đời theo Phật giáo. Do mình cũng là một người con của Phật, được nghiên cứu kĩ những giáo lý nhà Phật, tôi chỉ biết mỉm cười rồi nói với em này bằng ánh mắt trìu mến: “Vốn dĩ Phật giáo nhu mì, thích bình lặng. Hơn nữa, Phật giáo có tính thượng tôn là “từ bi, hỷ xả”.

Em vẫn không chịu tâm phục về những lời lý giải mang tính lí luận suông của tôi. Từ vấn đề gợi mở của em học sinh này, tôi nảy ra ý tưởng cho cả lớp thảo luận để làm rõ bản chất của vấn đề. 

Cuộc tranh luận về vấn đề trên diễn ra mỗi lúc một kịch tính hơn. Nhiều ý kiến được khơi ra để cả lớp cùng tiếp tục suy ngẫm, thảo luận. Chung quy vẫn có 3 vấn đề lớn: Một ý kiến cho rằng Phật giáo không nên nhu mì; một ý kiến cho rằng Phật giáo nên biết lượng sức mình; còn một ý kiến thì nói rằng Phật giáo nên im lặng là thượng sách…

Tôi ghi nhận và trân trọng những vấn đề các em đưa ra. Tôi không bác bỏ hay tán thưởng một chính kiến nào cả. Tôi chỉ đưa ra cho các em nhiều dẫn chứng từ thực tế cuộc sống, từ gia đình… và từ đó các em về nhà tự ngẫm suy bằng kiến thức gần 12 năm đi học. 

Tôi không trách, thậm chí ngược lại còn biểu dương tinh thần học hỏi của các em. Các em đang chập chững bước vào độ tuổi 18, chưa hoàn toàn nhận thức rõ và hiểu sâu những vấn đề xã hội và thực tiễn. 

Buổi học kết thúc, em học sinh lúc nảy chạy ra cửa và phân trần với tôi: “Thầy  ơi! Vậy vấn đề Mr. Đàm “khóa môi” gây chấn động trong Phật giáo đúng hay sai hả thầy?” 

Dường như tôi thấu hiểu được cái tâm tính hướng Phật của em. Tôi không biết làm gì ngoài việc vỗ vai và cười nói: “Sau này em lớn em sẽ hiểu”. 

Đó là buổi học đã để lại cho tôi nhiều ý nghĩa và ấn tượng… 

Câu chuyện trên hẳn mỗi chúng ta sẽ rút ra nhiều bài học về cuộc sống từ câu chuyện phật giáo. 

Quay lại với vấn đề Mr. Đàm “khóa môi” hai nhà sư, tôi không dám đưa ra nhận định hay chính kiến cá nhân. 

Nếu chúng ta càng đi sâu vào mổ xẻ, phân tích và xem đây là vấn đề “hot” thì vô tình đã tự hạ thấp, thậm chí có thể chà đạp, lên nhân cách và danh dự của nhà Phật. Điều này đồng nghĩa với chúng ta đã đánh đồng với những ý nghĩ bồng bột, hiếu động của những em học sinh kia. 

Phật giáo vốn “từ bi, hỷ xả”, “khoan dung, độ lượng”, ai có tội sẽ tự thấy hổ thẹn với lương tâm với những công đức đã khổ luyện, hãy trả lại giá trị, bản chất đích thực của Phật giáo khi chưa quá muộn…

Lưu Minh

[links()]