Ấy vậy mà một số bà con thân tộc vốn không hiểu đạo lại tiếc cho Ngài. Phải chi Ngài đừng xuất gia, ở nhà làm vua trở thành Chuyển luân Thánh vương thì hay biết mấy. Con đàn, của đống, hùng lực và uy danh của dòng họ Thích sẽ vang xa, dòng vua sẽ không bị đoạn dứt.
Thế Tôn cũng nhân từ giải thích cho những người bà con dòng tộc rằng, Ngài đi tu không làm vua ở thế gian nhưng làm vua trong Chánh pháp. Ngài là Pháp vương, tôn quý bậc nhất trong ba cõi, bảy báu (thất giác ý) nhiều vô lượng, con cái Thanh văn đông đến hàng ngàn, nhất là ngôi vua pháp bền vững không bị người đoạt mất, nói chung là ngôi vị Chuyển luân Thánh vương ở thế gian không thể sánh bằng.
|
Pháp vương là vua Chánh pháp, là bậc tối tôn tối thắng trong Chánh pháp. |
“Một thời Phật ở trong vườn Thích-sĩ Ni-câu-lưu cùng với năm trăm đại chúng Tỳ-kheo. Bấy giờ mấy ngàn người vọng tộc họ Thích, đến chỗ Thế Tôn cúi lạy và ngồi một bên. Những người họ Thích bạch Thế Tôn:
- Ngày nay, Ngài nên làm vua cai trị nước nhà để dòng họ chúng ta không bị hư mất, không làm cho ngôi Chuyển luân Thánh vương bị đoạn diệt. Nếu Thế Tôn không xuất gia, đáng lẽ làm Chuyển luân Thánh vương trong thiên hạ, thống lãnh bốn thiên hạ, đầy đủ ngàn con. Dòng họ chúng ta tên tuổi vang xa là dòng họ Thích sanh ra Chuyển luân Thánh vương. Vì thế, Thế Tôn, hãy làm vua, đừng để dòng vua đoạn dứt.
Thế Tôn bảo:
- Nay Ta chính là thân vua, gọi là Pháp vương. Vì sao thế? Nay Ta hỏi các Ông: Thế nào các vị họ Thích? Bảo rằng Chuyển luân Thánh vương bảy báu đầy đủ, có ngàn con dũng mãnh. Nay Ta ở trong tam thiên đại thiên cõi nước là bậc Tối tôn, Tối thượng chẳng ai bằng, thành tựu Thất giác ý bảo, có vô số hàng ngàn con Thanh văn vây quanh.
Thế Tôn liền nói kệ:
Nay dùng địa vị này/Được rồi sau lại mất/Vị này là Tối thắng/ Không cuối, không có đầu/Đã thắng, không thể đoạt/Thắng này là tối thắng/Nhưng Phật vô lượng hạnh/Không vết, ai noi dấu?
Thế nên, này các vị Thích tử, hãy tìm phương tiện làm vua Chánh pháp để cai trị. Như thế, các Thích tử, nên học điều này!
Bấy giờ những vị họ Thích nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Cao tràng [1],
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.452)
Pháp vương là vua Chánh pháp, là bậc tối tôn tối thắng trong Chánh pháp. Thế Tôn đã khẳng định Ngài chính là Pháp vương. Đồng thời, Thế Tôn khuyên hàng đệ tử nên học theo hạnh Ngài, xả bỏ bất cả mọi tham đắm và ràng buộc theo vương quyền thế gian để hướng đến và thành tựu ngôi vị tối tôn trong Chánh pháp, vua pháp, thành Phật.
Điều kỳ thú trong pháp thoại này ở chi tiết Pháp vương chính là Phật, “Pháp vương vô thượng tôn”. Theo phép suy luận thông thường, ai tu hành thành Phật hoặc ngang với Phật thì có thể được gọi (hoặc tự xưng) là Pháp vương, vua pháp. Pháp chủ (chúa pháp) trong mạch nghĩa này cũng như vậy, là Phật, ngang với Phật! Liên hệ rộng ra các chức danh vị đứng đầu Tăng đoàn trong lịch sử Phật giáo thế giới từ xa xưa cho đến cận đại thì có Tăng vương (vua sãi), Tăng thống, Tăng chủ… mà không phải là Pháp vương và Pháp chủ.
Rõ ràng Pháp vương và Pháp chủ là những tôn hiệu để chỉ Đức Phật. Tăng thống, Tăng chủ thì có thể vẫn là phàm tăng hoặc á thánh, còn Pháp vương và Pháp chủ thì chắc hẳn là bậc Giác ngộ, bậc Thánh A-la-hán trở lên. Nên thiển nghĩ, việc thiết định hay diễn dịch các chức danh trong Tăng đoàn cần phù hợp với tinh thần kinh điển và thuận hợp với lịch sử phát triển Phật giáo.
Quảng Tánh
Theo Giác Ngộ