Tiếng Phạn là Dukkha, Trung Hoa dịch là Khổ Thánh Đế, là chân lý chắc thật về những khổ đau, những cái làm cho chúng sanh luôn ở trong ưu phiền sầu não, bực tức, bất an và lo sợ.
Những cái ấy được gọi là Khổ Đế, là những sự thật không ai tránh khỏi khi sống trên thế gian này. Có 2 loại chính là Tam Khổ và Bát Khổ.
Tam Khổ là nhìn về tổng thể thì khổ được chia làm 3 loại:
- Khổ khổ (Dukkha – Dukkhata): Khổ là một cảm thọ, đó là cảm thọ bức rứt, khó chịu, bất an, lo sợ. Cảm thọ đó tạo nên khổ nên gọi là khổ khổ. Nói một cách khác, cái khổ đang có mặt, đang hành hạ mình thị gọi là khổ khổ.
- Hoại khổ (Viparumanum dukkha): Là những cái hiện tại vốn không tạo cảm thọ khổ nhưng do sự biến hoại nên tạo cảm thọ khổ. Như thân thể chúng ta chuyển sang già bệnh chết tạo nên cảm thọ lo sợ, phiền não, bất an. Sự biến hoại tạo nên đau khổ đó được gọi là hoại khổ.
|
Đức Phật luôn hướng dẫn về cái khổ mà chúng sanh đang mắc phải, cần vượt qua để đạt thánh quả. |
- Hành khổ (Sam kara dukkhata): Vạn vật đều do nhân duyên tập hợp mà thành tựu. Nhân duyên đó luôn luôn vận động theo quy luật thành trụ hoại không. Sự chuyển dịch từ cái có đến cái không ấy, tạo cho ta một cảm thọ bất an, nhất là khổ đang ở trong giai đoạn trụ. Tức là giai đoạn của hạnh phúc được thỏa mãn. Cái hạnh phúc ấy sẽ tiếp tục đi vào biến hoại và hủy diệt, tạo cho ta sự đau khổ. Cái đau khổ này được gọi là hành khổ. Phật thường dạy: “Chư hành vô thường” là ở ý này.
Bát Khổ nhìn về mặt phân tích, khổ đế được chia làm 8 loại:
- Sanh: Từ khi sinh ra đến khi lìa đời, cuộc sống bị vây bởi mọi thức bức bách như đói khát, lạnh nóng, giàu nghèo, sang hèn, tham giận, tật đố.
- Già: là tình trạng lão hóa của mọi sinh vật. Hiện tượng này làm suy sụp thoái hóa thân thể và tâm hồn làm cho khổ thọ có mặt nhiều hơn lạc thọ.
- Bệnh: Thân thể, tâm lý không điều hòa, đưa đến các bệnh tật về lục phủ ngũ tạng, thần kinh hoặc các bệnh phong hàn, cảm mạo tất cả nhưng bệnh tật đều tạo nên khổ thọ cho chúng ta.
- Chết: Là sự hoại diệt, thân thể không còn hoạt động, không còn tri giác, từng bộ phận cơ thê sẽ bị hủy diệt theo thời gian. Cái chết cho cảm thọ khổ ngay khi chết, cơ thể bị co rút, hơi thở bị ngừng hụt, thân thể đau đớn như bị dao cắt.
|
Có rất nhiều cái khổ mà người đời đang phải gánh chịu (Ảnh minh họa). |
- Phải xa người thương: Con người lấy tình cảm làm đầu. Tình cảm thì có thương yêu, ganh ghét... Thương yêu thì muốn chiếm hữu muốn gần gũi thế mà phải cách biệt để nhớ nhung sầu khổ, cảm thọ ấy thật không dễ chịu.
- Phải gần người ghét: Ngược với khổ trên, khổ này có mặt vì phải gần gũi người mình ghét, không muốn gần mà phải gần, không muốn nói chuyện mà phải nói chuyện thật là một cảm thọ khó chịu.
- Mong muốn không được toại nguyện: Đây là cảm thọ có mặt do sự thất bại trong cuộc đời. Thất bại về công danh, sự nghiệp, tiền tài, sắc dục... Những việc không như ý ấy cho ta một cảm thọ thật là chịu không nổi.
- Năm ấm lẫy lừng: Năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đó là năm thành phần tập hợp nên thân thể sống của một chúng sanh, nó luôn luôn đòi hỏi thúc bách mình để thỏa mãn tất cả các dục vọng. Sự đòi hỏi thúc bách này làm cho ta không yên, ta phải quay cuồng trong cuộc sống, không có thì tìm cách làm cho có, có rồi phải tìm cách gìn giữ bảo vệ.
Qua đó cho thấy khổ đề là một thật tướng của thế gian, chúng ta phải nhận diện đúng như thật về những khổ thọ đang có mặt trong thân tâm mình. Vì có nhận diện đúng, chúng ta mới có ý niệm muốn thoát ra, mới có ý niệm tìm hiểu nguyên nhân của những khổ thọ ấy và phương pháp để ra khỏi chúng.
Tu tập theo Đạo Phật là để vượt khỏi khổ thọ. Cho nên khổ đế được thuyết minh không phải là để bôi đen cuộc đời, không phải để bi quan yếm thế mà để nhận chân một sự thật đang có mặt trong mỗi con người, trong mỗi xã hội. Khổ thọ ấy như thế trở thành Thánh Đế, vì chính vượt được những khổ thọ này, con người sẽ có an lạc, tươi mát và thánh thiện.
Vô Thường (Trích từ giáo lý Phật giáo)
Theo Gia Đình Việt Nam