Phật tử & cái bẫy ý kiến

Google News

Có bạn nhắn tin hỏi mình, vụ đốt tượng Phật ở chùa Viên Giác (TP.HCM), có ý kiến gì không? 

Mình bảo, mình không dám có ý kiến nhiều, chỉ có cảm xúc nhiều - là thương mấy bức tượng Phật bị đốt quá, vì mình thấy hình tượng Phật, dù là được khắc chạm bằng đá hay làm bằng thạch cao, bằng đồng, bằng xi măng, hoặc họa vẽ trên giấy gì mình cũng kính lễ hết!
Thực ra, có rất nhiều sự việc mình nghe đâu đó, loáng thoáng quanh sân chùa, ngoài cổng thiền môn hay trong chánh điện, có những chuyện cũng thấy là lạ, nhưng rồi ngẫm kỹ thì cũng là bình thường. Như chuyện Phật tử giành chỗ ngồi, ai vô ngồi chỗ mình xí trước đó thì khó mà yên, chuyện có vị thầy dạo nào khóa môi ca sĩ hay chuyện mấy chú tiểu tung hình kỳ kỳ lên mạng xã hội... khiến cư dân mạng được phen chém gió. Sở dĩ mình nghĩ chuyện đó bình thường, bởi đó là chuyện thế gian, ở đời, khi con người còn tham-sân-si thì dù trong hình tướng nào cũng có lúc làm sai, làm quấy, vậy thôi!
 Ảnh minh họa. 
Đạo Phật có cốt lõi giáo lý, chung quy dạy môn đồ đệ tử sống hiền thiện, sống lành tốt. Nếu làm tốt vai trò của mình, sống đúng tinh thần Phật dạy, làm một Phật tử tốt thì sẽ kiến tạo được an vui cho mình, đóng góp được hạnh phúc cho cộng đồng, xã hội mình đang sống, chứ đừng có ngó quanh ngó quất, rồi phê bình, rồi kỳ thị, rồi hơn thua, rồi sợ hãi... Những tâm lý đó chẳng đưa bản thân mình tiến lên hay thăng hoa đời sống tâm linh, mà cũng không đúng tinh thần Phật dạy.
Do vậy, đừng có ngó quanh rồi thị phi, hơn thua chi cho khổ, cứ sống đúng Chánh pháp chính là hoằng pháp, là xiển dương đạo mầu. Bởi mọi người sẽ nhìn vào chất Phật, cách sống, cách nghĩ của người con Phật mà học Phật chứ không ai nhìn vào sự hơn thua, tranh cạnh của người Phật tử với những đối tượng, tổ chức không cùng màu áo, quan điểm với mình để đi theo. Mà nếu có như vậy và thành công thì đó không phải là con đường hoằng pháp chân chính nên người ta có theo mình thì cũng không phải là theo Phật, trên tin hiểu nhân quả chân thật.
Nhớ lời dạy của Sư ông Làng Mai: “Kẻ thù chúng ta không phải con người”. Theo đó, việc dùng ý thức hệ này hay con người, tập thể kia để triệt tiêu ý thức hệ khác, con người hay tập thể khác... thì cũng là một hành động bạo động. Kết quả thế nào thì cũng không đưa tới sự giải thoát, chỉ tạo ra oán cừu và tự mãn hoặc tự ti, khiến cuộc sống cứ thế mà tử sanh, luân hồi.
Thắp lửa lên, thứ lửa yêu thương và hiểu biết cho chính mình, thấy rõ định luật nhân quả để đừng có nhúng tay vào chuyện thị phi, tự cho mình quyền sinh sát và tự phong mình vị trí quan tòa để định tội hoặc phán xét. Cứ để yên vậy và làm việc tốt có thể, tiếp tục làm những việc thiện lành đã làm lâu nay.
Chẳng phải cuộc sống tồn tại quy tắc “cao nhân tất hữu cao nhân trị”. Do vậy, khi mình không phải là cao nhân thì mình im lặng, lo giữ gìn ý-khẩu-thân thanh tịnh. Cũng như lâu nay mình kính Phật trọng Tăng như thế nào thì giờ mình cứ giữ hạnh ấy mà thực tập chứ mắc chi vì vài vị Tăng (Ni) chưa tu tốt rồi mình quy chụp, mình đánh mất lòng tin vào con đường tốt đẹp mình đang đi? Mắc chi, vì chuyện ai đó đốt tượng Phật rồi mình xáo trộn, đánh mất đi sự bình an chỉ vì lo nghe ngóng, lo bực bội...
Thực ra, có rất nhiều việc mình biết, mình rõ, nhưng vai vế của mình không có quyền được lên án, được ý kiến ý cò gì hết. Giống như khi bạn là con của ba má bạn, dù ba má bạn có sai cỡ nào, bạn cũng không-được-quyền đem ba má mình ra hạch tội hay xử phạt... Nếu quả tình ba má mình có tội thì sẽ có nơi, có chỗ thực thi việc công bằng đó. Cũng như, mình vốn là Phật tử, thầy nào đó có sai sót chi đó thì còn có chư tôn đức lo liệu, xử lý, nếu liên quan tới pháp luật thì pháp luật vào cuộc. Riêng mình, nếu để cuốn vào vòng xoáy nhận xét, loay hoay khó chịu với những gì đang diễn ra hoặc tham gia lên tiếng trong tâm trạng bức xúc là bạn đang tự lái mình đi ngoài phạm vi của sự tu tập, không đúng vị trí, vai trò và cũng không đúng với tinh thần học Phật là sửa ý-khẩu-thân mình trở nên thanh tịnh...

Theo Lưu Đình Long/Giác Ngộ