Phóng sinh là một việc làm thể hiện lòng từ bi, thương yêu muôn loài theo tinh thần từ bi mà Đức Phật đã dạy. Vì thế, trong ngày Phật đản, rất nhiều loài sinh vật được những người Phật tử phóng sanh vào môi trường tự nhiên, trong đó nhiều nhất là phóng sanh cá.
|
Trong số những loài động vật được phóng sinh, có một số loài là những con vật nuôi và chắc chắn chúng khó có thể sống sót trong môi trường tự nhiên. |
Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết và thiếu cẩn trọng cho nên số lượng cá mà họ phóng sinh vào trong môi trường tự nhiên phải đối mặt với sự tàn sát. Tại Hồng Kông, tình trạng này đã diễn ra vào dịp lễ Phật đản trong các năm trước, cho nên vào dịp Phật đản năm nay, Tiến sĩ Man Chi, Giám đốc điều hành Tổ chức Năng Lượng Xanh (Green Power), đã đưa ra lời cảnh báo rằng, việc chọn không đúng loại cá để phóng sinh trong ngày Phật đản có thể gây hại nhiều hơn là lợi cho môi trường sống.
Chẳng hạn như trường hợp loài cá mú khổng lồ Sabah. Đây là một loài cá được nuôi trong các trang trại cá ở Malaysia, loài cá này chủ yếu là nuôi để cung cấp thực phẩm cho con người. Nhưng nó đã trở thành một loài sinh vật được nhiều người chọn để phóng sinh vì to và khá rẻ. Nếu phóng sinh loài cá này vào những vùng nước ở Hồng Kông thì sẽ gây bất lợi cho hệ sinh thái ở địa phương vì loài cá này rất háu ăn. Nó phải ăn đến 4 kg cá nhỏ để phát triển thêm được 1kg đồng thời có thể cắn người khi đói. Tháng trước, một người đàn ông đã bị loài cá này cắn khi ông lội xuống hồ Pok Fu Lam. Vết cắn dài đến 15cm.
Ông Ken Ching Xem-ho, Giám đốc Trung tâm Giáo dục sinh thái và Tài nguyên Năng Lượng Xanh cho biết, ông đã nhìn thấy 8 con cá mú Sabah khổng lồ trong lần ông lặn gần đây ở đảo Sharp. Ông cảnh báo, cá mú có thể đe dọa loài cá giao đỏ đẻ trứng gần đảo mỗi tháng.
Ông Ching cho hay, có nhiều loài động vật đã chết sau khi được phóng sinh không đúng vị trí. Ông cũng đề cập đến việc những người phóng sinh cua lông, rùa, ếch và thậm chí phóng sanh cả côn trùng, làm như thế là phá hoại môi trường sống và thậm chí giết hại các sinh vật ấy chứ không phải là từ bi và trí tuệ theo tinh thần của nhà Phật. Có lần, người ta đã phóng sinh 10.000 con châu chấu vào hồ chứa nước Mun Shing, ông nói.
Còn với những lượng cá được phóng sinh tại các bến tàu công cộng thì chỉ trong vòng một vài tiếng đồng hồ, rất nhiều trong số đó đã bị những người đánh cá bắt lại, ông Chinh nói.
Còn ở Singapore, Ban quản lý Công viên quốc gia Singapore cũng đã nhắc nhở người dân không phóng sinh các loài động vật vào công viên và các khu vực tự nhiên khác. Ông Wong Wah Tuan, Giám đốc bảo tồn tại Công viên quốc gia nói: “Chúng tôi kêu gọi người dân không phóng sinh các động vật vào tự nhiên bởi vì khó đảm bảo sự sống còn của chúng”.
Trong số những loài động vật được phóng sinh, có một số loài là những con vật nuôi và chắc chắn chúng khó có thể sống sót trong môi trường tự nhiên.
Một số loài động vật khác có khả năng thích ứng với môi trường mới thì có thể phá vỡ cân bằng sinh thái khi chúng cạnh tranh với các loài bản địa về nguồn thức ăn hoặc phát tán các loài virus mới vào tự nhiên.
Ông Yap Kheng Quan, Chủ tịch Hiệp hội Phật tử, phát biểu: “Vì lòng từ bi, thương yêu muôn loài, tốt hơn hết chúng ta nên hạn chế việc phóng sanh các loài động vật vào các khu bảo tồn thiên nhiên và các hồ chứa nước. Việc làm đó vô tình có thể biến các loài được phóng sanh trở thành miếng mồi cho các loài động vật ăn thịt trong tự nhiên hoặc có thể gây hại cho hệ sinh thái”.
Phóng sinh là một việc làm thể hiện lòng từ bi, nhưng nếu chúng ta làm không đúng cách, chọn không đúng loài vật, hoặc phóng sinh vào môi trường không phù hợp thì có thể vô tình giết hại sinh vật, tác động xấu đến môi trường sống.
Theo Giác Ngộ