Quay về nội tâm là đề tài quan trọng đối với Phật tử và cũng là một việc mà nhiều người dễ ngộ nhận và phạm sai lầm, cho nên chúng ta cần cân nhắc kỹ để đi đúng con đường Phật đã đi.
Đức Phật Thích Ca có đời sống trầm mặc, gọi là tịch mặc, hay đời sống không sống với ngoại cảnh, nhưng phần lớn sống với nội tâm. “Quay về nội tâm” là chúng ta muốn có đời sống như Phật, nhưng làm giống Phật về hình thức thì ai cũng làm được, còn làm đúng như Phật đã làm để thành Phật thì không ai được.
Thật vậy, bắt chước sống trầm mặc như Phật, hướng về nội tâm, sống âm thầm thì chỉ một thời gian sau, người ta thường rơi vô bệnh trầm cảm; vì khi sống với nội tâm, túc nghiệp là tất cả những việc tốt xấu quá khứ của chúng ta đều hiện ra, đó là nghiệp, phiền não, trần lao. Vì lý do đó, chúng ta không nên ngồi yên, nhưng nên tìm việc tốt để thay thế việc xấu.
Riêng thầy thường chọn pháp sám hối là đem điều tốt vào lòng để xua đuổi điều xấu. Siêng năng lạy Phật, đem Phật vào lòng là khởi đầu tu. Kinh nghiệm tu hành của chư vị Tổ sư đều dạy phải đem Phật vào lòng để loại trừ tà ma và đem pháp Phật vào để xóa ác nghiệp quá khứ, vì nhiều kiếp chúng ta sống trong sanh tử, nên đã đem ma vào đầy ắp lòng mình, tạo thành nghiệp dày đặc.
Thầy khuyên các Phật tử nghe pháp, nhận thấy ý nào mình tâm đắc thì lưu lại trong lòng, vì nhờ những điều tốt nghe được trong thời pháp, hoặc đọc được trong sách thánh hiền, đó là kinh nghiệm của người trước để chúng ta thực tập theo. Nếu không biết những gì tốt hay xấu, chúng ta sẽ phạm sai lầm, mà sai lầm về tâm thì khó cứu. Vì vậy, cần đem pháp Phật vào lòng để rửa sạch lòng trần và học những kinh nghiệm tu hành của các vị Tổ.
Riêng thầy, thuở nhỏ tu hành không ai hướng dẫn, tự phát tự tu, nên một khoảng thời gian sau sanh bệnh. Sau đó, nhờ đọc sách, tụng kinh, học được kinh nghiệm của Phật, của Tổ, sửa mình, thân mới khỏe mạnh, tâm mới an lạc. Thí dụ đơn giản như chúng ta nghe pháp, rồi chấp pháp, bảo rằng khi thọ giới Sa-di thì không ăn chiều, ăn quá giờ ngọ là tội; vì Phật ăn ngọ, chư Thiên ăn sáng, súc sanh ăn chiều, ngạ quỷ ăn đêm. Nghe vậy, sợ không dám ăn chiều, nhịn đói thì cơ thể không được bổ sung, nên sanh bệnh. Bệnh đầu tiên thầy bị là bệnh đau bao tử, vì càng cố gắng nhịn ăn chiều, nước miếng và dịch vị tiết ra càng nhiều. Trong khi nước miếng và dịch vị dùng để chuyển hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng nuôi cơ thể, nhưng vì không ăn, bao tử trống rỗng, nên nước miếng và dịch vị đã bào mòn làm loét bao tử.
Nhưng may mắn cho thầy là gặp Hòa thượng Thiện Hòa dạy luật, ngài bảo người khỏe thì không cần ăn chiều, đối với người bệnh thì cần ăn chiều để có sức khỏe mà tu. Vì vậy, Hòa thượng khuyên thầy nên ăn chiều để không đau bao tử. Về sau, thầy gặp Hòa thượng Thanh Kiểm, ngài cho biết lúc tuổi trẻ, Hòa thượng cũng cố gắng không ăn chiều, nhưng càng nhịn ăn càng cảm thấy thèm ăn và càng thèm ăn thì cái đói càng tăng thêm, hai điều này tác động hỗ tương với nhau khiến cho thân tâm khó được an. Hòa thượng kể rằng ở Alaska có loại gấu tuyết, mùa đông không ăn mà nó vẫn khỏe. Hoặc trong rừng nhiệt đới có loài rùa nhiều tháng không ăn vẫn sống. Riêng Đức Phật và các vị thiền sư có cơ thể phước báu, hoàn hảo, nên các Ngài không ăn chiều là việc bình thường, thậm chí nhiều ngày, nhiều tuần không ăn vẫn khỏe mạnh.
Nếu chúng ta không học ở thầy, ở bạn, ở Chánh pháp, tất cả nghiệp chướng trần lao và bệnh cố chấp sẽ dẫn đến phát sanh bệnh hoạn. Nhà thiền thường nói rằng nếu không làm thì không ăn. Còn có làm việc thì phải bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể sống khỏe. Khi thầy tu thiền, không ăn chiều; nhưng lúc thầy làm Phật sự, đi nhiều, hoạt động trí não nhiều, mà không ăn chiều, cảm thấy sức khỏe kiệt quệ. Tu thiền không ăn chiều, ngồi thiền sẽ nhẹ nhàng hơn, đầu óc tỉnh táo hơn. Chúng ta đang làm việc, tất yếu cần bổ sung dinh dưỡng để sức khỏe được bảo đảm, không sanh bệnh. Trái lại, không làm việc, ăn nhiều dẫn đến béo phì, cũng thành bệnh. Nhờ điều chỉnh việc ăn uống đúng pháp để tu hành, thầy đã trải qua bốn mươi năm, trọng lượng cơ thể không tăng, không giảm và không đau bệnh.
Đương nhiên hướng về nội tâm là việc chính của người tu, nhưng theo kinh nghiệm của Tổ Thiên Thai, nếu có bệnh thì phải chữa khỏi bệnh mới tu được. Chưa chữa lành bệnh mà thực hành pháp hướng về nội tâm sẽ bị trầm cảm, hay là bị lạc vào thế giới ma, hoặc thân bị bệ rạc. Ba hậu quả này rất nguy hiểm. Bệnh trầm cảm chúng ta đã biết. Bị lạc vào thế giới ma, vì trong tâm mình chứa ác nghiệp từ vô thủy kiếp cho đến ngày nay; vì vậy, khi nhắm mắt, ngồi yên, tất cả nghiệp ác sẽ hiện ra và dẫn mình vào thế giới nghiệp. Tâm rất linh hoạt, khi ta liên hệ với cái gì thì cái đó có sức thu hút, dẫn ta đi.
Riêng thầy, khi ngồi yên thì Bồ-đề đạo tràng hiện ra, vì thầy suy nghĩ nhiều về Phật; cho nên, đi vào thế giới yên tĩnh, Phật và Thánh chúng hiện ra. Được như vậy là thế giới nội tâm tốt. Ngài Trí Giả cho biết khi ngài ngồi yên, sống với nội tâm, thì hiện ra cảnh non Linh Thứu với Đức Phật Thích Ca thuyết pháp cùng Thánh chúng tham dự. Vì vậy, ngài nói rằng tụng kinh Pháp hoa thấy hội Linh Sơn chưa tan; nghĩa là túc duyên quá khứ ngài đã từng tu Chánh pháp, từng sống ở hội Linh Sơn, nên khi ngài hướng nội tâm về cảnh giới Linh Sơn, pháp hội này liền hiện ra.
Các vị chân sư gặp nhau thường nói “Linh Sơn cốt nhục”. Ý nghĩa Linh Sơn cốt nhục rất quan trọng. Khi sang Nhật, lần đầu tiên gặp Hòa thượng Ito đón thầy, xá rồi nói Linh Sơn cốt nhục. Nghĩa là ông từng nghe Pháp hoa ở hội Linh Sơn và thầy cũng ở hội Linh Sơn. Bây giờ anh em gặp nhau, không phải chỉ mới gặp mặt lần đầu ở thế giới hữu hình này, mà chúng ta đã gặp nhau ở thế giới nội tâm, tức là Hòa thượng Ito và thầy đã quen nhau ở hội Linh Sơn và đã trao đổi với nhau ở hội Linh Sơn. Điều này thầm hiểu ở trong lòng, yên lặng thì cảnh giới vi diệu như vậy xuất hiện; cho nên người tu thường sợ cái động bên ngoài sẽ kéo họ về thực tế, về trần lao.
Khi chúng ta hướng về thế giới nội tâm như thế sẽ quên mất vui buồn, vinh nhục, nóng lạnh. Thầy có kinh nghiệm về pháp này, có lúc trời nóng đến 37 độ, nhưng thầy an trụ trong thế giới nội tâm không hề có cảm giác nóng, đến khi trở lại cuộc sống thực tế mới thấy nóng. Thiền sư thường nói rằng người tu nhập thiền thì không biết nóng lạnh, đói khát, vì khi chúng ta sống với nội tâm, đói khát nóng lạnh chẳng dính líu gì đến thân tâm. Có lần thầy dành thì giờ viết luận án tiến sĩ, thầy quên ăn, nhưng không đói. Nếu quý vị tập trung nội tâm, sẽ quên hết sự vật, quên cuộc sống hàng ngày.
Với những hành giả từng sống trong thế giới Phật, từng tu ở đời quá khứ, nếu cứ tiếp tục tu như vậy sẽ đắc quả La-hán, Bích chi Phật. Thật vậy, vì quá khứ của hành giả quá tốt thì nên trở về kho báu có sẵn. Hành giả đã từng tu pháp này, từng đạt quả vị này, nên cần yên lặng, hướng về nội tâm, chắc chắn có được của báu, vì của báu này đã có sẵn rồi. Điển hình là Đức vua Trần Nhân Tông mà chúng ta sắp làm lễ kỷ niệm 705 năm ngài nhập Niết-bàn. Ngài nói khi trở về nội tâm thì thấy cả kho báu có sẵn. Ngài nói được câu này, riêng chúng ta không nói được như vậy, vì tâm chúng ta đầy phiền não, trần lao, nghiệp chướng mà nói như vậy là vọng ngôn. Hoặc Đức Phật Thích Ca khi còn là thái tử có đủ điện ngọc ngai vàng, phú quý vinh hoa, nhưng Ngài không quan tâm. Trong lòng Ngài có cái gì vô cùng quan trọng, nên thái tử Sĩ Đạt Ta thường ngồi trầm mặc để tìm kiếm kho báu trong tâm. Đi tu là đi tìm kho báu nằm trong nội tâm, đó là những cái mà mình từng tu tập trong quá khứ, có đủ bạn tốt trong đó.
Khi thầy thực tập pháp này, trở về nội tâm trầm mặc, thầy nhận ra được cuộc sống thực, con người thực của mình. Nhận ra được như vậy rất quan trọng để chúng ta từng bước đi lên. Con người thực của mình là gì, phiền não mình có mấy phần, trần lao gánh vác bao nhiêu, trí tuệ có được bao nhiêu, phước đức tới đâu... Trở về nội tâm mới thấy những điều này và đối với phiền não vô tận thì đoạn trừ, đối với phần công đức đã tu tạo ở quá khứ thì sử dụng công đức này để phát huy lên. Vì vậy, nhận ra và sống được đời sống nội tâm, thấy được con người thực, chúng ta theo đó mà sống, không tham vọng. Theo con người thực, biết mình làm được việc gì thì làm theo năng lực đó, còn không biết sẽ làm sai, phải thọ quả báo.
Quay về nội tâm để thấy được con người thực của mình, thấy phước báo và nghiệp của mình. Nếu nhìn ra, không nhìn vào, thấy đây là cha mẹ, anh em, tài sản của ta thì sẽ khởi vọng tâm tham đắm và quyết tâm bảo vệ những thứ này. Nhưng nếu có đời sống nội tâm trầm mặc và quán nhân duyên sẽ thấy được quá khứ. Thật vậy, Đức Phật nói với vua Tần Bà Sa La rằng A Xà Thế là oan gia của ông, không phải là người con bình thường. Đời trước ông đã giết nó, cho nên hiện đời nó sanh lại làm con của ông để đòi món nợ máu này. Trở về nội tâm thấy được tiền nghiệp quá khứ như vậy, nếu không, thì cứ oán than rằng nó là đứa con bất hiếu. Có đời sống yên tĩnh, quan sát biết ai là người thân của mình, ai là người từng chống đối mình. Riêng thầy cũng có kinh nghiệm này, có người vừa trông thấy đã có cảm giác quen rồi. Tu đúng pháp, trở về nội tâm thanh tịnh, còn trở về vọng tâm là phiền não phát sanh.
Đức vua Trần Nhân Tông 16 tuổi làm thái tử đã muốn tu và ăn chay trường. Có thể nói thế giới nội tâm của ngài là thế giới của Phật, Bồ-tát. Đối với ngài, hiện hữu trên cuộc đời, làm vua phải bảo vệ đất nước. Ngài làm vua nước Việt Nam, một nước nhỏ nhưng đánh thắng quân Mông Nguyên có sức mạnh quân sự thời ấy đã chinh phục được hai phần ba thế giới. Nguyện của ngài sanh làm vua để phục hưng Phật giáo, không phải để hưởng thụ. Vì vậy, ngài đã cho phép cung phi mỹ nữ trở về lập gia đình, không nỡ bắt họ ở trong cung hầu hạ suốt đời.
Đức vua nói trong nhà đã có kho báu, nghĩa là tất cả công đức mà ngài đã tu Bồ-tát hạnh, gặt hái được trong quá khứ, là quân tướng nhà Trần dưới trướng ngài, là tất cả những Bồ-tát đã làm đạo với ngài trong quá khứ; nói theo kinh Pháp hoa là thầy trò cùng sanh một cõi. Đức Phật dạy rằng điều quý giá của con người là trí tuệ, sức khỏe, bạn tốt. Trí tuệ không ai lấy được của ta và ta càng cho thì trí càng mở rộng. Phải trở về nội tâm để phát hiện kho trí tuệ sử dụng đến vô cùng. Trí tuệ là vàng mà chết mang theo được. Thứ hai là sức khỏe, vì bệnh, không làm được gì thì cuộc đời này cũng trở thành vô nghĩa.
Những người hợp tác với đức vua rất giỏi, rất tốt và trung thành, họ sanh lại để làm việc cùng ngài. Có thể nói tất cả những người này là bạn tốt, cùng sanh chung một thời với ngài, người làm quan, người làm tướng, hợp lại thành sức mạnh vô cùng để giữ gìn đất nước độc lập và phát huy sức mạnh của Trúc Lâm Phật giáo.
Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đã có sẵn những của báu này, nên ngài quay về nội tâm là nhận được liền. Còn tất cả chúng ta không có kho báu, vì trong quá khứ không tạo, nên nay sanh lại cuộc đời, hiểu biết của chúng ta không bằng ai, tài năng và sức khỏe kém cỏi, bạn tốt không có mấy người. Biết rõ như vậy, chúng ta làm cách nào để trí tuệ và sức khỏe cùng bạn tốt tăng thêm, vì chúng ta chưa có, nên phải tạo ra, chứ tìm ở nội tâm làm sao có được. Chúng ta tìm bên ngoài và lưu lại trong tâm để làm hành trang cho kiếp sau. Sám Quy mạng đã nói yếu lý này rằng “Thử thế phước cơ mạng vị, các nguyện xương long. Lai sanh trí chủng linh miêu, đồng hy tăng tú. Sanh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư, chánh tín xuất gia, đồng chơn nhập đạo…”.
Vì vậy, trên bước đường tu, những gì chưa có, chúng ta phải nỗ lực làm cho thành tựu. Về sức khỏe, phải giữ gìn, bảo vệ để khỏe mạnh mới tu được. Ngài Thiên Thai dạy nếu có trần lao nghiệp chướng nặng thì phải thỏa hiệp với nghiệp để tu, cố gắng quá sẽ chết. Ngài dạy không ăn quá nhiều, không ăn ít, không ăn những chất độc hại, không ăn những thứ không hạp với cơ thể. Ăn vừa đủ dinh dưỡng và thích hợp với mình để bảo đảm sức khỏe.
Và khi ngồi yên thấy phiền não nổi dậy, Trí Giả dạy rằng phiền não nhiều giống như chiếc áo dơ, phải lạy Phật, sám hối, đem Phật pháp vào lòng để xóa sạch phiền não. Vì vậy, với người phiền não, không cho ngồi yên, không cho nghỉ ngơi, lúc nào cũng lạy Phật. Tông Thiên Thai ở Nhật Bản quy định một ngày phải lạy 500 lạy, lạy đến chai đầu gối. Phải ở trên núi 12 năm và liên tục lạy Phật, sám hối cho tiêu nghiệp để quên quá khứ đau buồn. Và khi lòng mình như cái áo đã được giặt sạch mới đem màu đạo vào là đem kinh, Phật, Bồ-tát vào lòng. Thầy đã trải nghiệm pháp này. Khi tâm còn nhơ bẩn, lạy Phật mà vụt nghĩ gì khác thì như vậy không đạt kết quả. Cần phải tập trung hướng về Phật, về pháp để đem vào lòng, cho đến khi nhắm mắt thấy Phật, hướng về tâm thì nghe kinh, thậm chí không ai tụng kinh, nhưng mình vẫn nghe là đã thâm nhập được pháp Phật.
Tóm lại, đem Phật pháp vào tâm để rửa sạch lòng trần và hướng về nội tâm thấy Phật, nghe kinh thì bấy giờ chúng ta mới hướng về nội tâm được. Người tâm thanh tịnh thì hướng về nội tâm để đắc thiền. Đối với người tâm vọng động, phiền não nhiễm ô, phải lạy Phật, sám hối nhiều. Nhờ tinh tấn sám hối, tâm chúng ta có kinh, có pháp, có Phật, thì chúng ta hướng về nội tâm mới thấy thế giới Phật và Bồ-tát hiện ra, cũng có nghĩa là thấy con người thực của chúng ta là gì, Bồ-tát là gì và khả năng chúng ta như thế nào, chúng ta sẵn lòng làm.
Hướng về nội tâm để làm Phật, để hành Bồ-tát đạo, để tu giải thoát, đó là ba con đường của Phật đã đi. Riêng chúng ta còn là phàm phu phải cẩn thận, đừng để lạc vào thế giới ma, trở lại rất khó.
HT.Thích Trí Quảng
Theo Giác Ngộ