Trong rừng Kỳ đà ở nước Xá Vệ, Thế Tôn dặn dò các tỳ kheo:
– Mặt trời, mặt trăng có bốn thứ che lấp nặng nề khiến không phóng được ánh sáng. Bốn loại nào? Mây, gió bụi, khói và A-tu-la. Tỳ kheo có bốn kết che đậy tâm người không được cởi mở. Thế nào là bốn? Dục kết, sân nhuế, ngu si và lợi dưỡng. Hãy cầu phương tiện diệt bốn kết này.
Tâm trí con người sinh phiền não là bởi tham, sân, si, bản chất của chúng sinh là vì những điều này mà nặng nề, u ám. Cũng chính những thứ lu mờ tâm trí này kéo dẫn con người đến tội ác, xấu xa và đau khổ. Lời Phật dạy rõ ràng, để xua tan sự che phủ của tối tăm, phải dùng đến ánh sáng tuệ giác của “vô tham, vô sân, vô si”. Nhưng người phước mỏng nghiệp dày, nói thì dễ làm thì gian nan.
|
Ảnh minh họa. |
Rũ hết tham, sân, si còn phải không màng đến lợi thì tâm mới đủ sáng. Dẫu không mang tới phiền nhưng lại khó dứt, thấy lợi quên nghĩa, dễ phạm sai lầm, làm tâm u tối. Lợi có thể che mắt nhanh, đẩy lùi cái tốt, làm biến chất con người. Cần thường xuyên giác tỉnh, vận dụng tuệ giác vô thường để giữ tâm thư thái, nhẹ nhàng.
Người tu Phật thì phải tu tâm, người không tu Phật cũng nên tu tâm, vì tâm là cái gốc của con người, người có tâm thì dù thế sự điên đảo cũng không lung lay, sống đâu cũng ngời sáng, thanh tịnh và bình an.
Xả bỏ lợi danh để từng bước khai mở tuệ giác, tự tại thong dong, hướng tới cuộc sống chân thành, cởi mở, tự nhiên. Kiếp người phù du, là kiếp tạm ở đời, đi qua rồi thì bao danh lợi chỉ còn là hư ảo nhưng nghiệp thì đời đời kiếp kiếp còn mang theo. Vì thế, gieo nghiệp lành, tu tâm thiện mới mong phúc báo, không chỉ cho kiếp sau mà ở chính kiếp này, để sống thiện hơn người, tỉnh hơn người, an hơn người.
Mời quý độc giả xem video về thiền sư Thích Nhất Hạnh (nguồn BBC):
Theo Lichngaytot.com