"Sáo núi” Địch Lộng

Google News

Địch Lộng là tên gọi ngôi chùa trong hang được ví như “chiếc sáo của núi” với những âm thanh của gió thổi vào vách đá vi vu chốn thiền môn.

Những bậc cao niên xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình kể lại rằng, xưa kia nơi này có một hang động nằm trong vùng rừng núi hoang vu rậm rạp. Đứng ở cửa động khi gió thổi vào nghe vi vu như tiếng sáo liền đặt tên Địch Lộng. Thấy trong động có nhiều nhũ đá hình thù kỳ lạ, dân xã Gia Thanh liền mở đường lập chùa thờ Phật vào năm 1740 với tên chữ "Nham Sơn Động Cổ Am Tự".
Chùa trong hang Địch Lộng gồm hai khu vực được phân chia theo lối vào là Hang Sáng và Hang Tối. Chúng tôi men theo Hang Sáng và được chiêm ngưỡng những hình tượng Phật, voi quỳ, ngựa phục… do nhũ đá tạo thành. Đặc biệt, ở đây còn có “cổng trời” cao khoảng 50m, gió luôn thốc nhẹ vào hang nghe vi vu như tiếng sáo thổi.
“Sáo núi Địch Lộng” nằm trên dãy núi đá chạy cắt ngang qua xã Gia Vân được bao bọc bởi những tán rừng. 
Để lên hang Địch Lộng du khách phải đi qua 108 bậc thang núi được ví như 108 bước thử thách của nhà Phật để trở thành chính quả. 

Cửa vòm Hang Sáng cao 50m là nơi có ban thờ Phật cũng là nơi đón gió để tạo nên những âm thanh “sáo núi” 

Du khách chiêm bái ban Phật trong Hang Sáng. 

Tượng hộ pháp được nhân dân xây dựng từ thời vua Minh Mạng. 

Tượng Phật nghìn tay nghìn mắt uy nghi nổi tiếng linh thiêng trong vùng. 

Chùa trong hang Địch Lộng là nơi sinh hoạt tâm linh của nhân dân vùng Gia Viễn. 

Kiến trúc chùa trong hang Địch Lộng gồm những ban thờ Phật được xây dựng trình tự theo lối vào hang. 
Đi hết Hang Sáng là đến Hang Tối thì chúng tôi phải dùng đèn pin để quan sát. Nhũ đá ở đây muôn hình muôn vẻ như hình voi uống nước chum, hùm uống nước vại, khỉ cõng con, bà lão bán thuốc, cây tiền, cây vàng, cây bạc… gợi nên cảm giác huyền ảo, nửa hư nửa thực.
Khi thử gõ vào vách hang, ghé sát tai sẽ nghe thấy những âm thanh như tiếng chuông, tiếng đàn lảnh lót... Trong Hang Tối còn tạc trên đá bài thơ "Vô đề" của nhà sử học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) cảm nhận về vẻ kỳ thú của Địch Lộng.
Tấm bia khắc bài thơ "Vô đề" của nhà nhà sử học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) được đặt ở lối vào.
Nhũ đá hình đài sen trong Hang Tối.

Thạch thiên trụ trong Hang Tối.

 
Những âm thanh tí tách của nước từ trần hang rơi xuống kết hợp với tiếng gió thổi trong hang đã tạo nên những âm thanh như tiếng sáo thổi khiến bao bậc tao nhân mặc khách tức cảnh đề thơ ca ngợi vè đẹp của chùa Địch Lộng.
Theo cụ Nguyễn Văn Minh ở xã Gia Thanh cho biết, hang Địch Lộng có những âm thanh kỳ thú bốn mùa khác nhau. Vào mùa xuân cây cỏ tốt tươi, gió luồn qua những lớp cây dương xỉ ập vào vách đá rồi luồn qua những vòm hang tạo nên những tiếng sáo trầm hùng.
Vào mùa hè, gió từ hướng đông luồn qua những khe núi đập vào hang đá Địch Lộng rồi tản ra các vòm hang nghe như tiếng sao du dương của buổi chiều đồng quê. Hay như mùa thu, tiếng gió kết hợp với những âm thanh tí tách của nước rớt từ vòm hang xuống nghe như một bản hòa tấu của gió và nước.
Đặc biệt thú vị khi nghe “sáo núi” Địch Lộng vào mùa đông. Cái dư vị lạnh thấu da thấu thịt lại được cộng hưởng với những âm thanh gió rít mạnh đập dồn dập vào vách hang sẽ tạo cho du khách một cảm giác cô đơn như đi trên con đường về cõi Phật.
Có lẽ vì thế mà sử sách còn ghi lại, Sau chuyến công du Bắc Hà, trên đường trở về kinh đô Huế, vua Minh Mạng (1791 - 1841) đã ghé thăm nơi đây. Trước vẻ đẹp của chùa và động, vua Minh Mạng đã đề tặng 5 chữ "Nam Thiên Đệ Tam Động" có nghĩa là động đẹp thứ ba trời Nam.
Theo phatgia.org.vn