Hồi nhỏ tôi cứ nghĩ yêu thương là tình yêu nam nữ (chắc hồi đó xem phim kiếm hiệp nhiều quá). Khi lớn lên tí thì tôi hiểu thêm về yêu thương, đó là yêu thương cha mẹ, người thân trong gia đình. Rồi khi biết về giáo lý Đức Phật thì ý nghĩa yêu thương trong tôi được mở rộng ra. Ngoài tình yêu của nam nữ, tình thương người thân, còn có tình thương đối với bà con làng xóm, bạn bè, mọi người và mọi loài chúng sanh xung quanh mình. Tôi thấy một người nhặt ve chai ngoài đường gió bụi, thấy có mình trong người ấy từ lâu lắm rồi, nên đồng cảm với họ. Tôi nhìn bất cứ ai trong cuộc đời cũng tập thấy mình trong đó.
|
Ảnh minh họa.
|
Hôm trước, tôi có đi làm công quả ở chùa Linh Bửu (quận 4). Tôi phụ giúp quý cô làm việc bếp núc để phục vụ khóa tu dành cho những người khuyết tật. Chứng kiến cảnh họ tụng kinh thành thạo, rồi khi đi kinh hành người sáng mắt thì đi trước, người không thấy thì nắm vai người trước mà đi thành hàng ngay thẳng, tôi rất cảm phục. Đến khi cúng dường, tôi thấy những người khiếm thị có người cúng dường 2.000, 5.000 rồi 10.000 đồng. Không biết làm sao những người ấy phân biệt được loại tiền này với tiền kia (chắc cũng có cách thôi, người khiếm khuyết giác quan này thì tăng độ nhạy cảm của các giác quan còn lại mà). Tôi thầm nghĩ những đồng tiền đó ở đâu mà có. Chắc là trung tâm cho, hoặc là do người hảo tâm ủng hộ. Nhưng điều đó không quan trọng, cái quan trọng nhất là chính những việc làm thiện lành hôm nay sẽ có phước lành ngày sau, để họ không còn khó khổ nữa.
Tâm tôi bị chấn động khi chứng kiến từng nhóm người khiếm thị đi rửa mặt, vệ sinh. Tôi thấy đó là chuyện bình thường, dễ dàng đối với họ. Nhưng liền tự hỏi nếu mình rơi vào hoàn cảnh như vậy chắc là khó chịu lắm, bất tiện đủ điều. Thương quá! Khi thấy những người khuyết tật như vậy tôi nghĩ có thể nhiều kiếp trước mình cũng như thế, chịu khổ của nghiệp báo. Rồi may mắn gặp được thiện tri thức giúp đỡ biết tu tập nên mới có ngày hôm nay - một con người bình thường. Thì ra, được làm một người bình thường là đã may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người khác rồi. Thật là mầu nhiệm! Hiểu biết về nhân quả như vậy, tôi tự hứa với lòng cố gắng làm việc lành giúp mình giúp người, không làm việc bất thiện hại người hại mình. Mong những người bất hạnh không còn khổ, sớm gặp hiền nhân để tỉnh thức mà tạo dựng nhân lành cho quả tốt mai sau.
Tôi thấy con người sống với nhau, chỉ có đồng cảm và yêu thương nhau thực sự mới hết đau khổ. Cuộc sống này quá nhiều đau khổ, bạo động đã làm cho con người quên mất mình. Bản chất của mình vốn là yêu thương mà! Nhưng để tìm lại mình, tìm lại yêu thương thì cần phải tập luyện yêu thương. Đơn giản như yêu thương cha mẹ thôi cũng có khó khăn rồi. Bình thường thì không sao, nhưng khi cha mẹ có làm hay nói việc gì mình không thích có thể mình phản ứng khó chịu mặt mày nhăn nhó, có khi cáu gắt. Bây giờ nghĩ lại thật xấu hổ. Cha mẹ biết mình sai đó nhưng vì thương con nên cho con nó “vùng vằng” một chút. Cha mẹ nghĩ mình lớn rồi, “chịu đựng” con một chút, chẳng hại gì. Sự hy sinh của cha mẹ lúc nào cũng cao cả, như câu nói “Công cha như núi cao/Nghĩa mẹ như biển rộng” hay “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Vì thế mình phải luyện tập từ việc yêu thương cha mẹ, yêu thương mình, yêu thương người thân. Hãy để sự yêu thương ấy lớn lên để đến một ngày nào đó những hạt giống lành trong tâm sẽ nảy nở, rồi ra hoa, kết quả yêu thương hết thảy chúng sanh. Mình không để cho ganh tị, thù hận có cơ hội nổi dậy chiếm lấy yêu thương. Mình phải luôn nuôi dưỡng yêu thương để nó ôm ấp ta, cho ta được vui vẻ, an lạc và xoa dịu những vết thương lòng, những khổ đau, những thù hận.
Tôi nhận ra rằng con người yêu thương nhau là một điều rất chi là tự nhiên, từ ban sơ đã là như vậy rồi, đó là một sự mầu nhiệm. Nên mình không cần phải chạy đi kiếm tìm ở đâu xa, quay về với tự thân là có yêu thương, là tìm thấy chính mình. Sống để yêu thương là đời sống ý nghĩa nhất.
Theo Giác Ngộ