Sự vận động 12 nhân duyên

Google News

Ðối với hàng phàm phu và Tiểu thừa, căn cơ thấp kém thì không thể trực tiếp phá trừ vô minh căn bản như bậc Đại thừa Bồ tát.

Những người này chỉ có thể phá trừ vô minh hiện tại (chi mạt vô minh), tức là diệt "ái, thủ, hữu". Khi cành ngọn đã bị chặt rồi, thì gốc rễ dần dần bị tiêu diệt.

1. Tiến trình tổng quát của sự vận động:    

Giáo lý Mười hai nhân duyên chỉ rõ: không có thành phần nào đứng lẻ loi một mình và tác động một cách riêng rẽ, độc lập, mà không phụ thuộc các thành phần khác. Tất cả đều có liên hệ với nhau và không thể tách rời nhau. Mười hai nhân duyên là một tiến trình liên tục, không gián đoạn. 

Trong tiến trình ấy không có cái gì bền vững hay đứng nguyên một chỗ mà tất cả đều vận động. Ðó là sự phát sinh ra những điều kiện luôn luôn biến đổi tùy duyên vào những điều kiện khác đang dần dần tan biến. Quy luật “cái này có thì cái kia có hoặc hình thành”, hoặc “cái này không có thì cái kia cũng không có” hoặc “cái này chấm dứt thì cái kia cũng chấm dứt” đó là tiến trình diễn biến mãi mãi vô cùng tận, không bao giờ gián đoạn và không bị ảnh hưởng do một nguồn lực nào ở bên ngoài tác động. Nó biến động liên tục không có đầu và không có cuối, như ở trên một vòng tròn có 12 mắt xích móc chặt vào nhau. 

 

Vì vậy định luật nhân quả theo tiến trình của Mười hai nhân duyên không có điểm bắt đầu, không biết nó bắt đầu từ bao giờ. Chỉ biết nó cứ liên tục có nhân rồi có quả, nhân sinh ra quả, rồi quả lại trở thành nhân để nhân lại sinh ra quả. Cứ như thế nó diễn mãi triền miên và chỉ khi nào một mắt xích bị chặt đứt, tức là một thành phần bị diệt, hoặc nhân hay quả bị diệt thì tiến trình không xảy ra nữa. Trường hợp ấy có nghĩa là hành giả không phụ thuộc vào quy luật nhân quả, không còn luân hồi và đã được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Để đạt được điều đó cần phải tu tập bằng các phương pháp hành trì, quán chiếu đạt đến trí tuệ bát nhã để không còn vô minh nữa.
 
2. Các phương pháp quán chiếu:

Để nghiên cứu và ứng dụng vào đời sống con người, ta hãy khảo sát sự vận động của Mười hai nhân duyên theo phương pháp quán chiếu, một phép tu rất quan trọng trong các pháp tu hành trong đạo Phật. Tu quán hay phép quán chiếu là việc để tâm quán sát trên một đối tượng, dùng trí tuệ quán chiếu nhằm phá hết mọi phiền não, vô minh mà giác ngộ đạt đến Bồ đề. Hành trì quán chiếu Mười hai nhân duyên là dùng trí tuệ quán chiếu để thấy rõ sự sinh khởi, lưu chuyển và hoàn diệt của Mười hai nhân duyên. Trong quá trình quán chiếu, hành giả sẽ nhận thức rõ ràng thực tướng của vạn pháp là duyên sinh, là vô ngã thì thoát ra khỏi vòng chi phối của mọi hoàn cảnh.

Giáo lý Mười hai nhân duyên giải thích nguồn gốc của vòng sinh tử luân hồi đối với con người là do vô minh tạo nghiệp mê lầm rồi gây ra quả báo khổ đau. 

Để cắt đứt con đường sinh tử luân hồi đau khổ, hành giả phải đoạn diệt được một thành phần trong Mười hai nhân duyên. Khi một thành phần của Mười hai nhân duyên đã bị diệt thì 11 thành phần khác cũng không còn nữa. Việc cắt đứt vòng xích 12 nhân duyên có nhiều phương pháp quán chiếu, gồm có phép quán lưu chuyển còn gọi là quán thuận, phép quán hoàn diệt còn gọi là quán nghịch, v.v... Khi quán một trong các pháp trên thành công thì trí tuệ khai mở, phá được vô minh phiền não, thoát vòng sinh tử luân hồi. Khi một vật được soi rọi dưới ánh sáng trí tuệ hay trải qua một cuộc quán sát nghiêm mật thì sự vật ấy sẽ hiện rõ chân tướng của chúng, bấy giờ không còn đánh lừa được tâm trí của mình.

A. Quán lưu chuyển hay quán theo chiều thuận là phương pháp quán sát trạng thái sinh khởi và lưu chuyển của Mười hai nhân duyên. Sự quán sát này có ba loại: 

a) Quán sát trạng thái sinh khởi của Mười hai nhân duyên từ trong quá khứ xa xôi, từ vô thủy kiếp về trước. Từ vô thủy, do vô minh mê mờ, các vọng động từ từ sinh khởi tức hành. Ðây là nói về trạng thái của Mười hai nhân duyên từ vô thủy, do vô minh vọng động, tạo tác mà có thế giới và chúng sinh, rồi cứ như thế, tiếp tục sinh khởi cho đến ngày nay và mãi mãi về sau v.v…Theo cách trình bày này, vô minh được xem như là căn nguyên, nguồn cội, cốt lõi của mười hai nhân duyên.

b) Quán sát trạng thái lưu chuyển của Mười hai nhân duyên trong ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Cách quán sát trạng thái lưu chuyển này còn được gọi là quán sát theo chiều thuận. 

Ðây là quán sát sự xoay vần của Mười hai nhân duyên trong thời gian từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến vị lai. Mười hai nhân duyên được coi như một vòng tròn gồm 12 vòng nhỏ mắc vào nhau, nối tiếp nhau và liên quan cả ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai, rồi lại tiếp tục các đời về sau. 

Do vô minh và hành trong quá khứ làm nhân sinh ra quả hiện tại (thân đời này) tức "thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ"; quả hiện tại lại tạo nhân trong hiện tại là "ái, thủ, hữu" (đây là vô minh thời hiện tại). Nhân hiện tại lại tạo ra quả vị lai tức là thân đời sau gồm sinh, lão tử . Nói tóm lại, do vô minh nên tạo nghiệp tức hành, vì tạo nghiệp nên chịu quả, quả lại sinh ra nhân tiếp do mê hoặc tạo nghiệp v.v...nhân sinh quả, quả lại sinh nhân, nối tiếp trong ba đời, và nhiều đời sau, quanh quẩn trong sáu đường sinh tử luân hồi, Nhưng vì cứ nối tiếp nhau mãi theo vòng tròn nên hết đời này sang đời khác.

c) Quán sát trong một niệm của hiện tại. Ngoải hai phép quán sát trên. Sự vận động của Mười hai nhân duyên còn cho ta phép quán sát sự sanh khởi và lưu chuyển trong một niệm của hiện tại. Chỉ cần một khoảng thời gian ngắn, ta cũng có thể thấy được sự sinh khởi và lưu chuyển của mười hai nhân duyên, chứ không cần phải quán sát ba đời. Chỉ trong một thời gian ngắn, một sự vật hoặc hiện tượng nảy sinh cũng có thể diễn biến đầy đủ mười hai thành phần từ vô minh là nhân gây ra các bước tiếp theo.

Phân tích ba pháp quán trên, hành giả sẽ rút ra những nhận xét sau đây: 

Trong Mười hai nhân duyên, có hai nhóm làm nhân và hai nhóm làm quả.

Về phía nhân, có một nhóm nhân quá khứ (gồm có vô minh và hành) và một nhóm nhân hiện tại (gồm có ái, thủ, hữu). 

Về phía quả, có một nhóm quả hiện tại (gồm có thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ) và một nhóm quả vị lai (gồm có sanh, lão tử). 

Vô minh có hai loại : Vô minh của đời quá khứ gọi là vô minh quá khứ hay còn gọi là căn bản vô minh (vô minh gốc rễ) và vô minh của đời hiện tại tức là "ái, thủ, hữu" gọi là vô minh hiện tại hay còn gọi là chi mạt vô minh (vô minh cành ngọn). Vì vậy có thể nói ái, thủ, hữu là vô minh đời hiện tại. Và cũng có thể nói "sinh, lão, tử" chính là "thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ" của thời vị lai. Nói như thế là vì, nếu ta đổi qua tráo lại, sẽ thấy rõ: trong "ái, thủ, hữu", có "vô minh và hành", còn trong "sanh, lão, tử" có "thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ". 

B. Quán hoàn diệt hay quán theo chiều nghịch là phép quán sát về sự tiêu diệt của mười hai nhân duyên. Trong kinh Tương Ưng [1] có nói : "Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt, do hành diệt nên thức diệt, do thức diệt nên danh sắc diệt, do danh sắc diệt nên lục nhập diệt,do lục nhập diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt nên ái diệt, do ái diệt nên thủ diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do hữu diệt nên sinh diệt, do sinh diệt nên lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt".

Có hai cách quán: 

a) Diệt vô minh quá khứ (căn bản vô minh). Theo trình tự do vô minh nên có hành, do hành mà có thức v.v...Do vậy, nếu diệt vô minh, thì hành sẽ bị diệt, hành bị diệt thì thức cũng không có v.v...Hay nói khác là do mê mờ (vô minh) nên tạo nghiệp (hành), do tạo nghiệp nên mới sinh ra con người (thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ) và chịu qủa khổ. Vậy muốn hết khổ, lẽ tất nhiên là phải diệt nghiệp, muốn diệt nghiệp trước phải trừ vô minh. Nhưng diệt vô minh căn bản rất khó, người tu hành sống trong thời hiện tai thì làm sao mà diệt được vô minh quá khứ được.

Vì vậy chỉ có các bậc Ðại Thừa Bồ Tát dùng trí tuệ Bát nhã mới phá trừ được, để trở lại với bản thể chân tâm đạt đến giác ngộ thì mới diệt được sinh tử luân hồi. Trong kinh Lăng Nghiêm có chép: "Ðối với người tỏ ngộ được chân tâm, thì mười phương thế giới đều tiêu hết".  Còn đối với con người bình thường, không thể phá trừ ngay được căn bản vô minh để trực ngộ chân tâm, thì phải lần hồi trải qua vô số kiếp tu hành, khi đến địa vị Ðẳng giác, dùng trí Kim cương phá trừ được vô minh, mới chứng được quả vị Phật.

b) Diệt vô minh hiện tại (chi mạt vô minh). Ðối với hàng phàm phu và Tiểu thừa, căn cơ thấp kém thì không thể trực tiếp phá trừ vô minh căn bản như bậc Đại thừa Bồ tát, mà chỉ có thể phá trừ vô minh hiên tại (chi mạt vô minh), tức là diệt "ái, thủ, hữu". Khi cành ngọn đã bị chặt rồi, thì gốc rễ dần dần bị tiêu diệt.

Diệt trừ vô minh hiện tại (vô minh cành ngọn) có thể thực hiện theo hai cách: 

+ Quán chiếu để thấy rằng mọi việc đều do nhân duyên mà sinh ra chứ không có thật. Nếu nhận thức được như vậy thì không cần tìm cầu để có được (hữu), không cần giữ làm gì (thủ) và cũng không mong muốn tham luyến (ái). Nếu 3 điểm trên không có thì không có quả vị lai (sinh, lão tử). Nghĩa là không còn sinh tử luân hồi.

+ Hành giả quán chiếu thấy do muốn có lòng tham dục (ái) mà phải tạo ra các nghiệp dữ (hữu) để có lòng ham muốn đó, nên phải chịu cảnh sinh tử luân hồi (hữu). Nếu không tham muốn thì chẳng cần giữ, chẳng cần tạo ra ác nghiệp, chẳng cần có sinh tử luân hồi. Đây là phép quán trừ vô minh hiện tại dễ dàng và thiết thực nhất, hợp với căn cơ của người tu hành hiện tại nếu quyết tâm tu hành riết ráo mới đạt thành đạo quả vì trong vô lượng kiếp, con người ta đã vô minh nên đang tạo nghiệp và nếu không thức tỉnh sẽ lại bị vô minh (ái, thủ, hữu) che lấp, thì không thể giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Như vậy, tuỳ theo cách hiểu về Mười hai nhân duyên và tuỳ theo sở thích, hành giả có thể áp dụng nhiều phương pháp về công phu tu hành. Nhưng tựu trung có hai mắt xích quan trọng. Nếu phá được một trong hai, có thể phá vỡ được sự liên hệ đan móc vào nhau giữa các thành phần của Mười hai nhân duyên. Đó là Vô minh và Ái, hai yếu tố này là có sức tác động rất mãnh liệt làm chuyển động bánh xe luân hồi.

Theo Phatgiao.org.vn