Vì chưa chứng được thần thông nên chúng ta không thể nhìn thấy được những thiên giới đó! Nhưng nếu quán chiếu cho thật sâu, chúng ta sẽ thấy rằng có những thế giới không ở đâu xa mà chính ngay bên trong cõi Ta-bà, nơi mình đang sống.
Xin đơn cử một vài ví dụ về thế giới quanh ta: thế giới đàn ông, thế giới đàn bà, thế giới người điên, thế giới của các nhà chính trị, thế giới của doanh nhân… Đó chỉ là nói sơ về thế giới loài người. Còn những thế giới của các loài động vật trên đất, trên không và dưới nước... Khi xem những phim tài liệu về các loại động vật này, chúng ta mới có ý thức về thế giới của những sinh vật kia sống ra sao! Cứ mỗi thế giới đều có những hoàn cảnh, môi trường sinh hoạt thậm chí, tình cảm cũng khác nhau.
Trong bốn thế giới của sinh, già, bệnh, chết mà Đức Phật thường nói đến, chúng ta sẽ khó có thể trải nghiệm như thật cho đến khi chính bản thân mình phải sống trong thế giới đó. Khi còn khỏe mạnh chúng ta ít có khi nào thấu hiểu được những người sống trong thế giới bệnh tật phải chịu khổ ra sao. Cũng như khi còn trẻ, mình ít khi nào hiểu được tâm ý của những người già. Thế giới của họ, tuy gần chúng ta trong gang tấc, nhưng đời sống của họ thật khác biệt. Tuy nhiên, may mắn thay ai rồi cũng sẽ có cơ hội để thử nghiệm!
Sống trong thế giới bị bao kín với những âu lo, toan tính khiến mình không thể thấy và hiểu rõ thêm. Như khi Đức Phật còn là thái tử bị vua cha giam lỏng trong cung điện vàng son, hưởng thụ những thú vui dục lạc. Hơn ai hết, nhà vua hiểu rõ chỉ có cách đó mới che mắt thái tử với những thế giới thực tiễn bên ngoài. Như chúng ta biết, khi ra khỏi cổng thành thái tử Sĩ-đạt-ta mới tận mắt chứng kiến những cảnh đời khác nhau khiến Ngài bắt đầu hiểu rõ về thân phận con người. Sống ở xứ Mỹ này chúng ta cũng trải nghiệm giống như Đức Phật đã từng kinh nghiệm. Chúng ta bị đóng kín trong khuôn khổ từ nhà đến sở làm và từ sở làm về nhà. Hoặc khi đi mua sắm, chúng ta chỉ nhìn thấy và sống trong thế giới của người tiêu thụ, tiền bạc và danh lợi.
Hầu như ít khi nào chúng ta chứng kiến những cảnh đau khổ, bệnh tật. Cách tổ chức khéo léo của chính phủ, giống như vua Tịnh Phạn, người bệnh thì có bệnh viện, người già thì có viện dưỡng lão, người chết thì có nhà quàn... Thế giới nào đều được phân minh theo thế giới đó nên hiếm khi chúng ta có cơ hội để tìm hiểu. Cho nên khi nói đến cảm thông, thương yêu chúng ta bỗng cảm thấy xa lạ vì thế giới mình đang sống mọi người đều tự lo cho chính mình, thậm chí hàng xóm với nhau mà không quen không biết!
Sống trong cái thế giới đóng kín, ích kỷ đã khiến mình cũng trở nên đóng kín và ích kỷ. Tất cả những công sức mình đổ ra cũng chỉ để phụng sự cho cái lối sống ích kỷ đó. Đôi lúc mình có làm việc phước thiện chăng nữa thì cũng nghĩ về lợi cho mình nhiều hơn.
Thực ra, chúng ta ai cũng có những đặc tính của chư Phật và Bồ-tát trong tâm. Nhưng lâu ngày sống trong thế giới của ích kỷ, tham dục nên mình không còn nhìn thấy những đặc tính mà Phật đã nêu ra. Như câu chuyện có một con đại bàng đẻ ra hai trứng lớn. Nhưng trong lúc loay hoay ấp trứng đã làm rơi một trứng từ ổ của nó. May thay, quả trứng bị rơi xuống đất nhưng không bị vỡ. Sau đó, có một con gà đẻ trứng gần bên. Nó thấy quả trứng đại bàng tưởng nhầm là trứng của nó nên đem về ổ ấp. Khi đàn gà con nở ra thì con đại bàng con cũng nở. Mỗi khi gà mẹ dẫn con đi ăn, nghe tiếng kêu chíp chíp thì đại bàng con cũng cất tiếng theo.
Tuy nhiên, mỗi khi băng ngang một cánh đồng trống thì gà mẹ luôn cảnh báo các con mình về một con chim lạ to lớn tên đại bàng trên trời, có móng vuốt bén nhọn, luôn tìm cách bắt gà con để ăn. Nên mỗi khi gà mẹ thấy bóng dáng giống chim đại bàng trên trời thì đều la to cục tác, và đàn gà con và con đại bàng con liền cắm đầu, cắm cổ chạy thục mạng vào bãi cỏ cao để ẩn trốn. Giống như đại bàng con, chúng ta không biết mình cũng cùng giống đại bàng nên đã giam hãm tâm mình trong thế giới của gà con luôn hoảng sợ!
Muốn hiểu thấu đáo xem những người trong thế giới khác sống ra sao thì mình phải đến sống với họ, hay ít nhất chứng kiến hay quan sát cách họ sống. Như để biết thế giới của người già, chúng ta có thể xin làm thiện nguyện tại các nhà dưỡng lão. Hàng ngày mình tiếp xúc với họ, chuyện trò, hỏi han. Chứng kiến những loay hoay vật vã của một đời sống già nua thì mình sẽ cảm thông hơn. Cũng như trong thế giới của trẻ thơ, chúng sống trong vui đùa, vô tư lự. Nếu chúng ta bắt chúng phải sống theo mình thì người ta sẽ nói rằng đứa bé này ‘già trước tuổi’. Như sự bố thí của người nghèo và người giàu.
Theo thống kê thì người nghèo bố thí nhiều gần gấp đôi người giàu. Vì sao? Vì người nghèo cùng sống chung, hay ít nhất sống gần những người cùng khổ nên họ dễ cảm thông hơn. Nhưng cũng cùng một thống kê cho thấy nếu người giàu sang sống trong cùng cộng đồng của người nghèo thì họ cũng bố thí ngang với người nghèo hay hơn. Thế mới biết rằng ‘không nằm chung chăn làm sao biết chăn có rận’.
Nhờ thấu hiểu được thế giới quanh ta mà mình có thể dễ dàng phát khởi tâm từ bi, thương yêu và cảm thông vì mình không những tận mắt chứng kiến mà còn trải qua những kinh nghiệm trong thế giới đó. Như vậy, hiểu rõ những thế giới quanh mình thì giúp ích được gì cho sự tụ tập? Nhờ thấu hiểu, chúng ta sẽ dễ dàng phát sanh tâm từ bi, cảm thông, và hành xử một cách hợp tình, hợp lý. Mình không ‘đứng núi này, trông núi nọ’ mà thật sự hiểu thấu những khổ đau, hạnh phúc của những người trong thế giới đó.
Chẳng hạn như Tiến sĩ Barbara Ehrenreich, muốn nghiên cứu và tìm hiểu đời sống của những người làm những công việc lao động, như bồi bàn, dọn dẹp nhà cửa cho người khác, chăm sóc trẻ con v.v... trên khắp nước Mỹ, bà ta bèn cải trang thành một người lao động nghèo và nhập vào vai của những người kia. Vì muốn trung thành với nghiên cứu của mình, bà cố gắng sống theo những số tiền bà kiếm được khi làm các công việc lao động. Bà dùng số tiền kiếm được đó để mướn nhà, mua thức ăn, trả tiền điện, tiền nước, và các món linh tinh khác.
Sau 6 tháng sống trong thế giới của những người lao động, bà đành phải bỏ cuộc, chào thua vì bà phải cật lực vất vả lắm mới đủ chi phí cho cuộc sống của bà. Sau cuộc nghiên cứu này, bà viết một quyển sách tựa đề ‘Những nghề rẻ tiền’ (Nickel and Dimed), mô tả đời sống cơ cực của những người lao động nghèo trên xứ Mỹ và bà đã đấu tranh cho những người này được có thêm sự giúp đỡ của chính phủ và ủng hộ của dân chúng Hoa Kỳ.
Chúng ta thường cư xử và dán nhãn mọi người tùy theo hành động họ đã làm, như ai giết người thì mình gọi họ là sát nhân, ai lường gạt thì gọi họ là tên lường gạt, v.v… Nhưng nếu chúng ta thấu hiểu những người sống trong thế giới đó thì sẽ thấy rằng họ là một con người đã có hành động giết người hay lường gạt, chớ họ không phải thực sự là một tên sát nhân, hay kẻ tráo trở, dối gạt…
Chính vì chưa từng sống và hiểu những con người như vậy nên chúng ta luôn cho họ là những người xấu, cần phải loại trừ ra khỏi xã hội. Nhưng nếu như chính mình hay người thân của mình đã làm những hành động đó, và vì là người trong cuộc nên chúng ta biết rõ người này là ai. Vậy, chúng ta có còn gọi họ là tên sát nhân hay lường gạt nữa không? Nhờ hiểu thấu nên lòng từ bi phát sinh khiến mình chỉ thấy một con người đã làm điều xấu, chứ thật ra, họ không phải là một người hoàn toàn như vậy!
Biết bao nhiêu chúng sinh, biết bao nhiêu con người đang sống trong thế giới khắp nơi, chỉ cần mình mở mắt, mở lòng, nhìn xa, trông rộng thì mình sẽ thấy tất cả. Tâm chúng ta giống như một kho lớn chứa đựng tất cả mọi hạt mầm xấu và tốt, chúng ta cần phải biết tưới tẩm những hạt mầm nào đem lại hạnh phúc, an lạc bằng cách biết nhìn với trái tim rộng mở và trải nghiệm qua những thế giới quanh mình. Càng trải nghiệm nhiều với lòng không phân biệt thì mình mới cảm nhận được cái thế giới tam thiên, đại thiên, mênh mông bát ngát trong cõi Ta-bà này.
Ông bà mình có câu: ‘Đi một ngày đàng, học một sàng khôn’. Chữ khôn theo tôi hiểu là nhờ có từng trải nên chúng ta có sự hiểu biết, bao dung, và rộng lượng. Chỉ khi nào mình có hiểu biết thì mới có thể cảm thông và thương yêu được!
Theo Giác Ngộ