Đa dạng đồ cúng tiến cho cõi âm...
Trong ngày lễ Vu Lan, nhiều người cho rằng để báo hiếu cho cha mẹ hay người thân đã khuất phải mua và đốt nhiều vàng mã. Họ cho rằng việc làm này là vì quan niệm “Tá giả thành chân” (lấy giả để thay thật - PV).
|
Hàng mã bán dịp Vu Lan có nhiều loại khá đẹp và giá có thể tới cả triệu đồng. |
Những người này luôn nghĩ rằng: “trần sao âm vậy”. Do vậy khá nhiều gia đình nghĩ rằng: phải cúng Rằm tháng 7 thật hoành tránh, đốt nhiều vàng mã thì người dưới cõi âm mới không thiếu thốn. Từ đó không ít gia đình đã bỏ tiền triệu để sắm đồ vàng mã để gửi cho người thân đã khuất.
Những người kinh doanh mặt hàng này cho rằng, để tăng sức cạnh tranh, đồ vàng mã năm nay có nhiều đổi mới, đẹp và tinh xảo hơn. Ngoài những mặt hàng như quần áo, giày dép, ngựa... thì năm nay trị trường còn tràn ngập các loại ôtô siêu sang, nhà biệt thự, máy bay, tất cả đều được làm với kiểu dáng rất đẹp.
Chị Hoàng Thị Kiều Trang (phố Hàng Mã) chia sẻ: “Để chuẩn bị cho mùa Vu Lan các chủ cửa hàng hầu hết đều nhập hàng nhiều gấp 3 - 4 lần so với những tháng thông thường. Hàng được nhập chủ yếu từ Bắc Ninh và huyện Thường Tín (Hà Nội) vì giá rẻ và có nhiều kiểu dáng mới lạ hơn những địa phương khác”.
Theo khảo sát của Phóng viên, giá các mặt hàng này được bán: Quần áo thường có giá 50.000 đồng/bộ, trang sức cao cấp dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/bộ, còn đồ dùng gia đình như: giường, tủ, tivi, tủ lạnh, máy giặt, đồ gia dụng có giá từ 100.000 - 500.000 đồng/sản phẩm. Thậm chí có những mặt hàng được bán với giá lên tới hàng triệu đồng.
Anh Vũ Ngọc Mạnh - chủ cửa hàng vàng mã tại Phố Trung Kính khẳng định: “Tuy kinh tế năm nay gặp nhiều khó khăn hơn những năm trước nhưng người dân vẫn chi tiêu “thoáng” lắm. Họ không ngần ngại khi bỏ ra tiền triệu để mua đồ cúng cho người ở cõi âm”.
Tiền mua vàng mã nên để... phóng sinh
Theo Đại đức Thích Như Hải ở chùa Quan Âm (Quảng Trị) thì việc đốt vàng mã bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian và được coi là một nét văn hoá tâm linh của nước ta. Nhưng thiết nghĩ mọi người cần có cái nhìn đúng hơn về bản chất của nét văn hoá này mà hạn chế sự lãng phí không cần thiết.
“Nhà Phật chỉ hướng dẫn, giải thích để Phật tử giác ngộ bản chất đốt vãng mã mà hạn chế dần, giảm thiểu thiệt hại về môi trường lẫn kinh tế. Chứ không khuyến khích người dân đốt nhiều vàng mã.
Người dân thay vì bỏ tiền thật ra mua đốt giấy tiền vàng mã thì nên làm những việc khác có lợi ích cụ thể thiết thực hơn như phóng sinh, làm từ thiện. Được như vậy, công đức sẽ vô lượng, phước duyên sẽ nhiều hơn” - Đại đức Thích Như Hải chia sẻ thêm
|
“Tiền mua vàng mã nên để... phóng sinh”, Đại đức Thích Như Hải chia sẻ |
Trước đây, người ta chỉ đốt vàng mã vào ngày rằm, ngày giỗ. Bây giờ, người ta đốt hầu như quanh năm, đặc biệt là mùa Vu Lan và Tết Nguyên đán. Rất nhiều người không chỉ đốt vàng mã ở tư gia mà còn đốt cả ở những nơi thờ tự linh thiêng như đền, chùa, miếu, phủ.
Không phải nơi thờ tự nào cũng có lò hóa vàng. Do đó, ở những nơi không có lò đốt, người đi lễ tiện đâu đốt vàng mã ở đó. Điều này, làm tàn tro theo gió bay khắp nới gây ngột ngạt, khói bụi mù mịt, ảnh hưởng tới sinh hoạt cộng đồng và môi trường di tích.
“Trên thực tế, không có bất kỳ tôn giáo nào khuyến khích đốt vàng mã và việc coi đốt nhiều vàng mã là thể hiện tình cảm đối với người đã mất. Và với đạo Phật cũng vậy lại càng không có quan niệm này
Kinh Phật dạy con cái phải hiếu nghĩa và kính trọng với cha mẹ khi còn sống bằng những việc làm thiết thực. Nhưng nhiều người đã ngộ nhận và đặt nhầm niềm tin vào việc đốt thật nhiều vàng mã là đã báo hiếu cha mẹ. Việc làm này chỉ là sự khoe mẽ và gây ra nhiều lãng phí về tiền bạc mà thôi.
Người con Phật cần phải nhận thấy rõ việc đốt vàng mã chỉ là tín ngưỡng dân gian. Từ đó, có thái độ rõ ràng và đúng đắn đối với việc làm không chánh pháp này. Có như vậy mới tránh được việc lãng phí tiền bạc và ô nhiễm môi trường” - Đại đức Thích Như Hải nhấn mạnh.
Bùi Hiền