Cho đến cả những tội phạm hình sự phạm tội ác, pháp luật còn có những khung hình phạt giảm tội, khoan hồng, huống gì chỉ là một đứa bé với việc giấu 2 quyển truyện đem về.
Lòng bao dung, vị tha từ ngàn đời nay đã làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống, và cũng là một truyền thống của cha ông ta.
|
Trẻ em cần đỡ nâng, giúp đỡ, giáo dục, uốn nắn...
bằng tình thương hơn là trừng phạt. Ảnh chỉ mang tính minh họa.
|
Trẻ em là lứa tuổi đang hình thành nhân cách nên sẽ có những hành động bột phát, thiếu suy nghĩ. Nhiệm vụ của người lớn là định hướng, giúp đỡ các em sửa sai sau những lần vấp ngã. Tất nhiên, phải có những lời răn dạy, thậm chí kỷ luật tùy theo mức độ. Nhưng đó chỉ nên là những hình thức vừa mức, mang tính giáo dục hợp lý trên tinh thần yêu thương thay vì những hành động như đối với một tên tội phạm nguy hiểm.
Hành vi thiếu suy nghĩ của người lớn sẽ dẫn đến sự đứt gãy về tâm lý trong quá trình phát triển của trẻ. Từ đấy, một là lớn lên cháu bé sẽ mãi mãi mang tâm thế trầm cảm, sợ hãi, bi quan bởi lúc nào cũng nghĩ về cái tội của mình lúc bé. Thứ hai nữa, với những trường hợp cá biệt, trẻ sẽ mang lòng thù hận, khi lớn lên, sẽ lấy chính những cái người ta đối với mình lúc bé mà đối lại với đời, với người. Cả 2 điều ấy hoàn toàn không tốt một chút nào.
Với một người học Phật, tin Phật, sự bao dung còn quý giá hơn bất cứ thứ gì. Nhân quả luôn đúng và tình yêu thương hay sự thù hận, ích kỷ đều cho những hệ quả tương ứng. Vì thế, khi gieo bao dung vào những trường hợp người khác phạm sai lầm, chúng ta đã cho mình một cơ hội để sau này được bao dung trở lại và cũng đã cứu lấy danh dự một con người, có khi là cả một gia đình. Việc thiện như thế, hay như thế, tại sao lại không làm?
Lòng ích kỷ, thù hận, hạ nhục người khác rốt cục chỉ mang đến đau khổ, mất mát, không chỉ cho người và cho cả chính mình.
Theo Giác Ngộ