10 nhân vật đang “phá hủy” kinh tế thế giới

Google News

Với vai trò là Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel phải đối mặt với những lời chỉ trích về cách mà bà giải quyết khủng hoảng eurozone.

Một bài viết mới đây trên Business Insider đã liệt kê những nhân vật đang "phá hủy" nền kinh tế thế giới với những chính sách sai lầm gây nhiều tranh cãi.
[links()]
Theo Business Insider, chính sự tê liệt của các chính sách là nhân tố chủ chốt khiến kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng bất ổn như hiện nay. Cho dù là ở phòng họp Quốc hội Mỹ, ở ngân hàng lớn nhất thế giới hay ở các hội nghị thượng đỉnh EU, sự chia rẽ chính là yếu tố cản trở quá trình hàn gắn vết thương của kinh tế thế giới.

1. Angela Merkel, Thủ tướng Đức

Với vai trò là Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel phải đối mặt với những lời chỉ trích về cách mà bà giải quyết khủng hoảng eurozone.
 

Phản ứng của bà đối với các bước tiến của thị trường thường được xem là tiêu cực hơn là tích cực và khiến khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn.

2. Francois Hollande, Tổng thống Pháp

Lớn tiếng ủng hộ thực hiện liên kết tài khóa chặt chẽ hơn cũng như các biện pháp chia sẻ nợ, Francois Hollande đã trở thành người đối lập với Thủ tướng Đức.
 

Theo nhận định của Reuters, ông Hollande đang đứng lên chống lại Berlin sau khi người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy được cho là đã cho phép bà Merkel “tự tung tự tác."

3. Hans-Werner Sinn, nhà kinh tế học người Đức

Là người đứng đầu Ifo, Viện nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn nhất nước Đức, Hans-Werner Sinn là một trong những học giả phản đối gói cứu trợ mà Đức dành cho các nước ngoại vi eurozone và muốn Đức rời eurozone ngay lập tức.
 

Ông cũng là người khuấy động báo giới ngành tài chính vào mùa hè năm ngoái khi bày tỏ quan điểm gây tranh cãi đối với TARGET2, hệ thống thanh toán liên ngân hàng của eurozone.

4. Ben Bernanke, Chủ tịch Fed

Tuy là người đã dẫn dắt thị trường vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ năm 2008, Bernanke cũng bị chỉ trích nặng nề vì không tiến xa hơn trong việc đưa ra các gói nới lỏng tiền tệ.
 

Chuyên gia kinh tế Paul Krugman đã nhận xét dường như Fed chỉ hành động khi nền kinh tế đã “đóng băng” với tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi lạm phát thấp. Tuy nhiên, Bernanke đã bác bỏ nhận định này và tiếp tục trì hoãn các chính sách kích thích kinh tế.

5. Nikolaus Blome, Phó Tổng biên tập báo Bild

Với vai trò là Phó Tổng biên tập của tờ báo có nhiều người đọc nhất châu Âu, Nikolaus Blome có thể tiếp cận với hàng triệu độc giả mỗi ngày thông qua các bài viết cũng như show truyền hình chuyên bàn về các vấn đề chính trị.
 

Hãng tin Reuters đã gọi Blome là “một trong những thế lực nắm trong tay vận mệnh của châu Âu.” Tờ Bild cùng với lượng độc giả lớn ở Đức là nhân tố quan trọng ủng hộ bà Angela Merkel khi cho rằng người Đức không nên gửi những đồng tiền mất nhiều công sức mới kiếm ra được tới Hy Lạp.

6. Barack Obama, Tổng thống Mỹ

Khi nhậm chức, vị Tổng thống Mỹ kế thừa nền kinh tế đang ở giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử. Các gói kích thích kinh tế là không đủ lớn trong khi chi tiêu công bị cắt giảm khiến nền kinh tế Mỹ ngày càng trì trệ.
 

Thay vì hướng đến một thỏa thuận nợ hoặc một kỷ nguyên mới cho chế độ lưỡng đảng, các chính sách của ông Obama khiến cuộc chiến trần nợ công cùng với bế tắc chính trị bùng phát.

7. Timo Soini, Chủ tịch đảng True Finns - Phần Lan

Lãnh đạo đảng đối lập lớn nhất trong quốc hội Phần Lan, Timo Soini là người có vị trí đặc biệt quan trọng đối với các gói cứu trợ ở eurozone.
 

Soini cho rằng cơ chế cứu trợ hiện nay đang đi theo mô hình lừa đảo Ponzi. Phần Lan cũng đã đe dọa sẽ ngăn chặn không cho Quỹ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) mua trái phiếu từ thị trường thứ cấp.

8. Mario Draghi, Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB)

Rất nhiều người mong đợi Mario Draghi, với vai trò là người đứng đầu ECB, sẽ nhanh chóng giải quyết được khủng hoảng ở eurozone.
 

Tuy nhiên, ngay sau khi ECB cắt giảm lãi suất cơ bản hôm thứ 5 tuần trước (7/5), ông Draghi đã đưa ra nhận định động thái này sẽ không có tác dụng gì đối với nền kinh tế.

9. Maria Fekter, Bộ trưởng Tài chính Áo
 

Kể từ tháng 6, bà Maria Fekter bắt đầu bị chỉ trích khi cho rằng Italia sẽ là nước tiếp theo phải nhận cứu trợ. Mặc dù là Bộ trưởng Tài chính Áo, bà có xu hướng đưa ra các nhận định ảnh hưởng đến tính sự ổn định của châu Âu.

10. David Cameron, Thủ tướng Anh
 

Mặc dù nước Anh có quan hệ thương mại chặt chẽ với các nước còn lại của châu Âu và rất mong manh trước cơn bão khủng hoảng, Thủ tướng David Cameron vẫn quyết định gắn chặt với chính sách thắt lưng buộc bụng và đẩy nền kinh tế Anh vào tình trạng suy thoái kép.

Theo Cafef/ TTVN