10 sự thật chưa biết đầy bất ngờ về Starbucks

Google News

(Kiến Thức) - Starbucks, với giá trị thị trường chứng khoán là 51,6 tỷ USD, hiện là chuỗi cà phê lớn nhất thế giới, vượt xa đối thủ Costa Coffee.

Starbucks có tổng cộng 151.000 nhân viên làm việc toàn thời gian trong 20.519 cửa hàng trên 65 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới. Trong các cửa hàng, hơn 13.000 là ở Mỹ, hơn 1.900 cửa hàng ở Trung Quốc và hơn 900 ở Nhật Bản. Trong thực tế, Starbucks đã mở trung bình khoảng hai cửa hàng mới mỗi ngày.
Mặc dù là có chuỗi cửa hàng và nhân viên khổng lồ như vậy, Starbucks vẫn có một số điều đáng ngạc nhiên về công ty mà một người bình thường - hoặc thậm chí cả các "khách hàng ruột" của Starbucks cũng không hay biết.
Dưới đây là 10 sự kiện thú vị về Starbucks mà ít ai biết:
1. Starbucks ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính
Trong đầu năm 2012, Starbucks là một trong những công ty nổi tiếng ở khu vực Washington ra tuyên bố ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Cụ thể hơn, Starbucks phát hành một tuyên bố nói rằng: “Starbucks tự hào khi nhóm nhân viên ở Tây Bắc tham gia tham gia vào việc ủng hộ luật tiểu bang Washington công nhận bình đẳng hôn nhân cho các cặp vợ chồng đồng tính. Starbucks luôn có chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy bình đẳng và hòa nhập...”.
 
Đáp trả lại chương trình ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính của Starbucks, Tổ chức Quốc gia về hôn nhân (Mỹ) đã nhận được 22.000 chữ ký ủng hộ việc tẩy chay Starbucks. Tuy nhiên, những người ủng hộ hôn nhân đồng tính lại bảo vệ Starbucks bằng cách thu thập 640.000 chữ ký để ủng hộ chương trình của công ty.
2. Starbucks được thành lập bởi hai giáo viên và một nhà văn
 
Năm 1971, ba sinh viên, người sáng lập nên hãng Starbucks đã gặp nhau tại Đại học San Francisco. Sau khi ra trường, Jerry Baldwin đã trở thành một giáo viên tiếng Anh, Zev Siegl là giáo viên lịch sử và Gordon Bowker trở thành nhà văn.
Sau đó, Alfred Peet, một chuyên viên chế biến cà phê, người sở hữu cửa hàng Peet Coffee & Tea, dạy Baldwin, Siegl và Bowker cách rang hạt cà phê chất lượng cao. Trong năm đầu tiên hoạt động kinh doanh, ba người họ đã mua hạt cà phê từ cửa hàng Peet và năm 1984, họ mua lại toàn cửa hàng Peet. Tuy nhiên, ba người sáng lập này hiện không còn quản lý ở Starbucks nữa. Họ đã lần lượt rời công ty và bán cổ phần tại các thời điểm khác nhau.
3. Starbucks từng đặt tên là "Cargo House" hay "Pequod"
 
Theo người đồng sáng lập Starbucks Gordon Bowker, ông và các bạn mình đã rất thất vọng khi gọi cửa hàng của mình là Cargo House. Cho đến khi Terry Heckler, người làm việc cho một công ty quảng cáo và cũng là một trong những đối tác của Bowker, nói rằng tên cửa hàng bắt đầu bằng từ "St" sẽ là cái tên mạnh mẽ. Bowker sau đó đã đưa ra một danh sách các từ bắt đầu với hai ký tự "St".
Tuy nhiên sau đó, Bowker lại nghe theo gợi ý của một người đặt tên cửa hàng là Pequod - tên của một con tàu xấu số trong tiểu thuyết. Song do mê tín và lo sợ công ty sẽ chìm như con tàu Pequod, công ty cuối cùng đổi thành Starbucks - tên người thợ phụ trên tàu.
4. Logo Starbucks ban đầu là một nàng tiên cá "khiêu gợi"
Logo Starbucks là một trong những nhãn hiệu dễ nhận biết nhất trên thế giới, nhưng ít ai biết được người phụ nữ ở trong logo đó là ai?
 
Thiết kế logo của Starbucks đầu tiên được dùng trong năm 1971 là một nàng tiên cá với 2 cái đuôi. Đây là một nhân vật được tin là có sức quyến rũ đặc biệt trong truyền thuyết, mang nét tương đồng với hương vị hấp dẫn mà trà, café, gia vị… mang lại.
Sau đó, logo được điều chỉnh lại với nàng tiên cá đã cá tính hơn, ngực đã được giấu đi, nhưng cái rốn thì vẫn còn. Logo hiện nay của Starbucks đã được cắt gọn hơn, chỉ còn một dấu hiệu nhỏ về 2 cái đuôi, nếu bạn không xem hình ảnh cũ thì khó mà nhận ra đuợc nó là gì.
5. Ban đầu, Starbucks không bán cà phê pha sẵn
Cửa hàng Starbucks đầu tiên tọa lạc tại 2000 West Avenue ở Seattle, Washington đã được khai trương vào ngày 30/3/1971. Điều đáng ngạc nhiên là cửa hàng này không bán cà phê pha bởi những người sáng lập ban đầu dự định rằng công ty của họ sẽ bán hạt cà phê rang và các thiết bị pha cà phê. Trong thực tế, cà phê chỉ là cách cửa hàng dùng làm mẫu thử miễn phí để lôi kéo phần ăn để sản phẩm cà phê rang và thiết bị của họ.
 
Sau khoảng 10 hoạt động của công ty, giám đốc bán hàng của Starbucks Howard Schultz mới đi đến kết luận rằng Starbucks không chỉ bán được cà phê rang và máy móc, mà còn bán được cà phê pha. Tuy nhiên, các ông chủ của Starbucks lúc đó không đồng ý, vì vậy, Schultz bắt đầu mở quán bar cà phê riêng có tên Giornale vào năm 1986. Sau đó, Schultz đã mua lại toàn bộ cửa hàng Starbucks và đổi tên hai cửa hàng Giornale của anh thành Starbucks. Từ đó, Starbucks nhanh chóng phát triển và công ty ngày càng mở rộng quy mô.
6. Starbucks chi tiền cho việc bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho nhân viên nhiều hơn đầu tư vào cà phê
Khi Howard Schultz trở lại làm Giám đốc điều hành Starbucks vào năm 2008, công ty đã nghiên cứu kỹ các khoản chi phí của công ty và đặt ra mục tiêu cắt giảm 600 triệu USD. Starbucks đã mạnh tay chi vào khoản bảo hiểm y tế cho nhân viên nhiều hơn khoản chi cho sản phẩm cà phê tới 300 triệu USD.
 
Tuy nhiên thay vì cắt giảm số tiền chi cho bảo hiểm nhân viên, Schultz đã chọn cách đóng cửa 600 cửa hàng, trong khi 80% trong số đó vừa được mở cho chỉ trong chưa đầy hai năm. Trong thực tế, khi một cổ đông của công ty đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Schultz vì không cắt giảm chi phí bảo hiểm y tế của người lao động. Tuy nhiên, Schultz đáp trả nhà đầu tư đó rằng nếu ông cảm thấy không hài lòng về điều đó thì hãy bán cổ phần của mình của mình đi (nhưng cổ đông đó đã không bán).
7. Cốc cà phê cỡ lớn của Starbucks có dung tích lớn hơn lượng chất lỏng mà dạ dày con người có thể chứa
Ban đầu, cửa hiệu Starbucks tại Seatle bán cà phê trong cốc có dung tích hơn 230 ml. Khi chuỗi cà phê này mở rộng quy mô kinh doanh, con số này tăng dần lên gấp 2 lần và hơn 3 lần (cỡ Trenta) như ở thời điểm hiện tại.
 
Cốc uống cỡ Trenta hiện có tại mọi cửa hàng Starbucks tại Mỹ. Một chiếc cốc cỡ Trenta có dung tích 916 ml, lớn hơn cả dung tích của dạ dày người. Trung bình, dạ dày người có thể chứa được 900 ml chất lỏng.
8. Starbucks từng thử nghiệm lại cà phê có hương vị bia
Starbucks đã giới thiệu rất nhiều các loại hương vị để giữ cho thực đơn luôn mới mẻ và thú vị. Chẳng hạn như trong mùa halloween năm ngoái, hãng đã giới thiệu món cà phê hương bí ngô.
 
Dark Barrel Latte - một thức uống với hương vị bia đang được bán ở các cửa hàng của Starbucks tại Ohio và Florida. Món đồ uống này không chứa chút bia rượu nào mà nó được thay bằng "một sự pha trộn của cà phê, caramel đen và nước sốt bia đen có hương vị sô cô la và sữa tươi hấp". Món đồ uống có hương bia này có thể uống nóng hoặc lạnh tùy thích.
9. Venti Starbucks Coffee có lượng cafein nhiều gấp 5 lần so với caffein trong nước tăng lực Red Bull
Nghiên cứu nói rằng đối với một người lớn, trung bình chỉ nên uống 400 mg cafein mỗi ngày là liều lượng lành mạnh. Một cốc cà phê Venti Starbucks Coffee của Starbucks trung bình có khoảng 415 mg chất cafein, gấp 5 lần lượng cafein trong một lon nước tăng lực Red Bull.
 
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống quá nhiều caffeine góp phần vào bệnh tim, cao huyết áp và ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác cho rằng caffeine thực sự có nhiều lợi ích sức khỏe quan trọng. Tuy nhiên, sự thật là nếu dùng 10.000 mg caffeine cùng một lúc có thể gây chết người.
10. Tỷ suất lợi nhuận của Starbucks ở Trung Quốc luôn cao hơn ở các nước khác
 
1.909 cửa hàng chi nhánh của Starbucks ở Trung Quốc đem về khoản lợi nhuận cao hơn so với bất cứ nơi nào trên thế giới. Cụ thể hơn, một tách cà phê Starbucks có giá 3,81 USD tại London có giá tương đương với 4,81 USD tại Bắc Kinh, đó là một sự khác biệt giá khoảng 26%. Báo cáo tài chính của Starbucks đã xác nhận sự khác biệt này. Trong báo cáo tài chính quý 2 của năm 2013, tỷ suất lợi nhuận ở châu Mỹ là 21,1% và 1,9% ở châu Phi và Trung Đông. Tuy nhiên, ở Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tỷ suất lợi nhuận của Starbucks đã vào khoảng 32%.
Thảo Nguyên (Theo Therichest)