“6 ngân hàng yếu kém đang được giám sát toàn diện”

Google News

Sau khi hợp nhất 3 ngân hàng đầu tiên, 6 trường hợp còn lại đang được giám sát toàn diện

“Nhờ các giải pháp tích cực, nguồn vốn tín dụng trên thị trường được khơi thông, lãi suất giảm mạnh từ cuối tháng 1/2012, nhiều ngân hàng nguy cấp được hỗ trợ…”

Thống đốc Nguyễn Văn Bình báo cáo kết quả thực hiện lời hứa trước Quốc hội như vậy.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2011), Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận chất vấn về các nhóm vấn đề: giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, bình ổn thị trường tiền tệ, xử lý các tổ chức tín dụng, cán bộ ngân hàng vi phạm và vấn đề đảm bảo vốn, ổn định lãi suất cho sản xuất kinh doanh để chống lạm phát nhưng không để nền kinh tế rơi vào trì trệ.

Sau nửa năm thực hiện các giải pháp đề ra trước Quốc hội, đặc biệt về vấn đề điều hành lãi suất, tín dụng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, từ cuối 2011 đến nay, NHNN đã bám sát diễn biến kinh tế, chru động điều hành chính sách lãi suất để dẫn dắt lãi suất thị trường. NHNN đã 2 lần chủ động điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất hy động với mức giảm mỗi lần 1%/năm.

Thống đốc cũng quán triệt yêu cầu các ngân hàng tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tạp điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý hơn.

Ông Bình khẳng định, nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của các tổ chức tín dụng trong 4 tháng đầu năm 2012 đã giảm từ 2 - 3%/năm so với cuối năm 2011. Trong đó lãi suất cho vay đối với lĩnh vực - sản xuất kinh doanh đang phổ biến ở mức 15 -19%/năm, ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thônm xuất khẩu phổ biến ở mức 13,5 - 15,5%/năm, riêng lãi suất cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2011 - 2012 ở mức 12%/năm.

Thống đốc cũng báo cáo, bên cạnh các kết quả nêu trên, Ngân hàng Nhà nước còn chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc trả nợ và tiếp cận vốn vay, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh, đảm bảo khả năng trả nợ, giảm nợ xấu.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô và xu hướng lạm phát để điều chỉnh các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và trần lãi suất huy động VND cho phù hợp.

Trường hợp lạm phát có xu hướng giảm và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mỗ diễn biến tích cực, thị trường tiền tệ ổn định, Ngân hàng nhà nước sẽ điều chỉnh giảm các mức lãi suất nêu trên với mức giảm 1% năm trong mỗi quý.

Theo đó, đến cuối năm 2012 lãi suất huy động VND sẽ được đưa về mức 10 -11%/năm hoặc xem xét bỏ quy định trần lãi suất huy động VND nếu điều kiện cho phép.

Về việc nghiên cứu hướng xử lý đối với quy định về lãi suất cơ bản để vừa đảm bảo có một mức lãi suất làm quy chuẩn xem xét các trường hợp cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ luật Dân sự (hành vi cho vay với lãi suất vượt 150% lãi suất cơ bản được xem là cho vay nặng lãi), đồng thời vẫn đảm bảo sự kinh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình báo cáo đang nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý phù hợp vấn đề này. Thời hạn đưa ra là trong vòng 6 tháng đầu năm 2012.

Về vấn đề tiếp tục các biện pháp khơi thông dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng để điều tiết vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, người đứng đầu NHNN khẳng định đã tập trung thực hiện qua các công vụ nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, mua ngoại tệ để tăng tỷ lệ dự trữ ngoại hối… Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thừa vốn tích cực hỗ trợ các ngân hàng thiếu vốn.

“Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng trên thị trường liên ngân hàng đã được khơi thông, lãi suất giảm mạnh từ cuối tháng 1, thanh khoản của hệ thống đã từng bước được cải thiện, những ngân hàng gặp khó khăn được hỗ trợ kịp thời” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình trình bày.

Đối với lời hứa về việc tái cơ cấu hệ thống và thanh tra giám sát ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, cuối năm 2011, NHNN đã xác định và trình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận phương án xử lý đối với 9 ngân hàng yếu kém.

Sau khi hợp nhất 3 ngân hàng đầu tiên, 6 trường hợp còn lại đang được giám sát toàn diện. Biện pháp xử lý cũng đã được xác định: NHNN mua lại; lựa chọn NHTM nhà nước hoặc NHTM cổ phần mua lại, hợp nhất theo quy định; xem xét khả năng cho ngân hàng nước ngoài tham gia góp vốn hoặc mua lại để trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Về việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN quán triệt nội dung nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, chuyển hoạt động sản xuất vàng miếng của SJC trực thuộc NHNN, xây dựng thành thương hiệu vàng quốc gia. Thống đốc cũng đang đốc thúc xây dựng đề án sử dụng nguồn lực trong nước để bình ổn thị trường vàng.

Theo P. Thảo
Dân trí