|
Một góc sân bay Phú Quốc.
|
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa kiến nghị Thủ tướng về việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không Phú Quốc theo hình thức hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (hợp đồng O&M). Theo quy định hiện hành, đây là hình thức hợp đồng được ký giữa Nhà nước và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời gian nhất định. Theo quan điểm của Bộ trưởng Thăng, nhà đầu tư sẽ vận hành khai thác công trình có hiệu quả và trả lại Nhà nước sau một thời gian nhất định. Người sử dụng (trong đó có các hãng hàng không) sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn với giá hợp lý hơn. Nhà nước sẽ thu hồi được một khoản kinh phí xác định. Nguồn kinh phí này có thể dùng để đầu tư một số công trình trọng điểm, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (gọi tắt là sân bay quốc tế Phú Quốc) tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc được khánh thành tháng 12/2012. Đây là sân bay đầu tiên được xây dựng mới hoàn toàn kể từ ngày thống nhất đất nước, do đó, sự ra đời của nó rất được coi trọng.
Dự án được khởi công ngày 23/11/2008 với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư theo nhiều giai đoạn. Đường băng hạ cất cánh dài 3.000 mét, rộng 45 mét. Sân đậu máy bay được xây dựng bằng kết cấu bêtông ximăng với năm vị trí đậu máy bay Boeing 747 hoặc có thể bố trí chỗ đậu cho 8 máy bay Airbus A321. Các hạng mục quan trọng khác như đài kiểm soát không lưu, nhà ga hành khách, phòng chờ… được thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thời điểm khánh thành, sân bay này là tham vọng rất lớn của hãng hàng không Air Mekong, coi sân bay này là “đại bản doanh” của mình vì hãng luôn lấy những chuyến bay biển đảo làm thế mạnh. Song, sự sa sút của Air Mekong vào năm 2013 đã bước đầu báo hiệu "số phận" của sân bay Phú Quốc.
Không ngoài dự đoán, sân bay Phú Quốc nhanh chóng bị rơi vào thảm cảnh ảm đạm. Từ khi khánh thành đến nay, nhìn chung, sân bay vẫn đìu hiu, vắng vẻ. Rất có thể, sự gây lãng phí lớn của sân bay này đã buộc Bộ GTVT phải nghĩ ra biện pháp “chữa cháy" chứ không ai muốn xây sân bay ra để chào bán theo kiểu kinh doanh bất động sản!
Sân bay lại là công trình đặc biệt nên không phải gặp ai cũng bán. Với việc xây dựng sân bay, dù là vốn vay nào cũng phải chịu trả lãi suất, từ khi vay vốn xây dựng, đến khánh thành hay thực tế hoạt động. Như vậy, theo nhẩm tính thì tính đến nay sân bay Phú Quốc phải chịu thiệt hàng chục triệu USD, chưa nói chi phí quản lý bảo dưỡng vận hành. Nhưng cũng cần phải nói thêm là "hội chứng lãng phí sân bay" ở Việt Nam không chỉ có ở sân bay Phú Quốc mà còn ở cả sân bay quốc tế Cần Thơ, Huế, Liên Khương (Đà Lạt) cũng đang chịu cảnh này. Nhiều sân bay địa phương lại càng lãng phí vì nhiều ngày mới có một chuyến bay.
Như vậy có thể nói, dự án sân bay quốc tế Phú Quốc đã hoàn toàn thất bại theo dự án tiền khả thi, gây tác động xấu đến chiến lược tổng thể GTVT, trong khi các công trình giao thông đường bộ, đường sắt đang thiếu vốn nghiêm trọng. Và việc bán sân bay này theo tôi cũng là bất đắc dĩ mà thôi.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, dù có định giá sân bay này như thế nào đi nữa thì phần thiệt thòi vẫn ở phía Nhà nước. Ban đầu, dự án là kết quả của 100% vốn đầu tư doanh nghiệp (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư) nhưng nay tài sản của sân bay là của Nhà nước và Nhà nước phải gánh lấy trách nhiệm “lãnh nợ" cho doanh nghiệp, ôm lấy một đống tài sản nợ công phải trả. Doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lại không kham nổi , nhiều công ty con của ACV quản lý sân bay liên tục thua lỗ thì giải pháp chuyển nhượng cho các chủ đầu tư ngoài ngành hy vọng sẽ có bước cải thiện mới. Người ta nói "của đã rơi vãi thì không bao giờ vớt lại được toàn bộ". Việc định giá hay đấu thầu gì đi chăng nữa thì việc nhượng quyền khai thác sân bay Phú quốc cũng là giải pháp tình thế mà phần lãng phí thiệt hại rất lớn thuộc về Nhà nước, từ tiền thuế đóng góp của nhân dân.
Một thông tin nữa khiến dư luận không thể không bàn tán đó là việc Bộ GTVT đề xuất giá trị nhượng quyền sân bay Phú Quốc sẽ được dùng để tạo nguồn kinh phí đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trước đó, việc xây hay không xây sân bay Long Thành đã tốn không ít giấy mực của báo chí cũng như dấy lên nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên gia và cả người dân. Việt Nam đang lãng phí quá lớn về sân bay trong lúc đang khủng hoảng thiếu về máy bay gây nên tình trạng chậm chuyến hủy chuyến. Đây cũng là nguyên nhân góp phần làm nhiều hãng hàng không làm ăn thua lỗ, thậm chí là phá sản. Chính vì thế, việc dốc thêm tiền cho sân bay Long Thành từ nguồn sân bay Phú Quốc thiết nghĩ cũng nên suy đoán thật kỹ càng cho hợp tình, hợp lý!
TS Trần Đình Bá