- Nguồn kinh phí hoạt động của hầu hết các bảo tàng đều được lấy từ ngân sách Nhà nước do người dân đóng góp thông qua tiền thuế. Nhưng mỗi khi muốn vào những nơi này họ đều phải móc hầu bao thêm một lần nữa để trả tiền mua vé.
>>> Bán vé vào bảo tàng, công viên: Chưa hợp lý
Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, trung bình mỗi năm Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón khoảng 2 triệu lượt khách, trong đó khoảng 50% là khách quốc tế.
|
Bà Phạm Thúy Hằng
|
Mặc dù đây là một di tích lịch sử mang tầm vóc quốc gia, được cả du khách nước ngoài lẫn khách trong nước quan tâm nhưng vì kinh phí đảm bảo cho các hoạt động của khu di tích còn hạn chế nên hầu như đều phải lấy từ tiền bán vé tham quan.
Theo quy định thì khoản thu từ tiền bán vé phải nộp vào kho bạc sau đó kinh phí hoạt động, tu sửa, bảo dưỡng sẽ được trích ngược lại từ ngân sách nhà nước (được trích lại 90% tiền bán vé).
Vì được phép lấy từ nguồn thu bán vé nên nếu hết năm mà vẫn còn thừa tiền thì Trung tâm vẫn có quyền để lại trong quỹ để sử dụng cho năm sau chứ không phải trả lại cho ngân sách như các cơ quan, tổ chức khác.
“Nói vậy thôi nhưng chẳng năm nào thừa tiền vì có rất nhiều các khoản chi như trả lương cho cán bộ nhân viên, tiền duy tu, bảo dưỡng, trồng hoa, trồng cỏ…” - bà Hằng chia sẻ.
Do kinh phí hoạt động ngày càng tăng nên vừa rồi Trung tâm có đề xuất và được Hội đồng nhân dân TP Hà Nội quyết định cho tăng giá vé từ 10.000 đồng lên 20.000 đồng từ tháng 1/2012.
Bà Hằng cho rằng nếu so với giá vé tham quan thắng cảnh của thế giới và đối với khách nước ngoài thì 20.000 đồng không phải là nhiều, còn đối với khách du lịch là người Việt thì đây cũng là một khoản không nhỏ nhưng vì ngân sách nhà nước không thể hỗ trợ toàn bộ nên Trung tâm vẫn phải trông chờ vào tiền bán vé là chính.
Tuy vậy Trung tâm vẫn có những hỗ trợ nhất định đối với một số đối tượng đặc biệt như các đối tượng chính sách, lão thành cách mạng, học sinh dưới 15 tuổi được miễn phí hoàn toàn, còn sinh viên cũng được giảm 50% giá vé.
“Tôi cũng hy vọng trong tương lai nước mình giầu lên, có đủ kinh phí cho các hoạt động phát triển nâng cao văn hóa thì nhà nước cũng nên bỏ việc bán vé vào cửa không chỉ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà cả ở các di tích và bảo tàng nữa”, bà Hằng chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Văn Hà, Phó trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam cũng cho rằng: “Các viện bảo tàng phải mở cửa miễn phí cho người dân vào tham quan, mở mang dân trí, đó mới là cái tiêu chí văn hóa cần đạt tới”.
|
Mức vé vào của 20.000 đồng đối với người dân là cao.
|
Mỗi năm Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đón gần 70.000 lượt khách tham quan cả quốc tế và trong nước. Giá vé mỗi lượt là 20.000 đồng không phân biệt khách nước người hay người Việt.
Tuy vậy bảo tàng cũng có những chính sách miễn phí tiền mua vé cho các đối tượng chính sách, cựu chiến binh, người cao tuổi, học sinh dưới 15 tuổi hay các đoàn thể có liên hệ trước. Ngoài ra bảo tàng cũng giảm 50% giá vé đối với sinh viên. Còn vào ngày thứ ba và thứ sáu bảo tàng cũng không thu vé vào cửa đối với các học sinh trung học.
Cũng theo ông Hà thì kinh phí hoạt động của bảo tàng rất lớn nên ngân sách Nhà nước phải cấp thêm rất nhiều chứ nguồn thu từ tiền bán vé thì chả đáng bao.
“Tôi thấy tiền vé vào cửa là 20.000 đồng đối với người nước ngoài thì chả đáng bao nhiêu nhưng đối với người Việt Nam thì nó cũng không nhỏ, nhiều khi trở thành rào cản đối với những người có thu nhập thấp muốn đến tham quan bảo tàng.
Nhưng hiện nay ngân sách nhà nước cũng chỉ có trong phạm vi nhất định, chưa thể đòi hỏi phải chi hết tất cả các khoản kinh phí hoạt động của bảo tàng được nên bất đắc dĩ vẫn phải tăng thêm nguồn thu từ tiền vé vào cửa thôi”.
B.A.U