Bật mí hai trận đánh nảy lửa của FPT

Google News

“Gài” thế nào thì Trương Gia Bình cũng nhất định không nói về vai trò cá nhân của mình ở FPT. 

Lý do là vì, FPT không phải của riêng ông, mà là máu thịt của “những người FPT”. “Tôi chỉ là người thổi lửa và giữ lửa ở FPT”, ông nói một cách giản dị.
“Trận Phay Khắt, Nà Ngần” và nụ cười Trương Gia Bình
Chuyện thật khó tin, nhưng những người đã từng tiếp xúc với Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, sẽ đều tin điều đó. Ấy là dù đã sắp bước vào tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” (tức là đã có đủ kiến thức và kinh nghiệm sống hoàn hảo để thấu hiểu mọi lẽ đời), nụ cười của ông vẫn trong sáng và tươi trẻ đến kỳ lạ.
 “Tôi chỉ là người thổi lửa và giữ lửa ở FPT”, doanh nhân Trương Gia Bình nói một cách giản dị.
Nhiều người bảo, đó chính là sự quyến rũ rất riêng của Trương Gia Bình. Có lẽ vậy, bởi một chiều Thu trong trẻo, chính tôi cũng đã bị Trương Gia Bình… quyến rũ bằng nụ cười ấy.
Đón tôi ở căn phòng ấm cúng trên tầng 13 - con số gắn với huyền thoại 13 “quái nhân” đồng sáng lập Tập đoàn FPT - Tòa nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội), Trương Gia Bình đã cười phá lên, cực kỳ hồn nhiên, khi nghe tôi hỏi về những ngày đầu FPT “tiến quân đi đánh xứ người”. Ấy là khi FPT bắt đầu tính chuyện xuất khẩu phần mềm ra nước ngoài, sau đúng 10 năm thành lập - năm 1998.
“Chúng tôi gọi đó là trận Phay Khắt, Nà Ngần (hai trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, diễn ra vào hai ngày 25-26/12/1944, chỉ ít ngày sau khi lực lượng này được thành lập - PV)”, Trương Gia Bình vẫn cười rất tươi và kể rằng, trận đánh đầu tiên, FPT đã dễ dàng thắng đến nỗi, người FPT ai cũng nghĩ “Eureka, thế là đã tìm ra đường để bước chân ra khỏi bờ cõi Việt Nam”.
Đó là hợp đồng với hãng Winsoft của Canada, giá trị chỉ vài chục ngàn USD, diễn ra đúng theo kiểu “bất chiến tự nhiên thành”, nhưng khiến tất cả người FPT hào hứng. Hứng khởi đến nỗi, ngay lập tức FPT đã đến Ấn Độ, rồi sang cả Thung lũng Silicon (Mỹ)…, toàn các thị trường lớn để chào mời, vì tưởng rằng đã có thể hòa nhập ngay với thế giới. “Nhưng chẳng có khách hàng nào cả”, Trương Gia Bình lại cười sảng khoái.
Nghĩ mình không biết bán hàng, FPT thuê cả chuyên gia bán hàng người Mỹ. Kế hoạch soạn thảo cực kỳ hoành tráng. Văn phòng đẹp như Tây. Nhưng rồi khách hàng vẫn chẳng thấy đâu. Cả 1 triệu USD mà FPT quyết chi cho kế hoạch “xuất ngoại” đi tong. Vì người ta chê sản phẩm Việt kém chất lượng, cũng chẳng mấy tin tưởng ở một tên tuổi rất mới.
“Nhiều người đã nản, khó khăn chồng chất. Lúc ấy, tôi đã nghĩ ngược lại. Thay vì tìm các doanh nghiệp nhỏ, tôi tới hẳn các tập đoàn lớn, như IBM, như Microsoft, như NTT… Lý lẽ đơn giản thôi, tôi đã mua quá nhiều hàng của bạn, vậy thì bạn hãy mua gì đó của tôi. Ban đầu đã phải bán hàng kiểu… cưỡng ép như vậy, nhưng quan trọng là sau đó, đã vượt qua ải của mấy tập đoàn này rồi, thì đi đến đâu cũng có thể nói, IBM đã mua hàng của tôi, Microsoft cũng đã từng. Thế là được tin cậy. Và nay thì khách hàng của FPT phần lớn đều là các tập đoàn lớn trên thế giới”, Trương Gia Bình hào hứng.
Hài hước và dí dỏm thì Trương Gia Bình kể chuyện “xuất ngoại” một cách đơn giản như vậy, còn thực tế, ở FPT, ai cũng hiểu, bằng bản lĩnh và sự quyết đoán của mình, vào thời điểm ấy, Trương Gia Bình đã vô cùng vất vả mới đặt được viên gạch đầu tiên cho khát vọng chinh phục thế giới của FPT và đặt nền móng cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.
Từ chuyện thuyết phục ông Lê Quang Tiến, “tay hòm chìa khóa” của FPT lúc ấy, chi 1 triệu USD cho kế hoạch “xuất ngoại”, đến việc lo nhân lực để nâng cao chất lượng phần mềm, yêu cầu kỹ sư học ngoại ngữ, rồi sang Ấn, đến Mỹ để mở văn phòng giao dịch. Chưa kể, còn phải dùng tài của mình để bán hàng cho các tập đoàn hàng đầu thế giới...
“Nhưng đó mới chỉ là bước ngoặt đầu tiên của FPT. Sau này, còn là chuyện cổ phần hóa rồi lên sàn chứng khoán vào những năm 2002 - 2006, chuyện bắt đầu hướng đến phát triển công nghệ mới S.M.A.C vào năm 2012”, Trương Gia Bình nói một cách vô cùng vắn tắt về bước đường phát triển của FPT trong hành trình gần 26 năm qua. Còn tôi thì biết rất rõ, đằng sau những cái gạch đầu dòng đơn giản ấy, trong trái tim Trương Gia Bình là muôn vàn khoảnh khắc FPT.
Đó là khoảnh khắc 10h sáng ngày 13/9/1988, nhóm sáng lập từ tất cả tâm trí mình đã viết những dòng chữ vàng sứ mệnh của FPT. Hay khoảnh khắc mênh mang sông nước, người FPT đem máy tính đến mũi Cà Mau để hiện đại hóa ngân hàng, thuế vụ và kho bạc.
Rồi khoảnh khắc Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc Dự án đường trục Bắc - Nam cùng anh em đồng đội kéo cáp trong âm u giữa rừng già Tây Nguyên nối tuyến trục Bắc - Nam cho hạ tầng cáp quang của đất nước. Cả khoảnh khắc bồn chồn khi Bùi Ngọc Khánh đưa ra thị trường những chiếc điện thoại thông minh mang thương hiệu FPT.
Và khoảnh khắc tự hào khi hãng chế tạo máy bay hàng đầu của Mỹ giao dự án di động không phải cho kỹ sư Ấn Độ hay Trung Quốc hay Nga, mà cho các kỹ sư Việt Nam từ FPT. Khoảnh khắc sung sướng khi toàn bộ thiết kế, lập trình cho tivi đám mây của hãng điện tử danh tiếng Nhật Bản đều do lập trình viên FPT thực hiện thành công…
“Muôn vàn khoảnh khắc FPT trong suốt 25 năm qua. FPT chính là muôn vàn khoảnh khắc đấy”.
Tháng 9/2013, đúng dịp FPT kỷ niệm 25 năm thành lập, tôi đã thực sự ngạc nhiên và rưng rưng cảm động khi nghe Trương Gia Bình say sưa nói như vậy về muôn vàn khoảnh khắc FPT. Chính muôn vàn khoảnh khắc ấy đã đưa FPT từ một công ty không vốn liếng, không trụ sở vào năm 1988 thành một tập đoàn có đội ngũ 7 công ty thành viên, gần 18.000 nhân viên và doanh thu khoảng 1,3 tỷ USD trong năm 2013. Và không chỉ là công nghệ thông tin, FPT còn lấn sân sang viễn thông, bán lẻ, giáo dục...
Nhưng bỏ qua mọi con số vô hồn, khi nghe Trương Gia Bình tự sâu thẳm trong tim nói về những khoảnh khắc FPT, tôi đã thực sự hiểu vì sao, ông đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, FPT chính là máu thịt của ông, của những người FPT. Và FPT chính là câu chuyện lớn nhất của cuộc đời ông.
Con người của những ước mơ
Có quá nhiều điều có thể nói về Trương Gia Bình. Chỉ cần gắn hai “thương hiệu” Trương Gia Bình và FPT, cái tên ban đầu đơn giản được đặt ra chỉ vì nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu cũng chỉ có… 3 chữ, như IBM hay NTT, đã có thể viết được cả một cuốn sách. Đơn giản thôi, vì FPT là tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam hiện nay. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chẳng công ty nào của Việt Nam có thể sánh được với FPT. Còn Trương Gia Bình là tên tuổi lớn của thế hệ doanh nhân F1 của Việt Nam. Bằng đam mê của mình, ông đã cùng các đồng sự thành lập FPT khi đất nước vừa bước qua những đêm nhập nhoạng của thời Đổi mới. Và vượt qua khó khăn, FPT gần như là cái tên duy nhất được thiết lập ở thời điểm ấy tồn tại và phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Người ta cũng đã nói rất nhiều về những ý tưởng của ông, từ việc đưa chiến tranh nhân dân vào thương trường, đến thuyết Thác số, rồi Genetic, những điều mới nghe cảm tưởng vô cùng trừu tượng và khó hiểu. Cả chuyện ông đã chinh phục mọi người bằng trí tuệ và năng lực vô cùng đặc biệt, bằng tư tưởng và tầm nhìn tuyệt vời. Còn tôi thì lại thực sự ấn tượng trước cái cách ông chia sẻ những ước mơ, những khát khao cháy bỏng của mình.
Hơn 25 năm trước, Trương Gia Bình đã cùng các đồng sự của mình thành lập và phát triển FPT trở thành tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam. Và nay, lại tiếp tục ước vọng đưa FPT ra với thị trường toàn cầu. Dường như, những khát vọng ấy chưa bao giờ thôi hun đúc trong trái tim ông.
Mang câu hỏi ấy nói với ông, Trương Gia Bình lại cười, rằng không những khát vọng ấy chưa bao giờ thôi hun đúc, mà thậm chí, giờ còn trở nên mạnh mẽ hơn. “Đó là khát vọng thoát khỏi nghèo hèn, không phải cho cá nhân tôi, mà cho cả dân tộc Việt Nam mình”, Trương Gia Bình nói thế và chia sẻ rằng, từ thời sinh viên, du học ở nước ngoài, ông đã chịu sự khinh rẻ vì là người Việt Nam. Thế nên, khát vọng thoát nghèo hèn được hun đúc từ đó.
“Nước Việt ta còn nghèo lắm, chỉ vừa bước qua ngưỡng thu nhập thấp. Rủi ro trước mắt có thể là bẫy thu nhập trung bình. Còn nhiều bẫy lắm đang chờ dân tộc mình. Vì thế, giờ là lúc cần hơn hết khát vọng của tất cả người dân Việt để đưa đất nước cường thịnh hơn”.
Còn FPT ư? Ai bảo FPT đã hùng mạnh? Chỉ là vừa đủ ở mức nếu có gặp lãnh đạo các tập đoàn lớn trên toàn cầu, tự tin để nói rằng, nếu bây giờ ông giao cho tôi hợp đồng 100 triệu USD/năm, thì tôi, trong 5 năm tới, sẽ giúp ông tiết kiệm được 150 triệu USD.
Trương Gia Bình bảo thế, rồi cao giọng, ông nói: “Đã đến lúc thị trường Việt Nam trở nên nhỏ bé. Và đã đến lúc FPT ganh đua với các tập đoàn danh tiếng thế giới đến từ Mỹ như Acenture, IBM, HP; đến từ Ấn Độ như Tata, Wipro, Infosys; đến từ Trung Quốc như Neusoft, Hisoft…”.
25 năm trước, dù 13 “quái nhân” đã “vạch” chiến lược cho FPT rằng, sẽ trở thành “một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia…”, nhưng chưa hề có trong tầm nhìn vai trò tiên phong trên toàn cầu. Giờ thì khác, ấp ủ của vị doanh nhân đã 25 năm ngồi ghế Chủ tịch, đó là FPT sẽ có tên trong top 500 Forbes của thế giới. Thậm chí, Trương Gia Bình bảo, top 500 chỉ là xếp hạng chung, còn mục tiêu của FPT, ở một số lĩnh vực, sẽ là những vị trí hàng đầu.
Thực hiện khát vọng toàn cầu hóa, giờ FPT đã có mặt ở 19 thị trường. Và vừa mua lại Công ty RWE IT Slovakia, thành viên Tập đoàn RWE - Tập đoàn hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực điện và gas, với doanh thu năm 2013 lên tới trên 70 tỷ USD. Không dừng lại ở châu Âu, sẽ còn những thương vụ M&A đình đám khác nữa, để đưa FPT hiện diện khắp toàn cầu. 7 tháng đầu năm nay, doanh thu chỉ riêng ở thị trường nước ngoài đã lên tới 1.740 tỷ đồng (tương đương 82 triệu USD), tăng 28% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhưng như thế là chưa đủ, ước vọng của Trương Gia Bình là tiến lên S.M.A.C (xu hướng công nghệ mới của thế giới, gồm Social (xã hội), Mobile (di động), Analytics (phân tích, dựa trên dữ liệu lớn) và Cloud (đám mây). “Trật tự mới của thế giới sẽ được xác lập, một khi S.M.A.C phát triển mạnh mẽ hơn. FPT sẽ đi tiên phong trong công nghệ S.M.A.C, để mai này, nói đến Việt Nam, không thể không nói đến S.M.A.C và nói đến S.M.A.C, không thể không nói đến FPT”, Trương Gia Bình hứng khởi.
Không ngoa khi nói rằng, Trương Gia Bình chính là con người của những ước mơ. “Sẽ có ngày FPT có những sản phẩm nổi danh như các đại gia công nghệ Google hay Microsoft, nhưng vấn đề là FPT sẽ phải xác nhận ước mơ của mình bằng hành động thực tiễn. FPT sẽ phải đi rất nhanh để giữ sân, vì nếu chậm trễ, sân chơi mới ấy sẽ thuộc về những công ty đã có danh vọng trên thị trường”, ông nói.
Người thổi lửa và giữ lửa ở FPT
Ở FPT, cặp bài trùng Trương Gia Bình và Bùi Quang Ngọc dường như trái ngược nhau hoàn toàn. Nếu Trương Gia Bình hay hùng biện, thì Bùi Quang Ngọc lại ít nói. Một người hay nói về chiến lược, một người thuộc về kế hoạch, triển khai. Một người mơ mộng đôi khi viển vông, một người vô cùng thực tế…
Bởi thế, nếu có hỏi Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc về tầm nhìn dài hạn của FPT, ông thường dè dặt hơn, dù bao giờ cũng tin vào tương lai phát triển của Tập đoàn. Còn Trương Gia Bình thì khác, ông có thể say sưa nói hàng giờ về những khát vọng của mình.
Có viển vông không? Vẫn có người thừa nhận rằng có. Nhưng chính Trương Gia Bình, con người tài năng và lấp lánh sức trẻ ấy, gần 26 năm qua đã biến những điều không thể thành có thể. Ông chính là người truyền cảm hứng cho những người FPT để họ nắm tay nhau, cùng đưa khát vọng của riêng ông thành khát vọng chung và biến nó thành hiện thực.
Nhưng dù có “gài” cỡ mấy, Trương Gia Bình cũng không chịu nói về vai trò cá nhân mình ở FPT. Ông chỉ chân tình bảo rằng, ông đơn giản là người thổi lửa và giữ lửa ở FPT. “Bằng cách nào”, tôi hỏi thế. “Bằng chính ngọn lửa đam mê trong trái tim tôi. Tôi luôn khát khao đưa trí tuệ Việt ra thế giới. Đó chính là tài nguyên lớn nhất của Việt Nam, hơn cả rừng vàng, biển bạc. Và sứ mệnh thiêng liêng của FPT chính là biến chất xám Việt Nam trở thành giá trị toàn cầu”, Trương Gia Bình bảo.
Nhắc chuyện Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc, dù luôn đứng đằng sau người bạn thuở thiếu thời nhưng không bao giờ thấy đố kỵ, vì cho đến tận ngày hôm nay, Chủ tịch Trương Gia Bình vẫn miệt mài làm việc sớm khuya, ông cười vang: “Đúng là nhiều lúc tôi cũng tự hỏi, vì sao các đồng sự của mình có lúc có thời gian để đi chơi, còn tôi thì không. Nhưng rồi, tôi đã nghiệm ra rằng, làm việc chính là cách để tôi tận hưởng niềm hạnh phúc của mình. Làm việc là quyền lợi, là niềm đam mê của tôi”, ông nói, rồi kể rằng, cho đến tận bây giờ, ông vẫn học hỏi và liên tục học hỏi. Hàng đêm, ông vẫn chăm chỉ đọc sách.
“Mọi người cũng cứ nói, tôi chỉ lo chiến lược, nhưng đâu phải thế, tôi vẫn đang đi bán hàng đấy chứ. Tập đoàn mở văn phòng ở đâu, tôi lại tới đó để bán hàng”, Trương Gia Bình cười vang.
Cứ như thế, bằng sự nhiệt tâm của mình, Trương Gia Bình thổi lửa khát vọng tới mỗi người FPT. “Giữ lửa thì bằng nhiều cách. Ví như sau thành công của việc xuất khẩu phần mềm, tôi biết thế nào cũng có chuyện mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ. Vậy thì sẽ phải đẩy lên một thách thức cao hơn nữa, đó là toàn cầu hóa, để mọi người tiếp tục đứng bên nhau, đồng cam cộng khổ. Thách thức lớn nhất hiện nay, đó chính là S.M.A.C”, Trương Gia Bình lại cười.
Giờ thì tôi đã hiểu cái cách mà Trương Gia Bình đã thổi lửa và giữ lửa ở FPT. Cái cách mà Trương Gia Bình đã mang đến thành công cho FPT.
Mà chẳng phải chỉ là thổi lửa hay giữ lửa cho riêng những người FPT, tôi bảo ông, ông cũng chính là người đang thổi lửa và giữ lửa cho những thế hệ doanh nhân tiếp theo. Không dám thừa nhận điều to lớn đó, Trương Gia Bình bảo, điều ông mong muốn nhất, là các doanh nhân trẻ đừng bao giờ thôi ước mơ và từ bỏ ước mơ của mình.
“Nếu mỗi người Việt Nam đều có tinh thần doanh nhân, có khát vọng thoát khỏi đói nghèo, thì Việt Nam, chẳng bao lâu nữa, sẽ đứng vào hàng ngũ các nước tiên tiến trên thế giới”, Trương Gia Bình lạc quan, đúng như cái cách mà ông bảo, ông thuộc diện “lạc quan một cách quá đáng”.
Tôi biết điều ấy là chẳng dễ. Cả chuyện Trương Gia Bình liệu có thể thổi lửa và giữ lửa cho thế hệ doanh nhân Việt Nam tiếp theo hay không. Nhưng có một điều tôi biết, những gì mà Trương Gia Bình đã làm được cho đến ngày hôm nay thật đáng tự hào.
Theo Nguyên Đức/Baodautu