Khối tài sản cực khủng...
Dư luận đang rất xôn xao khi Công ty CP Đức Khải (Công ty Đức Khải) trình Thủ tướng, xin cơ chế ưu đãi để thực hiện thí điểm dự án trên. Theo đó, công ty này dự kiến sẽ nhập 95 tàu đánh bắt (bình quân 8 tỷ đồng/chiếc), cùng với các ngư cụ trên tàu (khoảng 3 tỷ đồng/chiếc); 5 tàu dịch vụ hậu cần khoảng 15-20 tỷ đồng/chiếc, cùng với thiết bị chuyên dụng cho các tàu (thêm khoảng 10 tỷ đồng/chiếc); 2 trực thăng khoảng 60 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty Đức Khải cũng lên kế hoạch nhập 2 ụ nổi (loại 5.000 tấn), đặt tại ngư trường tiếp nhận hải sản đánh bắt, phân loại sơ chế, bảo quản. Với sản phẩm đủ tiêu chuẩn, có thể chuyển lên tàu xuất khẩu trực tiếp. Theo kế hoạch, nếu được chấp nhận thì một số tàu cá cũ sẽ được đưa về Việt Nam trong tháng 8 này.
Ngay khi thông tin này truyền đi, dư luận lập tức tìm hiểu về chân dung ông chủ của Đức Khải – người được cho là đang sở hữu hàng ngàn tỷ đồng. Đó chính là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải - Phạm Ngọc Lâm. Ông Lâm đang nắm trong tay 20 công ty thuộc các lĩnh vực bất động sản, phân phối, xây dựng, kho vận, cảng cạn, xăng dầu…
|
Ông Phạm Ngọc Lâm - ông chủ Công ty CP Đức Khải. Ảnh: Forbes Việt Nam.
|
Công ty CP Đức Khải của ông Lâm được biết đến là doanh nghiệp bất động sản đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ cấp phép ở lĩnh vực đền bù - giải tỏa. Doanh nghiệp này cũng đã khẳng định tầm vóc ở nhiều dự án lớn như The Era Town (3.036 căn hộ), Khu tái định cư Phú Mỹ 2 (1.008 căn hộ), CLB TDTT Phan Đình Phùng...
Và bản án chung thân “giắt vốn”
Ông Phạm Ngọc Lâm không chỉ được biết đến là một ông chủ bất động sản tiếng tăm ở TP HCM mà còn gây sốc với việc quay lại nghiệp kinh doanh với một quá khứ “tai tiếng”: Năm 1997, ông bị bắt do dính líu đến vụ án Tân Trường Sanh. Trong vụ án này, nếu như Trần Đàm được xem là “ông trùm” đường dây buôn lậu xe hơi thì Phạm Ngọc Lâm được xem là cầm đầu đường dây buôn lậu xe hơi nhập khẩu và đối diện với án tử hình. Năm 2000, ông Lâm bị kết án tù chung thân do khắc phục hiệu quả bằng cách nộp tài sản, hơn 40 triệu USD, theo thống kê của cơ quan chức năng. Đầu năm 2005, ông được đặc xá trước thời hạn nhờ khắc phục hậu quả và cải tạo tốt.
Năm 2006 sau khi ra tù, ông Lâm khởi nghiệp lần hai. Nhờ bạn bè giúp đỡ, ông Lâm được độc quyền phân phối sản phẩm thương hiệu Tosiba tại Việt Nam. Sau này Đức Khải phân phối thêm sản phẩm của hãng Kenwood, Indesit và Dongfeng. Từ kinh nghiệm làm xuất nhập khẩu, ông Lâm nhận thấy phải có hệ thống kho ngoại quan riêng nhằm duy trì chi phí thấp cho sản phẩm nhập khẩu.
Dự án chung cư bình dân Era Town (quận 7, TP.HCM) giúp thương hiệu Đức Khải được biết đến trên thị trường. Sau khi trở lại kinh doanh, ông Lâm đến với bất động sản khá tình cờ. Năm 2008, nhận ra vấn đề giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc, ông xin Nhà nước thí điểm lập công ty đền bù và giải phóng mặt bằng với mục đích tạo quỹ đất sạch, bán đấu giá. Sau này, một số chủ đầu tư không triển khai dự án, ông xin làm thay. Đức Khải rẽ sang nhánh kinh doanh này. Ngoài Ers Town, Đức Khải triển khai 23 dự án khác, quỹ đất lên tới 1.552ha.
Dù thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn song ông Lâm vẫn khẳng định, năm nay, Đức Khải tiếp tục triển khai thêm ba dự án nữa. “Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2015, chúng tôi sẽ mở rộng mảng kinh doanh dịch vụ nhà hàng và chăm sóc sức khỏe”, ông Lâm nói. Không chỉ có thế, Đức Khải còn có những dự án đầu tư cho thủy sản, phát triển theo hướng quy mô lớn và đã được HĐQT thống nhất.
Trả lời báo giới vì sao lại kinh doanh thủy sản trong khi ngành nghề này đang gặp không ít sóng gió, ông Lâm cho biết: “Lợi thế của tôi về thương mại đã có rồi, song mới chỉ là nhập khẩu bán lẻ nên tôi muốn mở thêm ngành thủy sản để tập trung xuất khẩu. Mục tiêu của tôi là luân chuyển dòng tiền, nhập khẩu thì phải có xuất khẩu. Một lý do khác là tôi muốn đóng góp cho quê hương miền Trung, nơi tôi sinh ra”.
Nói về dự án nhập trực thăng, tàu cũ đang gây xôn xao dư luận, ông Lâm cho biết, công ty sẽ bỏ vốn đầu tư, ngư dân góp sức, kinh nghiệm để hợp tác. Tỷ lệ được chia cho ngư dân là 65%, doanh nghiệp 34% và 1% dành cho lực lượng kiểm ngư. Trong khi đó, theo cách chia truyền thống, hiện ngư dân với chủ tàu là 50-50, nhưng ngư dân phải chịu các phí tổn của chuyến đi. Mức thu nhập của ngư dân cũng được ông chủ Cty Đức Khải hứa hẹn, ban đầu trung bình 10 triệu đồng/người/tháng; từ năm 2016 sẽ nâng lên mức gấp đôi khoảng 20 triệu/tháng, sau đó sẽ cao hơn nữa. “Đây không phải là đề án bốc đồng, giật gân mà có hiệu quả thì tôi mới làm”, ông Lâm khẳng định.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thủy sản thì dự án trên có tính khả thi không cao. Việc phát triển đội tàu, đặc biệt là tàu vỏ sắt, phải phù hợp với quy hoạch, từng nghề, từng địa phương; dựa trên tính hiệu quả, chứ không phải tàu to, máy lớn là được. Chưa kể, khu neo đậu, cơ sở sửa chữa cho tàu cá lớn hiện ở nước ta chưa đồng bộ...
Lê Thịnh (tổng hợp)