Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016. Trong kỳ, doanh thu của tập đoàn tăng gần gấp đôi lên 1.972 tỷ đồng. Tuy nhiên do chi phí vay lãi quá lớn lên tới 304 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh chỉ còn 90 tỷ trong khi cùng kỳ đạt 303 tỷ đồng.
|
Cơ cấu doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai trong quý đầu năm 2016. Đơn vị: tỷ đồng.
|
Trong đó, doanh thu từ bán bò góp phần lớn nhất đạt 1.233 tỷ đồng, cùng kỳ tập đoàn chưa ghi nhận doanh thu từ lĩnh vực này. Đây là ngành mới triển khai của Hoàng Anh Gia Lai song luôn đứng vị trí số 1, đem lại doanh thu lớn cho tập đoàn.
Hoàng Anh Gia Lai là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đầu tư trọng điểm vào nuôi bò công nghệ cao. Công ty đã dành tới 6.300 tỷ đồng vào dự án chăn nuôi với tổng đàn 236.000 con, trong đó có 120.000 con bò sữa.
Hoàng Anh Gia Lai còn hợp sức cùng Tập đoàn An Phú thành lập Công ty cổ phần Bình Hà. Mới đây, Bình Hà cho biết đã hoàn thành giai đoạn I của dự án chăn nuôi bò lớn nhất Việt Nam tại Hà Tĩnh.
Công trình có vốn đầu tư lên tới 4.582 tỷ đồng, nằm trên diện tích 5.000 ha với khoảng 3.000 lao động. Dự kiến đến năm 2017, tổng đàn bò tại đây là 217.000 con. Mục tiêu dự án là phát triển chăn nuôi bò giống và bò thịt theo quy trình công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Sau khi hoàn thành, trang trại này sẽ đem lại khoảng 1.000-1.500 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Mía đường, bắp ngô cũng mang lai doanh thu lần lượt là 246 và 88 tỷ đồng. Doanh thu từ bán căn hộ và đầu tư bất động sản đạt 225 tỷ đồng. Đầu tư lớn nhất vào cao su song lĩnh vực này vẫn chưa đem lại doanh thu cho tập đoàn.
Chi phí đầu tư dở dang của tập đoàn trong kỳ đã tăng lên hơn 25.000 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong chi phí đầu tư là lĩnh vực trồng cao su và cọ dầu đạt 12.938 tỷ đồng. Chi phí dự án Khu phức hợp Hoàng Anh Gia lai Myanmar là 5.766 tỷ đồng, các nhà máy thuỷ điện là 3.473 tỷ, dự án nuôi bò chỉ 156 tỷ đồng, hồ tiêu 95 tỷ đồng. Học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG là 28 tỷ đồng.
Tính đến 31/3, tổng tài sản tập đoàn tăng lên trên 52.000 tỷ đồng, trong đó chi phí vay nợ trên 28.000 tỷ. Ngân hàng BIDV, Công ty Chứng khoán BSC, Eximbank, Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, Sacombank, VPbank…là các chủ nợ lớn của Hoàng Anh Gia Lai. Lượng tiền mặt công ty cũng tăng lên 1.719 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền gửi ngân hàng.
Mới đây, chủ nợ lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai là BIDV đã cho biết tập đoàn vẫn có khả năng chi trả và vay nợ rất sòng phẳng.
Chủ tịch Trần Bắc Hà cho biết, 10 ngân hàng là chủ nợ của Hoàng Anh Gia Lai đều đề nghị giữ nguyên nhóm nợ, kéo dài thời gian trả nợ và đang đề xuất kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép việc này. Hiện 10 ngân hàng đã có báo cáo hướng xử lý trọn gói, cấu trúc lại nợ, tạo điều kiện cho tập đoàn cấu trúc lại hoạt động, trả nợ các ngân hàng.
Theo Zing